11,93 triệu học sinh Trung Quốc bước vào kỳ thi khốc liệt khi dịch vẫn đang hoành hành

GD&TĐ - Trong bốn ngày 7-10/6, 11,93 triệu học sinh Trung Quốc bước vào thi đại học (gaokao), vốn được xem là khốc liệt nhất thế giới, trong bối cảnh nước này đang chống chọi với sự bùng phát Covid-19.

Thí sinh dự thi tại điểm thi ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, sáng ngày 7/6. Ảnh: Xinhua.
Thí sinh dự thi tại điểm thi ở thành phố Thiên Tân, Trung Quốc, sáng ngày 7/6. Ảnh: Xinhua.

Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết số lượng thí sinh năm nay được thiết lập kỷ lục, cao hơn 1,15 triệu so với năm 2021. Tuy nhiên, Thượng Hải, thành phố mới dỡ phong tỏa từ ngày 1/6, sẽ tổ chức kỳ thi muộn hơn một tháng.

Số lượng thí sinh năm nay tăng cao kỷ lục với khoảng 11,93 triệu học sinh, tăng 1,115 triệu so với năm ngoái. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ chọi vào các trường đại học hàng đầu sẽ "cao khủng khiếp".

Thí sinh thi đại học năm nay tại Trung Quốc bắt đầu học THPT vào tháng 9/2019, vài tháng trước khi dịch Covid-19 bùng phát khiến hầu hết thời gian của ba năm phổ thông diễn ra trực tuyến. Điều này đã gây trở ngại lớn đến việc học tập của các em. Học sinh phải thích nghi với việc học tập từ xa, hạn chế của đại dịch, áp lực tâm lý và đôi khi là tình trạng thiếu lương thực.

Nhân viên dọn vệ sinh tại một điểm thi ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Nhân viên dọn vệ sinh tại một điểm thi ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Nữ sinh Bobo, sống tại Tân Cương, cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống trung học của em. Thời gian học kiến thức mới chỉ có 2 năm nhưng năm học 2022 đã bị gián đoạn 8 tháng”.

Theo Bobo, Tân Cương đã trải qua 2 lần phong tỏa trong hai năm dịch Covid-19. Các lớp học chuyển sang trực tuyến. Nữ sinh phải tìm hiểu những nội dung khó qua ứng dụng phát trực tuyến. Nhưng nữ sinh thừa nhận cách học này không hiệu quả, khó nắm bắt và gây đau mắt.

Học trực tuyến cũng phát sinh nhiều vấn đề kỹ thuật như đường truyền Internet kém, giáo viên không quen sử dụng phần mềm trực tuyến. Khi học online, nữ sinh phải tuyệt đối giữ kỷ luật và tập trung cao độ để không chơi trò chơi hoặc ngủ quên. Do gia đình không có máy in, Bobo không thể luyện thi gaokao trên giấy tại nhà.

Từ khi trở lại trường học vào đầu năm 2022, với quỹ thời gian ôn tập eo hẹp, Bobo cảm thấy khó khăn để lấp đầy sự gián đoạn.

“Chúng em là nạn nhân của đại dịch”, nữ sinh bày tỏ.

Phun khử khuẩn tại một điểm thi ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Phun khử khuẩn tại một điểm thi ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.

Tại Trung Quốc, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia, gaokao, thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Gaokao được đánh giá là kỳ thi khốc liệt nhất thế giới, có thể xây dựng hoặc huỷ hoại tương lai của một người trẻ. Nhắc đến gaokao, người ta sẽ nghĩ ngay đến điệp khúc “một kỳ thi quyết định một cuộc đời”.

Cho rằng cần thay đổi suy nghĩ của xã hội về gaokao, ông Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, đề xuất hai phương án.

Thứ nhất là cải cách gaokao. Theo ông Xiong, Trung Quố nên thiết lập một hệ thống đánh giá đa dạng, toàn diện, không chỉ dựa vào một kỳ thi duy nhất này.

Cách thứ hai mà ông Xiong đề cập là phá bỏ quan điểm truyền thống rằng chỉ có thành tích học tập và trường danh tiếng mới quan trọng.

“Chúng ta không thể đánh giá hoặc chọn một người chỉ dựa trên nền tảng học vấn của người đó”, ông Xiong cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.