Cần nhiều hơn chính sách bình đẳng giới, bảo vệ nhà báo nữ

GD&TĐ - Ngành báo chí Việt Nam có nhiều điểm mạnh về bình đẳng giới so với nhiều nước trong khu vực, không có sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ. Đặc biệt, nữ giới đã có nhiều cơ hội thăng tiến tốt hơn.

Tọa đàm Báo chí về bình đẳng giới được tổ chức hồi tháng 5/2018 tại Hà Nội
Tọa đàm Báo chí về bình đẳng giới được tổ chức hồi tháng 5/2018 tại Hà Nội

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào vấn đề bình đẳng giới trong ngành báo chí và các chính sách bảo vệ nhà báo trong và ngoài tòa soạn.

Vai trò của nhà báo nữ được khẳng định

Trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng được một số văn bản luật thúc đẩy vấn đề công bằng giới, trong đó bao gồm các khía cạnh quyền lao động, phòng chống bạo lực gia đình và một số khía cạnh khác. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động đông đảo nhất trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, phụ nữ thường tham gia vào các công việc có tính chất dễ bị tổn thương hơn, với một nửa lao động nữ hiện đang tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp.

Một số nhóm nghiên cứu cho thấy rằng, hiện nay số lượng phụ nữ tham gia vào ngành báo chí đông đảo hơn nam giới. Báo chí Việt Nam thể hiện sự bình đẳng giới ở nhiều cấp độ, bao gồm tỷ lệ tham gia đáng kể và vai trò điển hình tiêu biểu của cả hai giới ở các lĩnh vực. Phụ nữ đã bắt đầu khẳng định được vai trò của mình và tham gia vào các công tác quản lý cấp trung và cấp cao tại các tòa soạn.

Trong buổi tọa đàm Bình đẳng giới và Báo chí Việt Nam, được Viện Báo chí FOJO Thụy Điển phối hợp với Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) tổ chức hồi cuối tháng 5, bà Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển đã chia sẻ: “Khi tôi tốt nghiệp và bắt đầu đi xin việc, tôi vấp phải một yếu điểm rất lớn, vì bản thân là nữ giới.

Hầu hết các quảng cáo tuyển dụng đều ghi ưu tiên nam giới, chỉ tuyển nam, hoặc ưu tiên ngoại hình... Nhưng khoảng vài năm trở lại đây, tôi không còn thấy các quảng cáo như vậy nữa. Vai trò của nhà báo nữ đã tiến một bước rất dài trong ngành báo chí. Các nhà báo nữ đã không còn khó xin việc do định k iến của các tòa soạn đối với nhà báo nữ như trước kia”.

Trên thực tế hiện nay, số nhà báo, phóng viên, biên tập viên là nữ chiếm một số lượng lớn trong các cơ quan báo chí. Mặc dù, đây là ngành được đánh giá là nhiều vất vả, áp lực, cạm bẫy... Nhưng với số lượng như vậy, những người phụ nữ làm báo đã hàng ngày khẳng định được vai trò, tiếng nói của mình.

Nữ nhà báo bị “quấy rồi” - vấn đề còn bỏ ngỏ

Thời gian vừa qua, làng báo xôn xao với thông tin một cộng tác viên bị một nhà báo của tờ báo lớn quấy rối tình dục. Sau đó, hàng loạt người làm báo nữ đã lên tiếng mạnh mẽ, tạo nên một phong trào Me Too, lên tiếng khẳng định về sự báo động quấy rối tình dục trong và ngoài tòa soạn.

Bên cạnh đó, Viện Báo chí FOJO Thụy Điển đã phối hợp với Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển (MDI) thực hiện một nghiên cứu về bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam. Nghiên cứu cho thấy rằng, tỷ lệ nữ giới cao hơn tỷ lệ nam giới trong ngành báo chí. Tuy nhiên, nhiều chính sách và cơ chế trong ngành chưa thực sự hướng tới mục tiêu xử lý những vấn đề mà các phóng viên nữ gặp phải.

Nghiên cứu ghi nhận tình trạng quấy rối tình dục đối với nhà báo ở mức cao, trên 27%. Thủ phạm của những vụ quấy rối này bao gồm nguồn tin, đồng nghiệp và cả cấp trên. Các nguồn tin cấp cao thường được xem là thủ phạm chính đối với các hành vi như gạ gẫm, khiếm nhã cho tới sờ soạng, cưỡng bức. Trong một số trường hợp, tòa soạn tạo điều kiện bằng cách cho phóng viên phụ trách nguồn tin hoặc đi cùng phóng viên nữ. Tuy nhiên, hầu hết các tòa soạn vẫn chưa có chính sách, đào tạo nhà báo phòng chống hành vi này.

Mặc dù nhà báo nữ chiếm tỷ lệ cao, nhưng nhiều chính sách và cơ chế trong ngành chưa hướng tới mục tiêu xử lý những vấn đề mà nhà báo nữ gặp phải, đặc biệt trong vấn đề bị quấy rối tình dục.

Bà Trần lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và phát triển cho biết: “Trong các buổi thảo luận nhóm của FOJO do MDI tổ chức, ban đầu hầu hết phóng viên tham dự đều phủ nhận việc từng bị quấy rối tình dục hoặc không muốn đề cập đến. Tuy nhiên, sau đó việc quấy rối trở thành đề tài nóng nhất trong các câu hỏi về bình đẳng giới. Một phóng viên nữ đã lên tiếng về việc phải bỏ việc ba lần vì nạn quấy rối trong tòa soạn. Một phóng viên khác kể rằng, cô suýt bị nguồn tin cưỡng bức khi phỏng vấn ở khách sạn. Thậm chí, một nam phóng viên khẳng định phải bỏ chạy vì bị nguồn tin đụng chạm. Nhưng đa số họ im lặng, chịu đựng một mình vì ngại tai tiếng”.

Nạn quấy rối tình dục không chỉ xảy ra với phóng viên nữ, mà nhiều phóng viên nam cũng gặp phải tình trạng này. Hiện nay, có rất nhiều quan điểm xoay quanh định nghĩa quấy rối tình dục, nhưng vẫn chưa có cách hiểu chung về các yếu tố cấu thành hành vi này. Ngành báo chí tại Việt Nam cho thấy, những nỗ lực mạnh mẽ về bình đẳng giới, nhưng vẫn chưa tạo được sự chủ động trong chính sách về xử lý các vấn đề của phóng viên nữ.

Nhân kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, bên cạnh tôn vinh những người làm báo, chúng ta cần nhìn nhận và tiếp tục lên tiếng, đề xuất những giải pháp bảo vệ nhà báo trong và ngoài tòa soạn, góp phần phòng chống và giảm thiểu hậu quả của các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo. Để từ đó, các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo nữ có thể chắc tay bút để làm tròn nhiệm vụ thông tin của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.