Đầu vào không quyết định toàn diện chất lượng sư phạm

GD&TĐ - "Nhiều năm làm giáo dục, bản thân tôi chứng kiến nhiều học sinh của mình dù học lực chỉ tương đối ở phổ thông, nhưng khi vào làm nghề đã trở thành những giáo viên giỏi, được học sinh và phụ huynh yêu mến, được ngành, xã hội công nhận".

Đầu vào không quyết định toàn diện chất lượng sư phạm

Đó là câu chuyện của TS Nguyễn Văn Huấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre - xung quanh chất lượng tuyển sinh sư phạm - nội dung được trao đổi nhiều gần đây.

TS Nguyễn Văn Huấn cho biết, đào tạo sư phạm trên địa bàn tỉnh Bến Tre có Trường CĐ Bến Tre. Đây là trường đa ngành, trong đó có đào tạo sư phạm, nhưng chỉ đào tạo ngành học Giáo dục mầm non. Do đó, giáo viên các bậc học khác như tiểu học, THCS, THPT, nguồn giáo viên của tỉnh chủ yếu lấy từ các trường: ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, ĐH Sư phạm Cần Thơ; ngoài ra còn có Trường ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH Trà Vinh... nhưng với số lượng ít hơn.

"Qua tuyển dụng và quá trình giảng dạy của giáo viên, có thể thấy các trường nói trên, đặc biệt 2 trường sư phạm lớn là Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và ĐH Sư phạm Cần Thơ cung cấp các giáo viên chất lượng đảm bảo, đáp ứng yêu cầu" - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Liên quan đến vấn đề điểm đầu vào sư phạm, không phủ nhận đây cũng là một yếu tố tác động đến chất lượng các giáo viên tương lai, nhưng theo TS Nguyễn Văn Huấn, đó không phải là yếu tố quan trọng, mang tính chất quyết định. Thậm chí ngay cả điểm đầu ra cũng chưa phải là yếu tố quan trọng nhất.

"Với mỗi giáo viên, tình yêu nghề, gắn bó với nghề là vô cùng quan trọng; cùng với đó là sự chịu khó tiếp tục rèn luyện, không ngừng học tập và phấn đấu, tích lũy kinh nghiệm.

Thực tế ở Bến Tre, có thời điểm vì thiếu giáo viên tiếng Anh nên nhiều giáo viên môn Tiếng Anh chỉ đào tạo cao đẳng sư phạm. Nhưng sau đó, các thầy cô tiếp tục phấn đấu giảng dạy, học tập lên đại học, thạc sĩ và trở thành các giáo viên dạy giỏi, giáo viên cốt cán của tỉnh" - TS Nguyễn Văn Huấn chia sẻ.

Tuy nhiên, có một sự thật là sức hấp dẫn của các trường sư phạm với học sinh không còn như trước. Với thực tế này, theo TS Nguyễn Văn Huấn, nguyên nhân quan trọng là do khó khăn tìm việc làm sau khi ra trường.

"Ở Bến Tre, chỉ tiêu giáo viên chủ yếu ở bậc học mầm non; các bậc học khác như tiểu học THCS, THPT nhu cầu giáo viên rất ít. Do lo lắng ra trường không có việc làm nên ít học sinh vào sư phạm" - TS Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho rằng, điều quan trọng là phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; cần khớp giữa đào tạo và sử dụng; có chế độ, chính sách quan tâm hơn đến đội ngũ nhà giáo.

Tuy nhiên, đây là việc không thể làm trong ngày một ngày hai và chỉ mình ngành Giáo dục cũng không thể giải quyết được việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ