Sinh viên sư phạm phải phấn đấu không ngừng để đáp ứng chuẩn
Ông Đỗ Hồng Cường cho biết: Chất lượng đào tạo nói chung và đào tạo lĩnh vực sư phạm nói riêng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến những vấn đề cơ bản là quá trình đào tạo, điểm tuyển sinh đầu vào, niềm đam mê với ngành nghề đào tạo,…
Một vấn đề nữa thuộc về tâm lý xã hội, đó là nhiều sinh viên trúng tuyển vào trường đại học là yên tâm sẽ có tấm bằng tốt nghiệp.
Ông Cường khẳng định: Hiện nay, trong chuẩn đầu ra của các trường đại học, trong đó có trường sư phạm, yêu cầu của chuẩn đâu ra đã đi vào thực chất để hướng tới người sinh viên ra trường có thể đáp ứng ngay được việc làm của người sử dụng lao động.
"Tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, xây dựng chuẩn đầu ra là công đoạn cực kỳ quan trọng, đòi hỏi các khoa và nhà trường phải thực hiện hết sức công phu.
Điều đó có nghĩa là người sinh viên trúng tuyển vào trường, vào từng ngành đào tạo giáo viên phải nỗ lực không ngừng để đáp ứng chuẩn đầu ra đó.
Nó đã thực sự tiếp cận với xu thế chung của thế giới, đó là nếu người học không trang bị năng lực nghề nghiệp cho bản thân thì sẽ có thể bị đào thải và chúng ta phải chấp nhận một con số “đau thương” giữa tỷ lệ đầu vào và đầu ra không còn là con số tròn trịa 100% đáng sợ nữa.
Tôi cho rằng, nếu các nhà trường thực sự nghiêm túc trong quá trình đào tạo thì sản phẩm đào tạo, mà cụ thể ở đây là một con người cần trang bị một năng lực nghề nghiệp, sẽ không thể cho ra xã hội một sản phẩm “lỗi” được" - ông Đỗ Hồng Cường chia sẻ.
Nghề giáo đòi hỏi năng lực làm giỏi chứ không phải năng lực học giỏi
Chia sẻ về sự kém hấp dẫn của các trường sư phạm, ông Đỗ Hồng Cường cho rằng có thể bởi nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến các yếu tố: tuyển dụng đầu ra, thu nhập, đãi ngộ và nhìn nhận của xã hội, cơ sở vật chất của các nhà trường sư phạm,…
Tuy nhiên, theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, vấn đề cần bàn ở đây là làm sao nâng cao chất lượng đào tạo các nhà trường sư phạm và sự trọng thị của xã hội với nghề giáo viên, chứ không phải là tìm cách thu hút người giỏi vào học.
"Hơn bao giờ hết, lĩnh vực nghề giáo đòi hỏi con người có năng lực làm giỏi chứ không phải con người có năng lực học giỏi. Toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng cần tập trung giải quyết vấn đề này mới hy vọng cải cách căn bản và toàn diện giáo dục.
Nếu chúng ta thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì hãy đầu tư cho nó thật xứng đáng, trong đó: Thay đổi phương thức tuyển sinh, mạnh dạn xây dựng những phương thức tuyển sinh chọn được người tài, yêu nghề;
Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường sư phạm. Đổi mới quyết liệt quá trình đào tạo người giáo viên, theo đó nâng cao năng lực người giáo viên. Cơ chế chính sách cho đội ngũ giáo viên (tuyển dụng, đãi ngộ,...)" - ông Cường nhấn mạnh.
Đặc biệt, cần thay thế hình thức cấp ngân sách thông qua chỉ tiêu bằng hình thức đặt hàng. Điều này sẽ cùng với lộ trình tới năm 2020 các trường đại học phải tự chủ sẽ thực sự là cú hích đối với các trường đại học nói chung và các trường sư phạm nói riêng".
Ông Đỗ Hồng Cường