Trong đó, bên cạnh quá trình đào tạo của các trường sư phạm còn có quá trình tự học, tự bồi dưỡng của người học.
Từ thực tế quản lý tại Trường THPT Phan Thanh Giản, thầy Bùi Văn Tấn chia sẻ: Những giáo viên đang giảng dạy tại trường chủ yếu tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ và Trường ĐH Đồng Tháp. Các thầy cô đều đảm bảo tốt yêu cầu, đặc biệt là những giáo viên trẻ, không chỉ đảm bảo về chuyên môn mà còn nhiệt tình, năng động.
Theo thầy Bùi Văn Tấn, người giáo viên giỏi, ngoài trình độ chuyên môn giỏi cần thêm các yếu tố như yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, ý thức nghề nghiệp cao; thường xuyên tự rèn luyện về phẩm chất, tự bồi dưỡng về năng lực đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự nghiệp giáo dục hiện nay.
"Do đặc thù của ngành sư phạm hiện nay cung vượt cầu nên sinh viên học sư phạm ra trường cơ hội việc làm không cao, bên cạnh đó chế độ đãi ngộ chưa tương xứng nên chưa thu hút học sinh giỏi; nhưng chưa khẳng định ngành sư phạm đang xuống dốc.
Đơn cử tại huyện Ba Tri, trong số 5 trường THPT trên địa bàn, năm nay chỉ có duy nhất một trường có chỉ tiêu và trường đó cũng chỉ có một chỉ tiêu duy nhất là giáo viên môn Địa lý. Nhu cầu giáo viên mầm non và tiểu học có lớn hơn nhưng chắc chắn số lượng sinh viên ra trường cung vẫn vượt cầu" - thầy Bùi Văn Tấn cho hay.
Khẳng định việc khó khăn khi xin việc sau khi ra trường, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đầu tư của người giáo viên là nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều học sinh giỏi hiện nay không hào hứng học sư phạm, thầy Bùi Văn Tuấn cho biết, nếu giải quyết được thực tế nêu trên, trường sư phạm sẽ thu hút được người giỏi.
"Bên cạnh đó, cũng cần phải quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, tập trung đầu tư cho những trường sư phạm trọng điểm, những trường đào tạo có chất lượng tốt. Việc xác định chỉ tiêu cho các trường sư phạm cũng cần phù hợp với nhu cầu việc làm" - thầy Bùi Văn Tấn nêu quan điểm cá nhân.