Ấy là vì, trên tất cả mọi tác phẩm, công trình, cuộc đời ông đã là một tác phẩm, một công trình chứa đựng nhiều sự tích, đường nét, lôi cuốn sự ngưỡng vọng của người đời, trong đó có cả chuyện tình duyên.
Ba lần lấy vợ, vợ nào cũng đẹp
Năm 23 tuổi, Vương Hồng Sển cưới người vợ đầu tiên tên là Trần Thị Th. nhưng chỉ ở với nhau được 9 tháng thì ly dị. Người vợ thứ hai tên Dương Thị Tuyết, vốn là người đẹp nức tiếng ở vùng Sóc Trăng, có bà nội rất giàu sang như một đại điền chủ lúc bấy giờ. Ông yêu bà Tuyết hết sức mãnh liệt song sống chung với nhau đến 19 năm hai người vẫn phải chia tay chỉ vì ba mẹ bà Tuyết và cả bản thân bà đều quá mê đánh bạc.
Ông tường thuật về cuộc hôn nhân này như sau: “Từ ngày anh đưa em về tỉnh Sa Đéc, mười lượng vàng của mẹ anh mãn phần trối để lại, anh dâng cho nhạc phụ, nhạc mẫu làm lễ sính, ông bà “nướng” tất cả trong sòng me (cờ bạc)…”. Khi bà nội của bà Tuyết mất để lại cho vợ chồng ông một gia sản không nhỏ, trong đó có đôi bông 6 ly là đôi bông tai kim cương mà bà đã đeo từ lúc còn sống. Nhưng về sau, tất cả của cải ấy “thảy đều tiêu tan như bọt xà phòng vì em Tuyết thua bài thua bạc sạch trơn” - lời ông thuật.
Người vợ thứ ba của Vương Hồng Sển là nữ nghệ sĩ Năm Sa Đéc (tên thật Nguyễn Kim Chung) lừng danh, đã ăn ở trọn vẹn suốt 41 năm với ông cho đến khi bà qua đời (1988). Trước khi gặp ông, Năm Sa Đéc đã là một trong những nghệ sĩ tiền phong trên sân khấu hát bội được đánh giá thanh sắc lưỡng toàn. Nhưng lúc bấy giờ, bà đang đổ vỡ chuyện tình với một nam nghệ sĩ tài danh.
Lúc đó, do mê hát bội, ông đã là một khán giả đặc biệt của bà, và khi gặp nhau, hai người đã nhanh chóng kết đôi. Đám cưới của họ thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Một tờ báo viết: “Cuộc đời của nghệ sĩ Năm Sa Đéc bước vào một khúc quanh mới khi cô gặp gỡ và kết nghĩa với học giả, nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, lúc hai người vừa “gãy gánh giữa đường”. Ông thì làm công chức, viết sách, nghiên cứu các thú chơi đồ cổ, đá gà, hát bội; bà thì hát bội, diễn cải lương...”.
Hai vợ chồng sinh sống trong một ngôi nhà nhỏ ở xóm Cù Lao nằm trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) thuộc quận Phú Nhuận, Sài Gòn. Về sau thì họ ở một ngôi nhà khang trang hơn nơi đường Nguyễn Thiện Thuật thuộc Gia Định, nay là quận Bình Thạnh.
Vợ chồng Vương Hồng Sển - Năm Sa Đéc |
Vương Hồng Sển cảm thấy hạnh phúc thực sự bên cạnh người vợ tài hoa, chung thủy. Khi bà qua đời, ông viết điếu văn tha thiết: “Anh hồi tưởng: Chòi lá năm xưa, Cù lao xóm cũ/Ngồi nghe em hát, giọng du dương trưa sớm chẳng nhàm tai/ Đôi vợ chồng ra vào khắng khít, mắm muối mà vui/Một chòi tranh sau trước đìu hiu, ghế bàn chẳng có…/Em sao vội phủi tay đứng dậy?/ Tắt đèn đời, tìm giấc ngủ thiên thu/ Anh chỉ còn trơ mắt nhìn theo/ Qua giòng lệ viết trang tình nửa đoạn…”.
Nhìn lại chuyện tình yêu, hôn nhân của Vương Hồng Sển, người đời công nhận ông vốn sinh ra là người có cốt cách phong lưu, tài hoa và đào hoa, nên không lấy làm lạ đời ông toàn gặp mỹ nhân, kỳ nữ. Từ trẻ, ông có khuôn mặt và vóc dáng đẹp - không phải theo kiểu đẹp trai, mà đẹp như một trang công tử hào hoa, phong nhã. Ngay cả đến khi về già (ngoài 90 tuổi), da dẻ ông vẫn hồng hào, tóc trắng như tiên ông, nói năng lưu loát - không theo kiểu mỹ từ mà thậm chí có phần “bạt mạng” kiểu Nam Bộ nhưng lôi cuốn, đầy sinh khí.
Có lần, một cô giáo dạy văn cùng chồng đến thăm chơi nhà ông. Ông bảo với cô giáo: “Dạy văn là phải học nhiều, đọc nhiều sách Đông Tây kim cổ thì mới dạy hay được! Tui chẳng dạy văn mà tui cũng là con mọt sách đây”. Cô kể: “Cụ tiễn khách ra cửa rồi đưa tay cho tôi bắt. Tôi kính cẩn đưa hai tay xiết chặt bàn tay ấm áp của cụ. Bất thần, cụ kéo tôi sát vào, choàng tay ôm tôi và cười bảo: ‘Gái Bắc Kỳ da trắng tóc dài. Đẹp thiệt! Cho ta ôm một chút! Từ ngày vợ ta bỏ ta đi, ta thiếu hơi đàn bà!’. Tôi luống cuống gỡ tay cụ. Chồng tôi tiến tới ôm ngang lưng cụ, cụ đẩy ra và bảo: ‘Qua hổng thèm ôm mấy cái hũ hèm!’. Và Cụ Vương lại cười khà khà. Con trai cụ nói: Trời ơi! Có ai giống tía tui không hả trời!”.
Đi xem hát với vợ vui hơn chờ gặp tổng thống
Tuy không có bằng cấp cao, nhưng Vương Hồng Sển rất được trọng vọng trong giới văn hóa, giáo dục, văn nghệ, báo chí. Thời trước 1975, ngoài chức vụ Giám đốc Bảo tàng Quốc gia Việt Nam, ông được mời làm giáo sư môn Khảo cổ học ở Đại học Văn khoa Sài Gòn. Người ta hay gọi ông là nhà nghiên cứu, học giả, pho tự điển sống, v.v… Ông hay nói một cách rất tự nhiên mà không cần ra vẻ khiêm tốn với những người quen: “Tui chẳng có bằng cấp gì mà thiên hạ cho tui là học giả mới kỳ ”.
Có lần ông được mời đến Dinh Độc Lập để thẩm định cổ vật cho tổng thống Ngô Đình Diệm. Người ta đến nhà rước xe hơi, đưa ông vào ngồi trong phòng chờ sang trọng, trong lúc chờ được mời uống cà phê sữa, hút thuốc thơm. Thế nhưng do tổng thống quá bận, đến 3 giờ chiều, ông vẫn chưa được diện kiến. Chờ mãi đến 6 giờ, Vương Hồng Sển sốt ruột. “Ngồi nhớ tiếc cảnh làm việc ở Viện Bảo tàng, tuy ăn lương ít, nhưng cũng “làm vua một cõi”. Nay cũng vì ham chút bả vinh hoa mà bị hành phạt như vầy” - ông ghi lại trong sổ tay sau này.
Rốt cuộc, tổng thống quá bận khách không tiếp ông được hôm đó. Người ta đưa ông về nhà và dặn kỹ đêm đó đừng đi đâu mà hãy túc trực sẵn, phòng khi tổng thống rảnh sẽ cho xe đến rước.
“Nghe mà chết được trong lòng. Huống hồ gì, đêm nay lại được lần thứ nhất vợ mua vé xem cải lương gánh Năm Châu diễn tại rạp Thống Nhất tuồng “Tây Thi gái nước Việt” mà mình ao ước muốn xem diễn lại. Thôi kệ, cứ đi xem hát cái đã, rủi mất chức thì cũng đành, chớ không lý bỏ vé vợ mua sẵn để bận đồ lớn ngồi nhà chờ xe ông tổng thống” - lời ông ghi trong sổ tay. Thế là đêm đó Vương Hồng Sển cứ đi xem hát, gác việc ngồi nhà chờ tin tổng thống. May, đêm đó cũng không ai kêu. Chiều hôm sau, ông lại được mời vào dinh và mới gặp tổng thống để bàn về chuyện đồ cổ.