Theo đó, phương án thứ nhất là xây dựng mới 2 nhà máy nước mặt là sông Hồng và sông Đuống, mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm.
Các nhà máy nước ngầm hiện có trên địa bàn thành phố về cơ bản sẽ vẫn giữ nguyên công suất. Tổng công suất các nhà máy nước ngầm cung cấp cho Hà Nội đến năm 2030 là 615.000 m3/ngày, phần còn thiếu của nhu cầu dùng nước sẽ phải phát triển khai thác nguồn nước mặt. Như vậy, tổng công suất các nhà máy nước mặt còn thiếu để cung cấp nước cho thành phố là 1.814.000 m3/ngày.
Hà Nội cần xây mới nhiều nhà máy nước nữa. |
Để giải quyết, 2 nhà máy nước mặt là sông Hồng, sông Đuống sẽ được xây dựng với công suất 300.000 m3/ngày và nâng lên 600.000 m3/ngày vào năm 2030, đồng thời sẽ mở rộng công suất nhà máy nước sông Đà hiện có từ 300.000 m3/ngày lên 600.000 m3/ngày năm 2020 và nâng lên 1.050.000 m3/ngày vào năm 2030. Ưu điểm của phương án này ở chỗ: do có 3 nhà máy nước với công suất lớn (sông Hồng, sông Đà, sông Đuống) nằm ở 3 hướng của thành phố nên mạng lưới đường ống truyền tải nước ngắn, không phải bơm nước xa sẽ giảm chi phí điện năng giúp hạ chi phí đầu tư và quản lý , cấp nước sẽ an toàn và ổn định hơn. Ngoài việc cấp nước cho thành phố Hà Nội phương án này còn có thể cấp nước bổ sung cho vùng phụ cận của các tỉnh phía Đông và Bắc thành phố Hà Nội. Nhược điểm của phương án này là vị trí của nhà máy nước mặt sông Đuống ở hạ lưu khu đô thị nên chất lượng nước thô sẽ bị ảnh hưởng, bên cạnh đó là phải xây dựng thêm 2 nhà máy nước mặt nên chi phí đầu tư và quản lý vận hành sẽ lớn và phức tạp hơn.
Phương án thứ hai là xây mới nhà máy nước mặt sông Hồng, mở rộng nâng công suất nhà máy nước mặt sông Đà và khai thác hợp lý công suất các nhà máy nước ngầm. Tương tự như phương án 1, các nhà máy nước ngầm trong phương án này sẽ duy trì tổng công suất đến năm 2030 là 615.000 m3/ngày, phần còn thiếu sẽ phải phát triển khai thác nguồn nước mặt. Theo phương án này thì sẽ chỉ xây dựng mới nhà máy nước mặt sông Hồng với công suất 600.000 m3/ngày năm 2020 và nâng công suất lên 900.000 m3/ngày vào năm 2030. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng công suất nhà máy nước mặt sông Đà từ 300.000 m3/ngày lên 1.050.000 m3/ngày vào năm 2030.
Ưu điểm của phương án này là do vị trí của nhà máy nước mặt sông Hồng ở thượng lưu khu đô thị và cảng Thượng Cát nên chất lượng nước thô đảm bảo không bị ô nhiễm chất thải xả ra sông do các hoạt động của đô thị. Do chỉ xây dựng thêm một nhà máy nước mặt sông Hồng nên chi phí đầu tư và quản lý vận hành sẽ thấp và đơn giản hơn. Nhược điểm của phương án này là do vị trí của nhà máy nước mặt sông Hồng ở phía Tây Bắc thành phố nên để dẫn nước sạch đến các đô thị xa ở phía Đông và phía Nam thành phố sẽ phải xây dựng thêm các trạm bơm tăng áp.
Được biết, phương án 1 tuy có mức đầu tư và chi phí quản lý cao hơn phương án 2, nhưng phương án 1 sẽ có hệ thống cấp nước an toàn và ổn định cho thủ đô Hà Nội. Với 3 nguồn nước lớn từ 3 nhà máy nước là sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, phương án 1 sẽ cung cấp nước sạch cho đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, thị trấn và cho các vùng phụ cận Hà Nội như các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, nơi có nguồn nước thô hạn chế.
Theo đại diện Viwase, phải quy hoạch hệ thống tiêu thoát lũ của thành phố gắn liền với các hành lang xanh đô thị. Cụ thể, với hành lang sông Đáy, sông Tích, sông Cà Lồ, đầm Vân Trì và các dải xanh giữa các đô thị vệ tinh sẽ tận dụng hành lang xanh để quy hoạch chuỗi hồ ướt, hồ khô, công trình thấm để chứa, thấm nước mưa khi có mưa và đặc biệt là bảo vệ các sông không bị ô nhiễm bởi dòng chảy bề mặt do nước mưa đợt đầu.
Sông Tô Lịch sẽ tiêu thoát nước ra sông Hồng thông qua Trạm bơm nước mưa Yên Sở và cụm hồ điều hòa Yên Sở. Với sông Nhuệ sẽ làm đập ngăn (cửa điều tiết trên sông Nhuệ) để hướng một phần dòng chảy sông Nhuệ về phía sông Hồng.
Đồng thời, nâng cấp mở rộng trạm bơm Đồng Mỹ kết hợp xây dựng hồ điều hòa Đồng Mỹ để thoát nước trực tiếp một phần ra sông Hồng, bên cạnh đó sẽ tiến hành giải pháp phân lũ sông Nhuệ ra sông Đáy thông qua các trạm bơm Yên Nghĩa và Yên Thái.
Định hướng quy hoạch thoát nước Hà Nội đến năm 2030 cũng nêu rõ, cần phải cải tạo, xây dựng mới các trạm bơm thủy lợi kết hợp với mục đích tiêu thoát nước đô thị; Mở rộng hệ thống hồ điều hòa đầu mối nhằm giảm lượng nước bơm vào các hệ thống sông nội đồng để không làm tăng mực nước trên các sông này, từ đó không gây ngập úng các khu vực đất thấp đô thị, nông thôn thuộc lưu vực.
Các khu lưu vực thoát nước đô thị tổng thể của Hà Nội đến năm 2030 gồm 3 lưu vực: lưu vực Bắc Hà Nội, lưu vực Hữu Đáy, lưu vực Tả Đáy. Trong đó, lưu vực Bắc Hà Nội gồm: lưu vực Hữu Cà Lồ (thuộc khu vực Đông Anh - Mê Linh) và lưu vực sông Cầu Bây (thuộc Long Biên - Gia Lâm); lưu vực Tả Đáy gồm: khu nội thành Hà Nội là lưu vực sông Tô Lịch và lưu vực sông Nhuệ; lưu vực Hữu Đáy gồm lưu vực Tả Tích và Hữu Đáy nằm trong trục đường Láng - Hòa Lạc và lưu vực Sơn Tây. |
Quang Anh