Yêu cầu bức thiết thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm

GD&TĐ - Hiện nay, việc đào tạo, sử dụng giáo viên thiếu thống nhất về tổ chức quản lí và kiểm soát. Bộ GD&ĐT chỉ quản lí, kiểm soát được chuyên môn, đội ngũ giảng viên và chỉ tiêu đào tạo của các trường trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Yêu cầu bức thiết thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm

Đới với các trường địa phương, kể cả các trường cao đẳng và trung cấp sư phạm, Bộ GD&ĐT chỉ quản về chuyên môn; còn kế hoạch, quy trình, số lượng giáo viên cần tổ chức đào tạo và bố trí sử dụng do địa phương đó quy định.

Thực trạng này đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó cần thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là vấn đề hết sức cấp bách. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng về vấn đề này.

PV: Thưa PGS.TS Lưu Trang, thời gian qua đã xảy ra vấn đề số lượng giáo viên được đào tạo quá lớn so với nhu cầu xã hội, sinh ra hiện tượng thừa thiếu giáo viên cục bộ ở từng địa phương cũng như ở từng bậc học. Ông nhìn nhận như thế nào về thực trạng và tình hình hoạt động đào tạo giáo viên ở các trường hiện nay?

PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng
 PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng 

PGS.TS Lưu Trang: Hiện nay, cả nước có 58 trường ĐH, 57 trường CĐ, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó có 14 trường đại học sư phạm (ĐHSP), 33 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP) và 2 trường trung cấp sư phạm (TCSP).

Với 14 trường ĐHSP đều trực thuộc Bộ GD&ĐT (trong đó có 7 trường ĐHSP trọng điểm) là những trường chuyên đào tạo giáo viên các cấp, có lịch sử xây dựng và phát triển khá lâu đời, có đội ngũ mạnh, có cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ đào tạo giáo viên. Hàng năm, các trường này nhận nhiệm vụ, chỉ tiêu đào tạo và kinh phí của Bộ GD&ĐT và luôn thực hiện nghiêm túc việc giảm dần chỉ tiêu hàng năm của Bộ GD&ĐT là mỗi năm giảm 10% chỉ tiêu, riêng năm 2017 giảm 20% chỉ tiêu. Trong 5 năm qua, các trường này đã giảm hơn 50% chỉ tiêu. Năm 2017, tổng chỉ tiêu của các trường chỉ còn khoảng 10.000.

Các trường CĐSP và TCSP cũng là những trường được thành lập sớm, có thâm niên đào tạo từ 20 năm trở lên. Đây là những trường do địa phương quản lí và cấp kinh phí hoạt động, đào tạo đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học và THCS phục vụ cho địa phương.

Các trường đại học địa phương (44 trường) có đào tạo giáo viên hầu hết được nâng cấp từ trường CĐSP lên trường đại học, đào tạo đa ngành, đa bậc. Các trường này hoàn toàn trực thuộc địa phương nên có lợi thế và ưu tiên trong đào tạo giáo viên cho địa phương, còn người học vào học không phải đóng học phí (học phí được địa phương cấp).

Thêm vào đó là việc đào tạo các ngành nghề khác ở các trường này không có sức hấp dẫn người học và không cạnh tranh được với các trường chuyên ngành kinh tế, kĩ thuật khác.

Một thực trạng khác cần phải thấy là tại sao các trường cao đẳng, trung cấp khác (62 trường) như các trường cao đẳng kinh tế, trung cấp kinh tế, kĩ thuật; các trường trung cấp nghệ thuật... không có liên quan gì đến sư phạm cũng đào tạo giáo viên?

Chúng ta biết, năm 2017, tổng số chỉ tiêu đào tạo giáo viên cả nước là 55.611 (đã được cắt giảm hơn 20.000 chỉ tiêu so với năm 2016 (77.045) và cắt giảm 25.000 chỉ tiêu so với năm 2015 (80.418), trong đó, các trường ĐHSP đào tạo khoảng 10.000, còn hơn 45.000 là từ các trường đại học địa phương, các trường CĐSP và TCSP khác.

Trong khi đó, nhu cầu bổ sung giáo viên năm 2017 chủ yếu là giáo viên mầm non (khoảng 30.000 giáo viên), còn giáo viên các bậc học khác đang thừa thiếu không lớn.

PV: Trước thực trạng đào tạo giáo viên như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cần phải thực hiện quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm trong thời gian tới. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này, thưa PGS.TS Lưu Trang?

PGS.TS Lưu Trang: Trường sư phạm thường được xem là máy cái đào tạo ra giáo viên. Lâu nay các trường sư phạm ở nước ta đã đáp ứng được yêu cầu đào tạo đội ngũ nhà giáo giảng dạy các bậc học, trường phổ thông trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay hệ thống các trường sư phạm và các trường có đào tạo giáo viên gặp phải những khó khăn, cần phải được quy hoạch, sắp xếp lại một cách có hệ thống, khoa học và hiệu quả; nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho thời kỳ CNH - HĐH và hội nhập quốc tế.

Trước thực trạng hệ thống các trường đào tạo giáo viên hiện nay, theo tôi cần quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm, với từng giai đoạn cụ thể.

Trong giai đoạn đầu (từ 5 - 10 năm tới), Quốc hội, Chính phủ và Bộ GD&ĐT cần có Nghị quyết, Nghị định và Thông tư quy định trường sư phạm là trường đặc thù, quy định nghề giáo là nghề đặc biệt để có cơ chế chính sách phù hợp cho trường đặc thù và nghề đặc biệt.

Nên xóa bỏ cơ chế miễn giảm học phí cho người học mà thay vào đó bằng các chính sách khuyến khích khác. Tất cả việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng giáo viên, cũng như kinh phí cho các hoạt động đó do một đầu mối là Bộ GD&ĐT.

Nghiên cứu soạn thảo xin Quốc hội thông qua Luật Giáo viên hay Luật Nhà giáo, cần lập Vụ Đào tạo giáo viên.

Vụ Đào tạo giáo viên có nhiệm vụ hoạch định chiến lược phát triển giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông; theo dõi, giám sát các hoạt động của hệ thống các trường sư phạm.

Với các trường ĐHSP trọng điểm sẽ trở thành trường ĐHSP khu vực, chịu trách nhiệm đào tạo bồi dưỡng giáo viên ở khu vực được phân công. Các trường ĐH địa phương có đào tạo giáo viên, trường CĐSP và TCSP là vệ tinh (hay trực thuộc) trường ĐHSP trọng điểm.

Ở giai đoạn đầu có thể duy trì những khoa ngành đào tạo giáo viên ở các trường vệ tinh, dần dần sáp nhập, hoặc đóng cửa đào tạo giáo viên ở các trường đó.

Trong giai đoạn tiếp theo, cho dừng hẳn việc tham gia đào tạo giáo viên của các trường ĐH địa phương và cả các trường CĐSP, TCSP. Việc đào tạo và bồi dưỡng giáo viên chỉ tập trung vào các trường ĐHSP trọng điểm.

Lập Trung tâm sát hạch giáo viên để sát hạch giáo viên được đào tạo ra trong phạm vi toàn quốc. Giáo viên được cấp chứng chỉ hành nghề mới được tham gia giảng dạy...

Việc giảng dạy của giáo viên được tự do trong toàn quốc, cả quốc tế (đầu tiên là ở các nước ASEAN). Trên cơ sở sự giám sát chặt chẽ của Vụ Đào tạo giáo viên, thực hiện xóa bỏ việc phân khu vực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giữa các trường ĐHSP trọng điểm, tạo sự cạnh tranh phát triển giữa các trường và thuận lợi lựa chọn của người học và tuyển dụng giáo viên của các địa phương trong toàn quốc.

Tóm lại, việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm là vấn đề rất lớn, mang tầm vĩ mô cần phải có sự vào cuộc của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong toàn quốc.

Để thực hiện được việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đứng lớp đáp ứng yêu cầu giáo dục con người thời đại mới cần phải được nghiên cứu công phu, kĩ lưỡng, với những luận cứ khoa học thuyết phục và với quyết tâm cao mới có thể thực hiện được.

Xin cám ơn PGS.TS Lưu Trang về cuộc trao đổi này!

Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng thực hiện trọng trách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực khoa học giáo dục, khoa học tự nhiên và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn; phục vụ cộng đồng với cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục, hội nhập quốc tế.

Hiện nay, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng có tổng số 380 cán bộ viên chức, trong đó có 1 Giáo sư, 11 Phó Giáo sư, 72 Tiến sĩ, 197 Thạc sĩ, 50 giảng viên chính. Với chất lượng là nền tảng, đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững, mọi hoạt động trong nhà trường đều hướng vào người học; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ, công khai, minh bạch, thân thiện và chuyên nghiệp. Dạy tốt, học tốt, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc học hỏi và tích lũy kinh nghiệm giáo dục trong nước và quốc tế. Không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Với tầm nhìn đến năm 2030, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng là cơ sở giáo dục đại học tự chủ hội đủ năng lực đào tạo, nghiên cứu khoa học trên một số lĩnh vực mũi nhọn đạt chuẩn chất lượng quốc tế; được phân tầng và xếp hạng cao, có vị thế uy tín trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.