Giáo viên mầm non: Những cái 'nhất' không ai muốn

GD&TĐ - So với các cấp học khác, giáo viên mầm non vất vả hơn cả. Các cô phải chịu nhiều áp lực và những khó khăn trong việc nuôi dạy trẻ.

Một buổi dạy của giáo viên Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).
Một buổi dạy của giáo viên Trường Mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).

Hụt hẫng vì phụ huynh thiếu cảm thông

Cô Nông Thuý Lành, giáo viên trường mầm non tư thục tại TP Thủ Đức (TPHCM) quyết tâm vào học ngành mầm non vì nghĩ đơn giản là hằng ngày được học tập vui chơi với lũ trẻ xinh xắn, ngoan ngoãn, hồn nhiên, trong sáng. Thế nhưng, bước vào nghề, cô mới thấy hết sự vất vả của cảnh “làm dâu trăm họ”.

Cô Phạm Thị Ngọc Xuyến, giáo viên mầm non tại thị xã Đức Phổ (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Trong quá trình giảng dạy trên lớp, tôi luôn nỗ lực hết mình, giúp trẻ có những buổi học tập và vui chơi bổ ích. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, một số phụ huynh vẫn có suy nghĩ con họ đến trường chủ yếu chơi. Chính vì thế, bản thân cảm thấy không được coi trọng, đôi lúc cũng cảm thấy hụt hẫng. Bên cạnh đó, giáo viên mầm non còn có những áp lực thường trực về chuyên môn như lên kế hoạch giảng dạy, làm sổ sách, phổ cập, chăm sóc giáo dục trẻ...”.

Hàng ngày, ngoài công việc bận rộn, phải đi sớm về muộn, cô Lành còn gặp không ít áp lực từ phía phụ huynh. Theo chia sẻ giáo viên này, nhiều cha mẹ thường đặt nặng vấn đề chăm sóc trẻ, có ý kiến về ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của con em mình. Lớp học gắn camera nên bố mẹ quan sát, có vấn đề gì không “ưng ý” lại điện thoại phản ánh với giáo viên giảng dạy, thậm chí một số phụ huynh còn liên hệ phản ánh với ban giám hiệu.

“Mỗi ngày tôi tiếp nhận ít nhất 1 đến 2 cuộc gọi từ phụ huynh. Những ngày đầu, mỗi lần phụ huynh phản ánh, bản thân cảm thấy rất áp lực”, cô Lành bày tỏ.

Còn cô Nguyễn Thị Trúc Đào, huyện Châu Thành, (Bến Tre) tâm sự, ở trường, mọi trẻ đều được đối xử bình đẳng. Tuy nhiên, một số phụ huynh áp đặt, muốn giáo viên phải chăm sóc con họ đặc biệt hơn. Thế nhưng, vì là trường công nên theo quy định số lượng trẻ mỗi lớp khá đông, 33 em như hiện tại thì 2 giáo viên không thể kham nổi. Nhiều lần, vì giáo viên không đáp ứng yêu cầu, phụ huynh lại lên phán ánh với ban giám hiệu. Sau đó, giáo viên phải giải trình nên đôi lúc cảm thấy mệt mỏi, chán nản.

“Theo quy định, nếu dạy 1 trẻ tự kỷ chậm phát triển bằng 5 trẻ bình thường. Nếu trẻ có giấy chứng nhận, lớp sẽ giảm được sĩ số, công việc chăm sóc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nhiều huynh không chấp nhận chuyện con mình bị như vậy, không làm giấy chứng nhận bệnh nên lớp vẫn phải đủ số lượng quy định. Thành ra, công việc cũng vất vả, áp lực rất nhiều”, cô Đào chia sẻ thêm.

Thầy Lê Công Sự là giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) cũng như rất nhiều giáo viên khác luôn mến nghề, tận tụy với công việc.

Thầy Lê Công Sự là giáo viên Trường Mầm non Hoa Đào (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) cũng như rất nhiều giáo viên khác luôn mến nghề, tận tụy với công việc.

Áp lực vì quá tải sĩ số, thu nhập thấp

Không chỉ áp lực từ phía phụ huynh, tình trạng quá tải số lượng trẻ (tính trên 1 giáo viên), gò bó về thời gian cũng đang là vấn đề gây áp lực tới các giáo viên mầm non.

Công việc vất vả nhưng lương của giáo viên mầm non theo mặt bằng chung hiện nay còn thấp. Nhu cầu sinh hoạt, đời sống ngày một tăng cao, những biến động giá cả, lạm phát cùng vô vàn nhu cầu khác đều không có dấu hiệu đi xuống nên không ít giáo viên, đặc biệt là ở trường tư thục đã xin nghỉ để chuyển công việc khác phù hợp hơn.

Cô Phạm Thị Ngọc Xuyến cho hay, cách đây 4 năm, đồng lương của nhân viên hợp đồng quá thấp (khoảng 2 triệu đồng) trong khi đó gia đình có 2 con nhỏ, chồng làm nghề biển, thu nhập cũng bấp bênh. Chi phí chăm lo cho các con đã ngốn sạch tiền lương một tháng của chị. Mức lương thấp nhưng nữ giáo viên cho biết không thể làm thêm để gia tăng thu nhập. Nhiều lần, cô Xuyến có ý định nghỉ việc để kiếm công việc khác đỡ cực hơn.

“Mỗi ngày, tôi đi làm từ 6 giờ sáng đến 17 giờ mới về nhà. Thời gian trong ngày đều ở lớp học với trẻ. Nếu muốn làm thêm việc gì thì chỉ có thể tận dụng vào buổi tối, nhưng tôi còn hai con nhỏ, thời gian rảnh muốn dành cho các con. Với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng, sống ở tỉnh tuy giá cả không đắt như các thành phố lớn, không phải thuê trọ, nhưng tôi phải chi tiêu tiết kiệm từng đồng thì thu nhập của hai vợ chồng mới đủ để trang trải sinh hoạt trong gia đình”, cô Xuyến chia sẻ.

Với cô Nông Thuý Lành, công tác tại trường tư nên mức lương cao hơn, trên 6 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên do sinh sống tại TPHCM, gia đình vẫn phải thuê trọ nên cuộc sống muôn vàn khó khăn. Muốn làm thêm việc gì cũng không được vì công việc giữ trẻ chiếm hết thời gian trong ngày của giáo viên này. Bên cạnh đó việc soạn giáo án, chăm lo, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi quá trình học tập, để ý tới tâm lý từng bé khiến các cô bận bịu suốt cả ngày.

Cô Lành chia sẻ: “Thu nhập từ công việc của người chồng làm công nhân thu nhập cũng không cao, trong khi đó công việc của tôi chiếm quá nhiều thời gian nên cách đây 2 năm vợ chồng quyết định gửi con năm nay 4 tuổi cho ông bà ở quê chăm sóc. Bởi nếu con đi học trong này, chi phí cao, khoản thu nhập của tôi mới chỉ đủ lo trang trải cho cháu. Hơn 1 năm trước, tôi cũng có ý định nghỉ việc để đi làm công nhân, nhưng rồi suy nghĩ lại tôi vẫn không đành”.

Cô Nguyễn Thị Trúc Đào bộc bạch: “GV mầm non vất vả, thu nhập chưa bảo đảm cuộc sống. Trong khi đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non gò bó, áp lực nhiều. Những lần xem báo đài thấy xuất hiện thông tin cô giáo một số nơi nghỉ việc, bản thân cảm thấy rất buồn. Vì vậy, tôi mong muốn thời gian tới, Nhà nước quan tâm đến nghề giáo viên mầm non nhiều hơn. Bởi thực tế với thu nhập như hiện nay, giáo viên phải chắt chiu lắm mới sống đủ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ