Đội tuyển Việt Nam tranh vé dự World Cup 2022: Rất gần và... rất xa

GD&TĐ - Đội tuyển Việt Nam đã làm nên lịch sử và tiến sát vé dự World Cup 2022. Nhưng 10 trận ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 sẽ trả lời cho câu hỏi, đội tuyển Việt Nam ở đâu trong hàng ngũ những đội mạnh nhất châu Á?

Tiến Linh (áo sẫm) ghi bàn trong cả 2 trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển UAE.
Tiến Linh (áo sẫm) ghi bàn trong cả 2 trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam gặp đội tuyển UAE.

Cú đúp lịch sử

Cho dù để thua UAE ở lượt trận cuối cùng vòng loại thứ hai và mất ngôi đầu bảng, song trước đó đội tuyển Việt Nam sở hữu thành tích ấn tượng, giành 17 điểm với 5 chiến thắng, 2 trận hòa và chỉ 1 thất bại.

Trừ 6 điểm từ 2 trận thắng đội cuối bảng Indonesia, thầy trò HLV Park Hang Seo vẫn có được 11 điểm, xếp trên Tajikistan, Lebanon và Jordan, lọt vào top 5 đội nhì xuất sắc nhất. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển Việt Nam đi sâu như vậy tại vòng loại World Cup.

Thái Lan đang là đội có thành tích tốt nhất bóng đá Đông Nam Á khi 2 lần lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á. Cụ thể vào năm 2002, Kiatisak trong vai trò cầu thủ đã cùng đội tuyển Thái Lan bất bại ở vòng loại World Cup.

Với 5 trận thắng và 1 trận hòa, Thái Lan bước vào vòng loại thứ 13 với 16 điểm. Đến vòng loại World Cup 2018, Thái Lan tái lập thành tích này. Kiatisak trong vai trò HLV trưởng đã cùng Thái Lan giành 14 điểm để lọt vào vòng đấu loại cuối cùng.

Tuy nhiên, với 17 điểm giành được ở bảng G, đội tuyển Việt Nam đã vượt kỷ lục điểm số dành cho đại diện Đông Nam Á ở vòng loại World Cup mà Thái Lan thiết lập được cách đây 20 năm.

Theo FIFA, Việt Nam đang tiến bộ dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo sau thành tích vào Tứ kết Asian Cup 2019. “Vòng đấu này chứng kiến sự bứt phá của Việt Nam khi lần đầu giành vé vào vòng 3 World Cup 2022” - trang chủ FIFA viết.

Đặc biệt, FIFA cũng dành lời khen ngợi với tiền đạo Tiến Linh, người đã ghi cả 2 bàn trong 2 trận đụng độ với UAE hôm 15/6.

Tiền đạo của Bình Dương có 5 bàn thắng tại Vòng loại thứ 2 World Cup 2022, san bằng kỷ lục từng được thiết lập bởi cựu danh thủ Nguyễn Hồng Sơn cách đây gần 20 năm.

Trong khi đó, trang thể thao uy tín EPSN cũng có bài bình luận về thời cơ ở sân chơi lớn World Cup của “thế hệ vàng” bóng đá Việt Nam.

EPSN đã nhắc lại hành trình đi lên một tầm cao mới đầy ngoạn mục của bóng đá Việt Nam gắn với thế hệ vàng gồm những cầu thủ như Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh, Văn Hậu… bắt đầu từ VCK U23 châu Á 2018 (Trung Quốc).

Sau giải đấu này, đội tuyển Việt Nam đã “kết thúc một thập kỷ dài chờ đợi để lần thứ 2 đăng quang ngôi vương trong khu vực Đông Nam Á khi đoạt cúp vô địch AFF Cup 2018, dù chỉ sở hữu đội hình có độ tuổi trung bình là 23,7” - EPSN viết.

Ngoài suất tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam còn được trao tấm vé tham dự VCK Asian Cup 2023, giải đấu sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào mùa hè năm 2023.

Đây cũng sẽ là lần thứ 2 liên tiếp đội tuyển Việt Nam góp mặt ở ngày hội lớn nhất của bóng đá châu Á. Trong khi đó, để thua Malaysia 0-1, Thái Lan rơi xuống vị trí thứ tư bảng G.

Kết quả này đồng nghĩa khi AFC tiến hành thi đấu vòng loại Asian Cup 2023, Malaysia vào thẳng vòng bảng của vòng loại, còn Thái Lan thì phải... đá play-off mới có suất vào vòng bảng.

Quế Ngọc Hải và các đồng đội ăn mừng bàn thắng trong trận đội tuyển Việt Nam thắng Malaysia 2-1.

Quế Ngọc Hải và các đồng đội ăn mừng bàn thắng trong trận đội tuyển Việt Nam thắng Malaysia 2-1.

Cơ hội nào đến Qatar?

Cùng tham dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á còn có 11 đội bóng khác là Nhật Bản, Iran, Hàn Quốc, Australia, Ả-rập Xê-út, Iraq, UAE, Trung Quốc, Syria, Oman và Lebanon.

Thay vì ưu tiên kết quả thi đấu ở vòng loại thứ 2, LĐBĐ châu Á (AFC) xếp nhóm hạt giống vòng loại thứ 3 theo vị trí trên BXH FIFA tháng 5 (công bố vào ngày 27/5). Trong số 12 đội tuyển dự vòng loại thứ 3, Việt Nam là 1 trong 2 đội bóng có thứ hạng thấp nhất nên được xếp vào nhóm 6 (cùng với Lebanon).

12 đội bóng sẽ được chia làm 2 bảng đấu (mỗi bảng 6 đội), thi đấu theo thể thức vòng tròn 2 lượt sân nhà - sân khách. Theo quy định, 2 đội đứng đầu mỗi bảng đấu ở vòng loại thứ 3 sẽ được trao vé dự World Cup.

Hai đội đứng thứ 3 sẽ đá play-off để xác định tấm vé dự vòng tranh vé vớt với khu vực khác. Dự kiến ban đầu, LĐBĐ châu Á (AFC) sẽ tổ chức lễ bốc thăm chia bảng vòng loại thứ 3 World Cup 2022 tại Kuala Lumpur (Malaysia) vào ngày 24/6. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của AFC, lịch bốc thăm sẽ lùi lại 1 tuần, tức đến ngày 1/7.

Các đội bóng sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên với nguyên tắc duy nhất là các đội cùng nhóm sẽ không nằm cùng bảng đấu. Với cách phân loại của AFC, đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể rơi vào bảng đấu rất mạnh có sự góp mặt của cả Nhật Bản, Hàn Quốc hoặc Australia, Ả-rập Xê-út, có thể tái ngộ UAE…

Lượt trận mở màn sẽ diễn ra vào ngày 2/9 tới. Sẽ có tổng cộng 5 đợt tập trung ĐTQG để các đội bóng hoàn tất vòng loại thứ 3 (9/2021, 10/2021, 11/2021, 1/2022, 3/2022). Ở mỗi đợt tập trung, các đội tuyển sẽ đá 2 trận vòng loại.

Theo tính toán của We Global Football, đội tuyển Việt Nam chỉ có 4,44% khả năng giành vé trực tiếp đến World Cup 2022 - tức nằm trong nhóm 2 đội dẫn đầu bảng đấu. Khả năng chúng ta kết thúc ở vị trí thứ 3 và giành suất đá play-off cao hơn (12,48%), trong khi bị loại là khả năng dễ xảy ra nhất (83,08%).

Ở hướng ngược lại, 3 đội tuyển Nhật Bản, Iran và Hàn Quốc được đánh giá gần như chắc suất dự World Cup 2022 với cơ hội từ xấp xỉ 80% trở lại; Australia, với khả năng giành vé là 61,4%; Iraq và Ả-rập Xê-út chỉ có 32,24% và 31,48%.

Theo thống kê, cơ hội của đội tuyển Việt Nam chỉ đứng trên hai đội là Trung Quốc và Lebanon. Trong số này, Trung Quốc từng dự World Cup 2002. Thực lực Lebanon ngang ngửa tuyển Việt Nam.

Ở Asian Cup 2019, hai đội từng cạnh tranh cho suất cuối cùng vượt qua vòng bảng. Ghi thêm một bàn nữa vào lưới Triều Tiên, Lebanon mới là đội cuối cùng góp mặt ở vòng 1/8 thay cho vị trí của thầy trò ông Park.

Nói vậy để thấy, vòng loại thứ ba World Cup sẽ là sân chơi đầu tiên đội tuyển Việt Nam không còn cơ hội gặp đội nào yếu hơn mình. 10 trận ở vòng đấu này sẽ trả lời chính xác cho câu hỏi, bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu giữa hàng ngũ những anh tài châu lục.

Kết quả và thống kê vòng 3 sẽ giúp các nhà hoạch định chiến lược có được những thông số tốt nhất, để có thể đưa ra đáp án cho câu hỏi tham vọng, bóng đá Việt Nam sẽ giành vé dự World Cup 2026 hoặc 2030.

Thủ môn Tấn Trường có màn tái xuất ấn tượng.

Thủ môn Tấn Trường có màn tái xuất ấn tượng.

Bài học ở UAE

Đội tuyển Việt Nam đã mở ra trang sử mới và thiết lập kỷ lục sau 3 trận trên đất UAE. Tổng số tiền thưởng cho thầy trò HLV Park Hang Seo sau chiến dịch vòng loại thứ 2 World Cup lên đến 8 tỷ đồng.

Giành vé vào vòng 3 cũng đồng nghĩa đội tuyển Việt Nam sẽ đọ sức với những đội mạnh hàng đầu châu lục cho cuộc đua giành vé trực tiếp tham dự World Cup 2022.

Nhưng cũng trên đất UAE, nhiều vấn đề của đội tuyển được phơi bày khá rõ ràng, đặc biệt những về cách “bài binh, bố trận” của chiến lược gia người Hàn Quốc. Trên hành trình tiến vào vòng 3, nhất là vào cái “ngày lịch sử”, đội tuyển Việt Nam đã gặp nhiều may mắn.

May mắn lớn nhất của đội tuyển Việt Nam chính là chiến thắng 2-1 trước Malaysia. Ba điểm có được trước người Mã giúp ông Park và các học trò giành 17 điểm và tình huống xấu, rơi xuống nhì bảng và bị trừ 6 điểm thì đội tuyển Việt Nam với 11 điểm, hơn 2 - 3 điểm so với nhiều đội nhì bảng khác trước lượt trận cuối.

Thậm chí sau khi đội tuyển Việt Nam đánh bại Malaysia, trang We Global Football cho chạy mô phỏng theo phương pháp Monte Carlo trên máy tính của loạt trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022, dựa theo cách họ xếp hạng các đội bóng, và kết luận rằng cơ hội Việt Nam vào vòng loại cuối World Cup là 99,2%.

Thất bại 2 - 3 trước UAE sẽ rút ra nhiều bài học với đội tuyển Việt Nam khi thi đấu với vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Đây là trận đấu mà UAE đã kiểm soát bóng 68%, tung ra được 8/11 cú sút trúng đích so với 3/7 lần của Việt Nam. Những con số thống kê cho thấy, UAE vượt trội hoàn toàn so với Việt Nam.

Những bàn thua của đội tuyển Việt Nam đến từ những lỗi hệ thống, khi đội tuyển Việt Nam phải đối đầu với một đối thủ hơn hẳn. Đội bóng Tây Á cũng ở trên tầm so với mặt bằng chung của Đông Nam Á, khi trước đó họ thắng dễ dàng Malaysia 4-0, Thái Lan 3-1 và Indonesia 5-0.

HLV Park Hang Seo bị truất quyền chỉ đạo trận UAE và trợ lý Lee Young-jin trực tiếp cầm quân. Nhưng thực tế, chiến thuật và nhân sự, kể cả các phương án thay người của đội tuyển đều được ông Park lập trình và chỉ đạo sát sao.

Các tuyển thủ thể hiện được tinh thần và ý chí Việt Nam trong trận này. Nhưng UAE đứng hạng 8 châu lục vẫn “nhẹ nhàng” chơi trên cơ đội tuyển Việt Nam suốt một giờ đồng hồ. Chỉ đến khi tỉ số đã là 0-3, UAE chơi chậm lại và đó mới là cơ hội thực sự để Việt Nam có 2 bàn gỡ.

Thực tế, thua vẫn là thua. Một trận thua kiểu “ngẩng cao đầu” đôi khi vẫn ở khoảng cách rất xa so với chiến thắng. Thua 0-1 trước Nhật Bản (tứ kết Asian Cup 2019), hay mới đây thất bại 2-3 trước UAE có thể mang lại sự tiếc nuối bởi ghi một bàn thôi là gỡ hòa rồi.

Nhưng một bàn ấy là khoảng cách rất lớn giữa hai nền bóng đá mà phải rất lâu nữa, Việt Nam mới khỏa lấp được. Một bàn trong cuộc đối đầu với các đội bóng lớn cũng giống như 1,2 giây trên đường chạy 100 mét, hay dưới đường đua xanh, nó là đẳng cấp, phân định màu huy chương nên không dễ để san lấp.

Trong 4,5 suất dự World Cup của châu Á, 3 suất gần như chắc chắn thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia. 1,5 suất còn lại là cuộc tranh giành của Iran, Ả-rập Xê-út, Syria, Qatar, những ông lớn “nhóm 2” châu lục. UAE chưa có cửa để tranh vé đi Qatar.

Thái Lan, đại diện Đông Nam Á gần nhất dự vòng loại World Cup, chỉ giành 2 điểm ở sân chơi này. Thực lực của đội bóng do Kiatisuk Senamuang dẫn dắt lúc ấy gần tương tự Việt Nam: Đội trẻ vào bán kết ASIAD 2014, đội tuyển quốc gia thống trị đấu trường Đông Nam Á, nhưng tại vòng loại thứ ba, người Thái trở thành “ngân hàng điểm”, “đội lót đường”.

Thế nên, ông Park và các học trò hãy quên chuỗi 29 trận bất bại trước các đội Đông Nam Á, bởi những đối thủ trước mắt ở đẳng cấp khác.

Gặp Hàn Quốc, Nhật Bản là trải nghiệm cực kỳ quý giá. Với đội tuyển Việt Nam lúc này, thua Nhật Bản hay Australia còn giá trị hơn nhiều so với thắng Malaysia, Indonesia.

World Cup 2026 với số đội mở rộng từ 32 lên 48 sẽ mang đến cơ hội rõ ràng hơn cho đội tuyển Việt Nam.

Ở các trận trước của vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đã xảy ra rất nhiều tranh cãi nên Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quyết định sẽ áp dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) ở các trận đấu quyết định tại vòng cuối cùng của vòng loại.
AFC sẽ trở thành liên đoàn đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ VAR ở các trận đấu của vòng loại World Cup 2022. VAR chỉ can thiệp trong bốn trường hợp làm thay đổi trận đấu, liên quan tới bàn thắng, phạt đền, thẻ đỏ trực tiếp và những quyết định nhắm vào nhầm người.
Đội tuyển Việt Nam từng một lần chơi dưới sự kiểm soát của VAR ở tứ kết Asian Cup 2019 với Nhật Bản. VAR từ chối bàn của Maya Yoshida trong hiệp một, nhưng báo cho trọng tài chính tình huống phạt đền cho Nhật Bản ở hiệp hai. Từ quả 11m đó, Ritsu Doan ghi bàn duy nhất giúp Nhật Bản thắng 1-0.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.