Dưới đây là một số kinh nghiệm có thể giúp giáo viên và phụ huynh xây dựng môi trường học toán để trẻ không phải “vật lộn” với những con số.
1. Thay vì ra bài tập cho học sinh hãy để học sinh được lựa chọn bài tập cho mình. Cách này tôi đã áp dụng ở POMATH (một chương trình học toán do tôi sáng lập) và mách cho nhiều giáo viên áp dụng rất thành công. Thầy cô giáo sẽ chế ra một thực đơn (kiểu buffet bài tập) và cho học sinh lựa chọn. Bảo đảm lũ học trò sẽ reo lên và cảm thấy bớt áp lực đi rất nhiều. Thực ra cách này tôi học của cô giáo dạy văn của tôi. Cô ấy đã cho tôi lựa chọn đề. Lúc ấy tôi cố tìm ra (trong các đề cô cho) một cái phù hợp với mình hơn. Thế là tôi còn học cách hiểu về điểm mạnh của bản thân và dám chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình.
2. Thay vì ra đề bài thầy cô hãy để học trò ra đề bài. Không những học sinh tự chủ, chúng còn tìm hiểu được “phía sau” một bài tập. Tự dưng chúng thấy gần gũi với thầy cô và còn học được vô khối kiến thức và kĩ năng quan trọng. Đây là cách tôi gọi là “học ngược”. Bạn thử đi và sẽ thấy tụi nhỏ hào hứng thế nào. Tụi nó sẽ đọc đề bài lên, có đứa cười rũ rượi, có đứa rất nghiêm túc xem xét. Và tất cả chúng đều có bài học của riêng mình.
3. Học qua những sai lầm. Đấy là cách tôi áp dụng cho tụi học trò của mình. Chúng đi tìm lỗi của người khác. Việc này khiến chúng thấy dễ dàng và hứng khởi (có lẽ ai cũng thích như thế - tìm ra cái sai của người khác thì dễ hơn cố làm cho đúng thì phải). Nhưng thực ra, khi đi tìm lỗi sai chúng lại học được cách làm sao để đúng và tránh những sai lầm.
4. Để tụi nó dạy nhau. Tôi thường áp dụng cách dạy này theo đôi. Vừa rèn cho chúng khả năng hợp tác, giao tiếp và giúp bạn bè gần nhau. Đôi khi tôi còn kích động chúng bằng cách đổi điểm cho nhau. Khi ấy, tụi nó thương nhau ghê hơn, học và phấn đấu gấp nhiều lần cách ghép đôi bình thường.
5. Học qua 1 dự án. Thay vì cứ ra 1 chuỗi bài tập và tiến hành dạy theo lối bài vở, thầy cô hãy thử cho chúng tự học và có sản phẩm dễ dàng. Tôi có nhiều học trò sẽ bảo vệ điều này: 1 luận án tiến sĩ và 4 luận văn thạc sĩ. Còn POMATH thì đã thực nghiệm nhiều rồi, và giáo viên thấy hạnh phúc khi dạy học.
6. Đọc thơ cho chúng nghe. Những bài toán, công thức được thơ hóa thì hấp dẫn đến mức nào. Tôi không cần phải giải thích nữa.
7. Sáng tác bài toán ngay tại trận: Thời sự nhất, ngạc nhiên nhất. Chẳng hạn, hôm nay có câu chuyện về giải cứu thịt lợn, các bài toán này có thể ra quanh chủ đề này?
8. Cho chúng chấm bài của mình. Đây là cách mẹ tôi (1 giáo viên dạy Toán giỏi) đã áp dụng. Bạn tin không? Tụi nhỏ nhìn đáp án và chấm không sai một chút nào. Chúng rất hồi hộp và tự thấy trân trọng bài làm và cả những sai lầm của mình nữa (đây là phản hồi thật của tụi nó) và các giờ học tiếp theo chúng đã thay đổi thái độ học tập.
9. Đưa vào giờ học những câu chuyện về lịch sử và ứng dụng của kiến thức đó. Chúng sẽ há hốc mồm nghe thầy cô. Về nhà chúng lùng sục tư liệu để tìm hiểu. Nhưng xin nhắc: Bạn phải kể sinh động vào, clip, hình ảnh minh họa phải là hàng tuyển. Đừng có coi thường trình thẩm định và độ biết xa của tụi học trò.
10. Chính là cách mà tôi và Toán POMATH đã áp dụng liên tục và thành công: Hãy biến việc học là cuộc dạo chơi với những trò chơi trí tuệ và vui hết cỡ, vừa sức nữa. Để trẻ trải nghiệm trong thế giới của mình, tưởng tượng, tự tin. Chúng chẳng bao giờ nhàm chán cả.