Chú trọng “giá trị gia tăng” trong đào tạo giáo viên

GD&TĐ - "Chú trọng giá trị gia tăng trong đào tạo” là một trong những giải pháp được NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp - chia sẻ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp
Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp

Nhiều yếu tố tác động đến thí sinh khi chọn trường sư phạm

Trao đổi về điểm chuẩn trúng tuyển các ngành đào tạo giáo viên hiện nay, NGƯT.PGS,TS. Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp – cho rằng: Vấn đề này có bối cảnh lịch sử cụ thể liên quan đến cơ hội việc làm, chế độ đãi ngộ và nhiều điều kiện khác.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng giáo viên đã đang trong “tình trạng bão hòa”, số lượng sinh viên sư phạm tốt nghiệp chưa tìm được việc làm còn nhiều.

Mặc dù, nhà nước đã và đang có nhiều chính sách đãi ngộ (miễn học phí cho sinh viên sư phạm; phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên cho nhà giáo...), song những chính sách này không còn “sức hấp dẫn” trong nhiều năm trở lại đây, vì trên thực tế thu nhập hàng tháng của giáo viên vẫn còn khá thấp so với thu nhập của người lao động trong nhiều ngành nghề khác; cộng với áp lực của công việc đặc thù (nhất là giáo viên phổ thông) và áp lực tự trang trải kinh phí bồi dưỡng thường xuyên...

Tất cả những yếu tố này đã tác động mạnh mẽ đến tâm lý thí sinh khi chọn nghề, thường là quay lưng lại với các ngành sư phạm, nhất là đối với những thí sinh có năng lực nổi trội.

Các nội dung phân tích ở trên thật sự là thách thức lớn với các cơ sở giáo dục có đào tạo giáo viên.

“Với Trường ĐH Đồng Tháp, một trường đại học ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện đặc thù, nhà trường đã nhận diện rất rõ thách thức này và chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch, giải pháp để cố gắng biến những thách thức thành cơ hội, tìm và tận dụng từng cơ hội nhỏ trong những thách thức lớn.

Chúng tôi hay nói vui là “chú trọng giá trị gia tăng trong đào tạo”. Tức là, chúng tôi đành phải chấp nhận thực trạng thí sinh trúng tuyển với điểm đầu vào chưa cao.

Tuy nhiên, các bộ phận chuyên môn, giảng viên và đặc biệt là sinh viên của trường phải làm việc với cường độ và hiệu suất cao hơn để hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất đạt được yêu cầu của chuẩn đầu ra (chuẩn này thì không thấp) để khi tốt nghiệp, các bạn đảm đương tốt yêu cầu công việc theo vị trí việc làm phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một “giá trị gia tăng” đáng ghi nhận trong đào tạo” – PGS Nguyễn Văn Đệ chia sẻ.

3 đề xuất giúp nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm

Để góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên, PGS Nguyễn Văn Đệ đưa ra 3 đề xuất như sau:

Thứ nhất: Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, căn cứ quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục giai đoạn 2017 – 2025 và quy hoạch phát triển nhân lực của từng tỉnh để quy hoạch chi tiết chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên.

Trong đó cần xác định về chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên từng cấp học, từng bộ môn từ nay đến năm 2025 của từng tỉnh và cả vùng. Thông tin quy hoạch này cần gửi cho Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học trong vùng và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thứ 2: Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long có đào tạo giáo viên, khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh các ngành sư phạm phải căn cứ vào quy hoạch tuyển dụng giáo viên của cả vùng và về thế mạnh cũng như năng lực đào tạo của từng trường.

Thứ 3: Các trường đại học, cao đẳng sư phạm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần xây dựng mạng liên kết nhằm sử dụng tối đa đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường để nâng cao hiệu suất và chất lượng đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ