Đó là chia sẻ của thầy giáo Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, Hệ thống Trung tâm Toán tư duy POMath về lớp học hạnh phúc.
Khai thác các tình huống dạy học
Theo thầy giáo Vũ Anh Tuấn, muốn HS yêu thích, không sợ Toán, GV cần có lộ trình đòi hỏi sự kiên trì, nhất quán. Có thể xuất phát từ nhiều góc nhìn nhưng tập trung vào các khía cạnh: Nội dung học tập (giáo trình, bài tập, nhiệm vụ học tập) và phương pháp dạy học bao gồm từ xác định mục tiêu dạy học đến đánh giá.
Thầy Tuấn cho biết, ở góc độ phụ huynh và GV, chúng ta đều có những cách thức để tác động đến nội dung học tập và phương pháp dạy học.
Là một trong những người cùng khai sinh ra Toán POMath, thầy Tuấn cho biết: Có 3 cách thức tác động đến sự hứng thú của HS khi học Toán, đó là: Sử dụng trò chơi; Giải quyết tình huống thực tiễn; Trải nghiệm ứng dụng.
Theo thầy Tuấn, Toán học hay bất cứ khoa học nào cũng phát sinh từ thực tiễn và cần quay trở lại phục vụ thực tiễn. Thoát ra khỏi quy luật đó, khoa học trở thành hệ thống lí thuyết khô khan, nhàm chán. Người học sẽ chẳng biết học để làm gì, từ đó nảy sinh tâm lí chán nản, coi thường.
Với 8 năm kinh nghiệm và đã từng làm việc với khoảng 2.500 giáo viên, thầy Tuấn nhận thấy rằng: Học Toán là để hạnh phúc. Toán thực sự trở thành công cụ hỗ trợ cho sự thành công của các em chứ không phải biến các em thành nô lệ của Toán học.
Không chỉ lắng nghe và ghi chép
Là người đã và đang nỗ lực từng ngày để lan truyền cảm hứng và tình yêu với Toán học đến trẻ em Việt, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu kết quả giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục, cho biết: Năm 2012, khi tham gia một buổi báo cáo ở CLB báo chí quốc tế, các chuyên gia giáo dục quốc tế đưa ra một số nhận định: Một giờ dạy của giáo viên Việt Nam, gần 80% thời lượng hoạt động là của giáo viên. HS thường làm gì trong giờ học? Câu trả lời là: Lắng nghe và ghi chép. Trong khi đó, nếu chỉ lắng nghe và ghi chép, hiệu quả bền vững của những gì học sinh biết, học sinh hiểu là thấp.
Lúc đó, vị chuyên gia đưa ra minh chứng một số hình ảnh, video phân tích lớp học cho thấy: Khi GV giảng bài, sự chú tâm của học sinh không có nghĩa là HS đang tập trung cho bài học. Mắt các em nhìn, nhưng đầu các em nghĩ cái khác. GV đặt câu hỏi và chỉ có những em có khả năng mới trả lời. GV thường bỏ qua, thường cáu kỉnh với những em không trả lời được câu hỏi…
Từ những phân tích đó, PGS Chu Cẩm Thơ cảm thấy bản thân mình và các GV cần thay đổi trong dạy học. PGS đã áp dụng kĩ thuật nghiên cứu bài học, không chú tâm vào việc dạy học sinh mà là hoạt động của học sinh. Nhìn thấy những phản ứng của học sinh trước bài dạy và câu hỏi của GV, nếu HS “ngơ ngác” “không theo được bài dạy”, chắc chắn GV phải thay đổi.