Có lẽ cuộc đời thực của những người giáo viên miền núi cao, cắm bản đúng như trong câu hát vậy…
Lúc mới lên nhận công tác ở vùng biên giới Việt- Lào thuộc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), thầy Nguyễn Mạnh Cường, sinh năm 1982, dạy môn Địa lý, quê tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã rất buồn, cô đơn.
Vào thời điểm 2004, xã Pa Tầng nơi Cường mới nhận công tác chưa có nước máy, Internet và các phương tiện giải trí, chưa được phủ sóng điện thoại nên giáo viên sống trong nỗi nhớ nhà. Mấy anh nam quanh quẩn trong khu tập thể, có lúc tóc để dài, râu không buồn cạo, không có ai để giao lưu.
Tuy nhiên, những bữa ăn chung giữa các cô thầy, những lần các cô nấu ăn, các thầy xách nước suối lên phụ mấy cô giặt giũ… như là sợi dây vô hình gắn kết những con người trong ngôi trường bé nhỏ này lại với nhau.
Đường từ xã Pa Tầng ra trung tâm huyện gần100 km, đường lại toàn ổ gà, ổ voi nên mỗi lần lễ, Tết về quê, các cô đều xin đi ké xe mấy thầy ra trung tâm. Từ những con đường ghập ghềnh, thầy Cường đã yêu cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương - sinh năm 1984 - từ khi nào không biết.
Hương là giáo viên hợp đồng môn Vật lý, đồng lương thấp nhưng hai người đã quyết định cưới nhau vào đầu 2009 và có cháu Nguyễn Văn Thống Nhất vào cuối năm đó. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng Cường và Hương quyết định nhập hộ khẩu tại thôn Xa Tuông (xã Pa Tầng, Hướng Hóa, Quảng Trị).
Hằng năm cứ Tết đến, gia đình nhỏ này đều được Nhà nước trợ cấp nước mắm, gạo, muối để ăn Tết như các bà con thôn bản ở đây.
Khi mới lấy nhau kinh tế gia đình rất khó khăn, tất cả sống dựa vào đồng lương của Cường là chính, nhưng hai vợ chồng đã không buông xuôi với cuộc sống nghèo, quyết tâm bám trụ trường.
Tận dụng mảnh vườn tập thể, hai vợ chồng đã trồng một vườn rau thập cẩm tự cung tự cấp và nuôi thêm gà, vịt, ngan, ngỗng, thỏ để ăn và cung cấp khi ai có nhu cầu.
Ngoài ra, Cường còn mở một quầy tạp hóa nhỏ bán một số đồ lặt vặt và thu mua sản phẩm nông nghiệp theo mùa như sắn, cà phê, mật… và nhập hàng ra thị trấn khi số lượng nhiều.
Chính nhờ sự chịu khó, vượt khổ nay kinh tế của đôi bạn trẻ đã khấm khá. Nhưng do điều kiện sống tại địa phương khó khăn nên hai vợ chồng quyết định gửi con về cho ông bà nội nuôi từ năm 2013. Thầy Cường tâm sự “nhiều đêm nằm nhớ con không chợp mắt được”.
Hiện giờ mong muốn lớn lao nhất của hai vợ chồng là Hương được vào biên chế để ổn định hơn cuộc sống.
Được biết thêm, từ năm 2004 đến nay, trong Trường Tiểu học và THCS Pa Tầng có tới 6 cặp là giáo viên cùng trường kết hôn với nhau và sống rất hạnh phúc. Cũng chính nhờ vậy mà đội ngũ của nhà trường khá ổn định.
Mặc dù tuổi còn rất trẻ nhưng hiện nay thầy Cường là Phó Bí thư chi bộ, Bí thư chi đoàn giáo viên của trường. Đúng như người ta nói là “có an cư mới lạc nghiệp”. Khi con người ta đã có niềm vui sống thì họ tự thấy bình an và ở đâu cũng là hạnh phúc với họ.