15 năm "tìm lại mình" và hành trình khởi nghiệp với quán cafe dành cho cộng đồng LGBT

Từ những khó khăn của chính mình khi come-out, 9X chuyển giới Vũ Hải Anh đã xây dựng quán café dành cho LGBT, trở thành "ngôi nhà chung" của những người như cậu và gắn kết cộng đồng.

15 năm "tìm lại mình" và hành trình khởi nghiệp với quán cafe dành cho cộng đồng LGBT

Trước khi trở thành chủ của một quán cafe khá đặc biệt như vậy, Hải Anh (SN 1994, Nam Định) cũng như nhiều bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT, đã trải qua không ít khó khăn để được là chính mình.

Hải Anh - chủ quán cafe LGBT

Hành trình "tôi đi tìm tôi" và giọt nước của người mẹ tại khoa Tâm thần

Từ những ngày còn học mẫu giáo, Hải Anh đã để tóc ngắn như con trai khiến không ít hàng xóm lầm tưởng gia đình cậu có đến 2 người con trai.

Bước vào cấp hai, đến độ tuổi bắt đầu trưởng thành, mẹ Hải Anh đã bắt buộc cậu để tóc dài, đi giày của con gái. Đó có lẽ đã là giới hạn của sức chịu đựng. Bởi mỗi lần bị mẹ bắt mặc váy, cậu đều khóc thét lên, cảm thấy những thứ đó dường như rất đáng ghét.

Hải Anh từng giận mẹ suốt 1 tháng chỉ vì mẹ ném đôi giày thể thao của cậu đi, bởi mẹ luôn muốn Hải Anh đi những đôi giày bệt nữ tính, duyên dáng.

Sinh sống tại vùng quê, thời điểm ấy, Hải Anh vẫn chưa hề biết đến cụm từ "LGBT, người chuyển giới" mà chỉ đơn thuần cảm thấy bản thân luôn thích những thứ thuộc về giới tính nam.

Cho đến lớp 10, cậu bạn cũng nghe theo lời mẹ thử để ý, thích những bạn nam nhưng Hải Anh lại cảm thấy như những "thằng bạn" chơi với nhau.

Đến khi cậu vô tình tìm hiểu được trên mạng và biết bản thân thuộc cộng đồng LGBT, sau 15 năm loay hoay "tôi đi tìm tôi", Hải Anh đã rất hoảng hốt về chính bản thân mình.

Sau 15 năm, Hải Anh đã hốt hoảng khi tìm thấy chính bản thân mình

Hải Anh giấu kín chuyện này trong suốt 3 năm cấp 3 vì với cậu hay bất cứ ai trong cộng đồng LGBT việc come-out (công khai giới tính) thì đó là chuyện rất khó nói với bố mẹ. Lên đại học, sống xa nhà, Hải Anh bắt đầu tự chủ về tài chính và cũng tự quyết định cuộc đời của chính mình.

Cậu chính thức come-out, để tóc ngắn và bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về những kiến thức liên quan đến cộng đồng LGBT, đặc biệt là người chuyển giới.

Lần đầu về nhà trong bộ dạng 1 "tranguys", mẹ của Hải Anh đã khóc nguyên 1 tuần và cầu xin: "Mẹ xin con hãy trở về như ngày trước đi".

Không chấp nhận được sự thật này, mẹ Hải Anh đã từng dẫn cậu đi khám nội tiết, thậm chí là… cậy nhờ tâm linh.

Cho đến khi cậu đưa mẹ đến Khoa Tâm thần của Bệnh viện Việt Đức, gặp một người bác sĩ tâm lí rất hiểu về LGBT thì mẹ cậu đã khóc rất nhiều và tạm chấp nhận sự thật này.

Những hoạt động về LGBT sau đó, Hải Anh đều đưa mẹ đi cùng. Gặp những người phụ huynh có con là người chuyển giới, mẹ của cậu dần hiểu hơn về con của mình và bắt đầu hy vọng cậu có thể được sống vui vẻ là chính mình.

Hải Anh từng khiến mẹ khóc rất nhiều khi come-out.

Quán cafe "đại bản doanh" của những người LGBT

Những khó khăn của một người trong cộng đồng LGBT như Hải Anh không chỉ là dũng cảm đối diện với chính mình, với gia đình mà còn là sự mặc cảm trước những ánh nhìn tò mò của xã hội.

Xuất phát từ những điều bản thân đã từng trải qua, Hải Anh luôn đau đáu ước mơ kết nối cộng đồng LGBT với xã hội. Và cơ duyên đến với cậu vào năm hai đại học, khi Hải Anh bắt đầu làm thêm tại quán cafe "Nhà ấm" của một tổ chức hoạt động xã hội. Sau 4 năm gắn bó với nó, giờ đây, quán cafe ấy được Hải Anh tiếp quản lại và đã trở nên thân thuộc với rất nhiều bạn trẻ LGBT Hà thành.

9X chia sẻ: "Xuất phát từ chính hoàn cảnh của bản thân mình. Mỗi lần mình đi vào quán cafe với bạn bè thì cũng nhận được hàng trăm ánh mắt soi từ đầu đến chân. Chưa kể, một loạt câu hỏi thì thầm, thắc mắc từ các bàn xung quanh: "Bạn đấy là nam hay nữ?", "Bạn đấy là người chuyển giới à?"… Điều đó khiến mình cảm thấy mất tự nhiên và một chút khó chịu.

Nhất là những lúc mình đang muốn thư giãn, tìm không gian để tĩnh lặng, chia sẻ với bạn bè thì lại bị người khác nhìn chằm chằm. Chính vì vậy, mình luôn ấp ủ một quán cafe dành cho các bạn LGBT".

Cậu ấp ủ ý định mở quán cafe dành riêng cho LGBT vì không muốn bị kỳ thị

Quán là địa chỉ quen thuộc dành cho rất nhiều cộng đồng nhỏ như: người dân tộc thiểu số, người LGBT, người khuyết tật… Những người tri thức hơn 60 tuổi cũng rất thích quán cafe nhỏ của cậu bởi không gian rất hoài cổ, an yên.

Những ngày khởi nghiệp đầy khó khăn, Hải Anh gần như phải "đập đi xây lại" phong cách trang trí cũ, bắt đầu đi nhặt nhạnh "như đồng nát" từng món đồ vật cổ để sắp xếp và trang trí lại quán.

Hải Anh còn tinh ý sắp xếp xen kẽ các tài liệu về LGBT (tư vấn sức khỏe sinh sản, giới tính, tư vấn viên về giới tính..) với những cuốn sách thường nhật để khách hàng không cảm thấy bị biệt lập.

Nơi đây không chỉ là nơi tổ chức những hoạt động về giới tính, giao lưu văn nghệ, những buổi talk về sức khỏe, giới tính, tình dục, dịch vụ hỗ trợ y tế cho transguy mà còn là nơi những người phụ huynh có con thuộc cộng đồng LGBT chia sẻ câu chuyện của con cái mình.

Bất cứ ai đến quán cũng đều rất ngạc nhiên trước sự thân thiện, hài hước và dễ gần của những người đồng tính. Quán cafe nhỏ của cậu không chỉ là "đại bản doanh" dành cho cộng đồng LGBT mà chính là cầu nối để họ đến gần hơn với xã hội.

Ngắm trọn không gian ấm cúng của quán cafe được coi là "đại bản doanh" dành cho cộng đồng LGBT:

Quán cafe mang phong cách cổ kính.
Những đồ vật xưa cũ được sắp xếp một cách đẹp mắt.
Đây là nơi đặc biệt dành cho những bạn trong cộng đồng LGBT ở Hà Nội.
Mọi người có thể cùng trò chuyện mà không hề cảm thấy bị "soi" hay đánh giá.
Theo Baodatviet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ