Nên hiểu “đầu vào” sư phạm theo nghĩa rộng hơn

GD&TĐ - Xung quanh việc tuyển sinh đầu vào của các trường sư phạm hiện nay, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng: nên hiểu "đầu vào" theo nghĩa rộng hơn, không phải chỉ là kiến thức mà còn cả kỹ năng, thái độ, tinh thần học tập, lòng yêu mến nghề nghiệp...

Nên hiểu “đầu vào” sư phạm theo nghĩa rộng hơn

Đầu vào là một trong nhiều yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo sư phạm. Các yếu tố khác, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, đó là chương trình đào tạo; đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; cơ chế chính sách cho đào tạo sư phạm.

"Trong các yếu tố này, mọi người đều khẳng định, đội ngũ giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng đầu ra. Chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng." - PGS Nghiêm Đình Vỳ cho hay.

Minh chứng cho điều này, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội kể câu chuyện về lớp học trò khoa Lịch sử K43:

Khi đó, khoa Lịch sử lấy 2 lớp, trong đó có 1 lớp chính thống có điểm trúng tuyển cao hơn và một lớp hệ B điểm đầu vào thấp hơn. Khoá này tập trung đào tạo chuyên môn, quản lí chặt chẽ, sinh viên quyết tâm học tập nên kết quả học tập tốt.

Mới đây, khóa này kỷ niệm 20 năm ngày ra trường; phần lớn các em tốt nghiệp ở cả 2 lớp đều theo nghề sư phạm và khá thành công, trở thành những giáo viên có uy tín hoặc các cán bộ quản lý giáo dục. Như vậy, có thể thấy, yếu tố đầu vào có quan trọng, nhưng không phải là quyết định.

Trao đổi về việc giảm sức hút của các trường sư phạm, PGS Nghiêm Đình Vỳ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do khó xin việc sau khi ra trường và khi làm việc thì chế độ đãi ngộ chưa cao. Nếu sinh viên sư phạm ra trường được bố trí việc làm như các trường khối công an, quân đội, chắc chắn điểm đầu vào của trường sư phạm sẽ tăng cao.

Tháo gỡ khó khăn hiện nay, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, điều quan trọng đầu tiên là phải tái cấu trúc lại hệ thống các trường sư phạm. Theo đó, tập trung đầu tư cho những trường trọng điểm; những trường không đảm bảo chất lượng có thể tìm cách hợp nhất, hoặc làm thành trường vệ tinh, trường thực hành của các trường trọng điểm.

Cùng với đó, cũng rất cần nâng cao vị thế nhà giáo; quan tâm hơn nữa tới cơ chế chính sách để các nhà giáo yên tâm cống hiến.

"Thực tế cho thấy, những giờ hội giảng, dự giờ, khi có sự chuẩn bị chu đáo cho bài giảng, các giáo viên đều làm rất tốt. Như vậy, khi các thầy cô giáo có thời gian đầu tư cho bài giảng của mình; thu nhập đủ để tập trung cho việc giảng dạy thì chất lượng dạy học sẽ được nâng lên" - PGS Nghiêm Đình Vỳ cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ