Nhiều vấn đề nan giải
Bóng chưa lăn song đội tuyển Việt Nam đã đối mặt với nhiều vấn đề nan giải. Thách thức trước mắt của thầy trò HLV Park Hang Seo là quy định phòng dịch Covid-19. Theo quy định của Chính phủ Việt Nam, tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly 21 ngày. Thời gian cách ly có thể giảm xuống 7 ngày với những người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19.
Trong khi đó, theo LĐBĐ châu Á (AFC), các liên đoàn muốn tổ chức các trận đấu trên sân nhà phải bảo đảm việc đội khách tới thi đấu không phải cách ly hoặc cách ly tối đa 2 ngày. AFC cho rằng, việc cách ly dài ngày có thể khiến cầu thủ mất phong độ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính công bằng với các đội khách.
Tại vòng loại thứ hai, Trung Quốc cũng mất quyền thi đấu sân nhà với Philippines, Maldives và Syria vào tháng 6 vừa qua. Chính phủ Trung Quốc không đặc cách cho các đội khách, nên Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) phải đổi địa điểm thi đấu bảng A sang sân trung lập ở UAE.
AFC đang áp dụng hình thức “bong bóng an toàn” tại các giải đấu trực thuộc. Các đội sinh hoạt chung trong một khách sạn, không được rời ra ngoài, chỉ di chuyển từ đây tới sân tập và sân thi đấu. Như tại UAE, đội tuyển Việt Nam cùng 9 đội ở bảng A và G được xét nghiệm ngay khi xuống sân bay ở Dubai. Các đội sau đó về khách sạn cách ly một ngày, chờ kết quả và lập tức được ra sân tập luyện bình thường nếu âm tính.
Sân nhà luôn mang lại lợi thế lớn cho đội tuyển Việt Nam. Vậy nên, nếu không thể tổ chức các trận đấu trên sân Mỹ Đình buộc LĐBĐVN (VFF) phải thuê sân quốc tế trung lập cho đội tuyển Việt Nam thi đấu với tư cách đội chủ nhà. Đó sẽ là bất lợi vô cùng lớn cho thầy trò HLV Park Hang Seo, đồng thời ở góc độ kinh tế sẽ rất tốn kém. Tuy nhiên, VFF không có quyền quyết định chuyện cách ly, thẩm quyền thuộc về Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia và Bộ Y tế.
“Cơ chế quản lý các đội tuyển thi đấu tại vòng loại thứ 2 World Cup vừa qua được AFC và chủ nhà UAE thiết lập là cơ chế ‘bong bóng’. Các thành viên đội tuyển Việt Nam đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, VFF không có quyền quyết định mà sẽ phải báo cáo với mong muốn là đội tuyển Việt Nam được cống hiến trên sân nhà mà không phải chọn sân ở nước khác”, Tổng Thư ký VFF, ông Lê Hoài Anh cho biết.
Vừa qua, sau khi trở về nước từ UAE, thầy trò HLV Park Hang Seo chỉ phải cách ly trong 7 ngày (sau đó xin tự cách ly thêm 7 ngày ở khách sạn trước khi về với gia đình). Như vậy, VFF cũng sẽ phải xin thủ tục cách ly đặc biệt cho đội tuyển Việt Nam. Theo lịch thi đấu, thầy trò HLV Park Hang Sep sẽ đá trận mở màn vòng loại thứ 3 trên sân Ả-rập Xê-út ngày 2/9. Theo quy định, khi trở về phải cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày, các tuyển thủ sẽ không thể ra sân tập luyện chuẩn bị cho trận đấu với Australia vào ngày 7/9 tại Mỹ Đình.
Bên cạnh đó, AFC còn đưa ra quyết định sử dụng VAR (Công nghệ video hỗ trợ trọng tài). Khó ở chỗ, sân Mỹ Đình chưa được lắp đặt công nghệ VAR và điều này dẫn đến nguy cơ về việc tuyển Việt Nam có thể mất quyền thi đấu sân nhà.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Lê Hoài Anh cho biết, VFF lên kế hoạch mượn AFC hệ thống VAR theo dạng tạm nhập tái xuất để phục vụ đội tuyển Việt Nam. “AFC có một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị cũng như điều hành hệ thống VAR. Họ sẽ vận hành toàn bộ hệ thống đó cho các trận đấu ở Việt Nam, bao gồm thiết bị và nhân sự”, ông Lê Hoài Anh chia sẻ.
Bước đệm cho World Cup 2026
Lá thăm may rủi đã đẩy đội tuyển Việt Nam vào bảng đấu thực sự khó, cùng Nhật Bản, Australia, Saudi Arabia, Trung Quốc và Oman. Và con số thống kê không tô vẽ màu hồng được, bởi Việt Nam chưa từng thắng bất cứ trận nào trong đối đầu với các đội cùng bảng B.
Việt Nam 3 lần gặp Nhật Bản và cả 3 lần chiến thắng đều thuộc về đội bóng xứ Mặt trời mọc. Lần đầu Việt Nam gặp Nhật Bản là tại vòng bảng Asian Cup 2007. Các cầu thủ Nhật Bản đã giành thắng lợi 4 - 1 trên sân Mỹ Đình. Năm 2011, Nhật Bản đã đánh bại Việt Nam với tỉ số 1 - 0 ở trận giao hữu. Tại Asian Cup 2019, Nhật Bản cũng giành thắng lợi 1 - 0 trước Việt Nam ở Tứ kết.
Việt Nam 2 lần gặp Saudi Arabia ở vòng loại World Cup 2002 khu vực châu Á giai đoạn 1. Khi đó, tuyển Việt Nam chung bảng với Saudi Arabia và đã nhận 2 thất bại với các tỉ số 0 - 5 và 0 - 4 trước đội tuyển này vào tháng 9/2001. Đội tuyển Việt Nam đã 6 lần đối đầu với tuyển Trung Quốc và đều nhận thất bại.
Tại vòng loại World Cup 1998 khu vực châu Á giai đoạn 1, tuyển Việt Nam chung bảng với Trung Quốc và thua với các tỉ số 1 - 3 và 0 - 4; Vòng loại Asian Cup 2000, Việt Nam thua Trung Quốc 0 - 2. Ngoài ra, Trung Quốc còn giành 2 chiến thắng với tỉ số 6 - 1 và 2 - 1 ở 2 trận đấu trước Việt Nam tại vòng loại Asian Cup 2011. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thắng 3 - 0 trước Việt Nam ở trận giao hữu vào năm 2012.
Trong lịch sử, đội tuyển Việt Nam có 2 lần đối đầu với Oman tại vòng loại Asian Cup 2004. Ở trận lượt đi vào tháng 9/2003, Oman thắng 6 - 0 trước Việt Nam. Đến trận lượt về, Oman thắng 2 - 0 trước Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam chưa gặp Australia lần nào.
Hiện tại, Nhật Bản, Australia và Ả-rập Xê-út được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất cho 2 suất đến thẳng Qatar vào năm 2022. Cơ hội chen chân vào top 2 bảng B của Trung Quốc và Oman thấp hơn so với 3 đội bóng trên. Với đội tuyển Việt Nam, chúng ta không thể mơ về vị trí trong top 2 đội dẫn đầu. Nên nhớ đây là cuộc đua khốc liệt, đường trường kéo dài đến 10 trận, theo thể thức lượt đi và về, sân nhà và sân khách.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhìn nhận: Những trận đấu với Australia, Nhật Bản, Ả-rập Xê-út, Trung Quốc và Oman sẽ là cơ hội để bóng đá Việt Nam đo lường được năng lực thật sự của mình. Từ sự đo lường ấy, cộng với kết quả từ thi đấu thực tế sẽ giúp cho VFF có kế hoạch chuẩn bị tốt hơn nữa cho tương lai. Với thế hệ cầu thủ tài năng hiện có và độ tuổi còn rất trẻ, họ sẽ còn cống hiến cho đội tuyển quốc gia ở vòng loại World Cup 2026. Khi ấy, bóng đá châu Á có tới 8 suất (hiện là 4,5 suất, không tính chủ nhà Qatar) được dự vòng chung kết World Cup.
Theo thống kê, tại vòng loại thứ 2 bảng G diễn ra đầu tháng 6 tại UAE, đội tuyển Việt Nam có độ tuổi trung bình trẻ thứ 2 với 24,8 tuổi. Tiếp sau đó là Thái Lan 26,4, Malaysia 26,8 và cao nhất là UAE 27,8. Indonesia có đội hình trẻ nhất (22,2), song thực tế, đội bóng xứ Vạn đảo đến UAE không còn cơ hội tranh suất vào vòng 3. Đội bóng này tiến hành “thay máu” ồ ạt với rất nhiều cầu thủ thuộc lứa U21, U22. Trước đó, tại thời điểm năm 2019, Việt Nam có đội tuổi trung bình trẻ nhất ở mức 24,8. Các đội có độ tuổi trung bình tiếp theo là Thái Lan là 25,22, Malaysia là 25,57, UAE là 26,04. Indonesia là đội già nhất với độ tuổi trung bình là 27,13.
Hiện nay, độ tuổi chiếm số lượng nhiều nhất của đội tuyển Việt Nam là 26 tuổi (1995) với 7 cầu thủ, bao gồm Văn Hoàng, Tiến Dũng, Đức Huy, Tuấn Anh, Minh Vương, Xuân Trường và Công Phượng. Tiếp đến các cầu thủ sinh năm 1996 là Hồng Duy, Duy Mạnh, Văn Thanh, Văn Đức và Văn Toàn.
Năm sinh 1997 cũng khá đông với 6 cái tên là Tấn Tài, Thành Chung, Đình Trọng, Quang Hải, Tiến Linh và Đức Chinh. Trong khi đó, cũng có đến 5 cầu thủ sinh năm 1999 là Văn Toản, Văn Xuân, Văn Hậu, Việt Anh và Hoàng Anh. Người duy nhất sinh năm 1998 là tiền vệ Hoàng Đức.
Như vậy, nhóm sinh năm 1995 - 1998 đang lần lượt bước vào giai đoạn đỉnh cao phong độ của sự nghiệp cầu thủ. Đội tuyển Việt Nam với đội hình trẻ, tài năng sẽ đĩnh đạc bước vào đường đua giành suất đến World Cup 2026.
Toan tính khó lường của ông Park
Đội tuyển Việt Nam gần như không có hy vọng trong cuộc đua giành vé đến thẳng Qatar. Nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng bằng tài năng, những toan tính khó lường của ông Park, đội tuyển Việt Nam sẽ đua tranh sòng phẳng đến vị trí thứ 3.
Đội trưởng Quế Ngọc Hải tự tin cho biết: “Có thể nói mỗi trận đấu tại bảng B đều là thử thách vô cùng khốc liệt. đội tuyển Việt Nam sẽ phải tập luyện kỹ càng hơn, nỗ lực hơn, chăm chỉ hơn nữa, cố gắng thi đấu với tinh thần mạnh mẽ nhất để có kết quả tốt gửi tặng người hâm mộ”.
Tiền đạo Tiến Linh phát biểu: “Từ trước tới nay, dù gặp đối thủ nào thì tinh thần xuyên suốt của thầy Park là không bỏ cuộc và không run sợ. Việt Nam đã chạm mặt rất nhiều đối thủ mạnh như đội Iran, Iraq, UAE, Nhật Bản... nên chúng ta hoàn toàn có thể tự tin hướng tới mục tiêu tích lũy điểm càng nhiều càng tốt ở bảng B”.
Một lần nữa, những con số thống kê không biết “nói dối”. Oman từng 2 lần thắng Việt Nam nhưng đó là vào thời điểm 2003, diễn ra gần 20 năm trước. Những cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Syria gần đây không chênh lệch quá lớn về thực lực cũng là thông số rất đáng tham khảo. Trung Quốc 6 lần thắng Việt Nam và cũng cách đây cả thập kỷ. Dưới thời ông Park, ở cấp độ U23 và Olympic, Việt Nam từng đánh bại Oman, hạ gục Syria và Trung Quốc. Các cầu thủ Việt Nam rất tự tin trong các cuộc đối đầu với các đội bóng Tây Á.
Hồi tháng 9/2019, U22 Việt Nam giành chiến thắng 2 - 0 trong trận giao hữu trước U22 Trung Quốc, được dẫn dắt bởi “phù thủy” Guus Hiddink. Một điều thú vị là Tiến Linh là tác giả của cả hai bàn thắng. Đầu năm 2018, tại VCK U23 châu Á tại Thường Châu (Trung Quốc), U23 Việt Nam trong lần đầu được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo đánh bại U23 Australia 1 - 0. Cũng năm 2018, Olympic Việt Nam thắng Olympic Nhật Bản với tỉ số 1 - 0, giành quyền vào vòng kock-out với vị trí đứng đầu bảng D môn bóng đá ASIAD.
Ngôi Á quân U23 châu Á và lọt top 4 đội mạnh nhất ASIAD năm 2018 đều là những kết quả chấn động châu Á của bóng đá Việt Nam. Một năm sau, đội tuyển Việt Nam lọt vào top 8 đội mạnh nhất châu lục tại giải vô địch châu Á.
Hãy chờ xem đường binh của ông Park!