Sufiah Yusof sinh năm 1984 là người gốc Malaysia. Cô sinh ra trong gia đình gồm những người nổi tiếng thông minh ở nước Anh. Chị gái và anh trai của Sufiah đều vào đại học năm 12 và 15 tuổi.
Cuộc đời của người phụ nữ trải qua nhiều biến cố. Đến khi nhìn lại, cô không tiếc nuối về quyết định trong quá khứ.
Không còn nổi loạn, luôn nghĩ tích cực về cuộc sống
Tháng 3/2008, Sufiah Yusof trở thành cái tên làm dậy sóng truyền thông thế giới bởi lựa chọn gây chấn động. Cô bỏ trường Cao đẳng St Hilda, thuộc ĐH Oxford (Anh), trở thành “gái bán hoa”.
7 năm sau sự kiện trên, tháng 2/2015, lần đầu tiên, Sufiah xuất hiện lại trước truyền thông và trải lòng về cuộc sống của mình trong chương trình Nona TV3 (Malaysia) tại Albert Dock, Liverpool, Vương quốc Anh.
Theo lời nhà sản xuất thuật lại về buổi ghi hình, Sufiah đến trường quay trong buổi chiều giá buốt, chào mọi người bằng nụ cười tươi tắn trên môi.
Sự thân thiện của người phụ nữ 31 tuổi tạo thiện cảm cho người đối diện.
Sau 7 năm biến cố, Sufiah đã cao hơn nhiều với mái tóc dễ thương, không trang điểm nhưng khuôn mặt toát lên sự tích cực với cuộc sống".
Thần đồng Toán học năm nào không còn là cô bé nhút nhát, hay tủm tỉm cười ngồi lặng lẽ bên anh chị nữa. Cô đã trưởng thành với nét đằm thắm, mặn mà.
Theo New Strait Times, cô không còn liên lạc với gia đình nữa nhưng vẫn luôn mong họ bình an. “Tôi muốn tất cả thành viên trong nhà có được điều tốt lành nhất. Tôi tin rằng họ cũng sẽ suy nghĩ như mình”, thần đồng một thời tâm sự.
Nhớ lại những biến cố, Sufiah không ngần ngại cho rằng cô không có gì để hối tiếc. Người phụ nữ thừa nhận quyết định trong quá khứ đến từ sự bốc đồng. Điều đó khiến cuộc sống hiện tại của Sufiah gặp nhiều khó khăn tài chính khi thoát ly gia đình và một mình kiếm sống ở Anh.
Thần đồng người Malaysia bày tỏ sự biết ơn với cách nuôi dạy mà cha mẹ đã dành cho mình. Nhờ sớm được đào tạo về Toán học và ngành Kỹ thuật, Sufiah có bộ óc nhạy bén và phân tích tốt.
Tiếp xúc môi trường đại học, xa gia đình, vào ĐH Oxford khi còn nhỏ, giúp cô sớm hòa nhập cuộc sống xung quanh, trở thành người cứng cỏi, bản lĩnh.
Buổi phỏng vấn cũng tiết lộ Sufiah đã bỏ "nghề mặt trái", quay trở lại học tập, vừa theo đuổi ngành Kỹ thuật, vừa làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Cô sống cuộc đời bình dị như những phụ nữ khác.
Hậu biến cố, Sufiah còn lập trang blog về nữ quyền và nhiều lần trải lòng tâm sự. Cô từng viết: “Khi còn nhỏ, tôi không hạnh phúc. Tôi không hề biết tương lai sẽ ra sao nhưng cũng chẳng thể nào đổi cuộc đời cho bất kỳ ai khác”.
Sufiah không có con. “Nếu có, hẳn tôi sẽ rất lo lắng khi con bốc đồng và nổi loạn như mình trong quá khứ”, phụ nữ này thừa nhận.
“Thiên thần sa ngã” vì bị giam cầm
Ngược về quá khứ, Sufiah lần đầu tiên được mọi người biết đến năm 1997. Mới 13 tuổi, cô đã được tuyển thẳng vào ngành Toán học của Cao đẳng St Hilda, thuộc ĐH Oxford.
Tuy nhiên, năm 2000, thần đồng khiến nhiều người ngạc nhiên vì biến mất khỏi ký túc xá trong 2 tuần. Năm 2001, lúc vừa làm xong bài thi cuối kỳ, Sufiah trốn khỏi ký túc xá ĐH Oxford.
Hai tuần sau, người ta tìm thấy nữ sinh trong một quán cà phê Internet. Cô làm hầu bàn tại đó và một mực từ chối lời khuyên trở về trường của người thân, bè bạn lẫn thầy cô. Nguyên nhân được đưa ra là cô không thể chịu đựng được áp lực mà bố mẹ mang lại.
Cuối cùng, một gia đình khác nhận nuôi Sufiah và cô đồng ý trở về nhà. Năm 2003, cô tiếp tục học tập. Chỉ một năm sau, chặng đường học hành của thiên tài này lại đứt gánh lần nữa khi cô bất ngờ kết hôn với một luật sư và chuyển sang làm trợ lý hành chính tại công ty chuyên về xây dựng.
Cuộc tình của Sufiah chỉ tồn tại trong 13 tháng rồi đổ vỡ. Đến tháng 3/2008, cô trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người bởi lựa chọn nghề mà không ai ngờ tới.
Chia sẻ về cuộc sống khi còn nhỏ cùng cách giáo dục của cha, Sufiah cho rằng đó là khoảng thời gian khiến cô nghẹt thở nhất.
Mỗi buổi sáng, ba chị em nhà thần đồng phải cầu nguyện và tập hít thở trong nhiều giờ. Truyền hình, âm nhạc… trở thành thứ xa xỉ với những đứa trẻ, vì có thể gây mất tập trung cho việc học và được cho là hình thành bộ óc nông cạn đều bị cấm. Cha của họ cho rằng chỉ cần tâm trí trong sáng, an lành là đủ.
Chính cách dạy con khắc nghiệt đó đã khiến một thần đồng như Sufiah lựa chọn con đường đi khác để ngầm đáp trả những áp lực mà mình gặp phải. Nhiều người tiếc nuối cho “thiên thần sa ngã”. Trong khi đó, không ít người cũng thông cảm trước cuộc sống nghẹt thở của cô.
Bình luận