Du học giảm sức nóng đối với sinh viên Trung Quốc

GD&TĐ - Nghiên cứu mới đây của Công ty tư vấn Oliver Wyman, Mỹ, cho thấy số lượng lưu học sinh Trung Quốc tại nước ngoài có thể đạt đỉnh trong vòng 5 năm tới nhưng sau đó sẽ trì trệ hoặc giảm nhẹ.

Số lượng lưu học sinh Trung Quốc có thể giảm sau 5 năm.
Số lượng lưu học sinh Trung Quốc có thể giảm sau 5 năm.

Trung Quốc hiện đang là quốc gia có số lượng lưu học sinh lớn nhất thế giới. Nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, sinh viên nước này được gia đình thúc đẩy du học Mỹ, Anh... để theo đuổi bằng cấp giáo dục đại học chất lượng.

Điều này khiến các trường đại học phương Tây phụ thuộc không nhỏ vào học phí của sinh viên quốc tế. Nhưng các cơ sở giáo dục đại học có thể phải đối mặt với sự sụt giảm sinh viên Trung Quốc, bất chấp việc nới lỏng biên giới.

Trong nghiên cứu, hai tác giả Claudia Wang và Monique Zhang nhận định: Dù số lượng lưu học sinh đã hồi phục phần nào sau đại dịch Covid-19, các nhà phân tích vẫn bi quan về xu hướng du học trong thời gian tới. Nhìn chung, số lượng sinh viên quốc tế tại các nước phương Tây khó có thể quay trở lại mức trước đại dịch.

Các tác giả lưu ý, trước khi việc di chuyển quốc tế bị đóng băng, họ đã chứng kiến dấu hiệu cho thấy số lượng lưu học sinh Trung Quốc đang giảm dần. Ước tính, số lượng du học sinh Trung Quốc đạt đỉnh và bắt đầu giảm tại các trường đại học Mỹ vào năm 2015 và tại các trường đại học Australia vào năm 2017.

Sau Covid-19, vấn đề căng thẳng địa chính trí, các chính sách bình thường mới tiếp tục làm đình trệ khả năng phục hồi của lĩnh vực du học. Đồng thời, giáo dục đại học của Trung Quốc đang không ngừng nâng cao chất lượng và cải cách sâu rộng.

Theo bà Claudia Wang, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang “thổi những luồng gió mới vào giáo dục đại học nước này”.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bổ sung chương trình giảng dạy ở trường đại học nhằm nhấn mạnh chủ quyền giáo dục. Đồng thời, hạn chế thành lập các trường quốc tế để kéo chỉ tiêu tuyển sinh về cho các trường đại học trong nước. Chính phủ nước này cũng tăng cường kiểm soát đơn xin cấp hộ chiếu, các kỳ thi tuyển sinh quốc tế và cơ quan tư vấn du học.

Bên cạnh đó, nhiều gia đình Trung Quốc không yên tâm khi cho con cái du học do các vấn đề liên quan đến căng thẳng địa chính trị, người gốc Á tại phương Tây... Trung Quốc dường như đang đi theo các quốc gia châu Á khác nhằm bảo vệ lĩnh vực giáo dục đại học trong nước và không ngừng phát triển nó theo hướng toàn cầu hóa.

“Số lượng lưu học sinh sẽ giảm xuống nếu một quốc gia có thể cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận và chất lượng giáo dục đại học. Tại châu Á, Nhật Bản đã làm tốt điều này, theo sau là Hàn Quốc và hiện là Trung Quốc”, bà Wang cho hay.

Tuy dự kiến số lượng lưu học sinh Trung Quốc chững lại, các chuyên gia phân tích kỳ vọng số lượng lưu học sinh quốc tế sẽ tăng nhẹ. Các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, sẽ tiếp tục duy trì số lượng du học sinh ra nước ngoài.

“Chúng tôi tin rằng, trước mắt số lượng du học sinh sẽ không giảm đột ngột vì nhu cầu du học của nhiều quốc gia vẫn tương đối lớn. Tuy nhiên, cảnh báo từ tình trạng đáng lo ngại của Trung Quốc, trong tương lai xa hơn, du học nước ngoài có thể sẽ giảm nhiệt”, bà Wang cho biết.   

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.