Yên Bái: Luân chuyển 45 giáo viên vùng cao về huyện, thị, thành phố

GD&TĐ - Sau một thời gian công tác và nỗ lực cống hiến cho giáo dục vùng cao, các thầy cô giáo đã được luân chuyển về huyện, thị, thành phố. Những kinh nghiệm vượt khó của vùng cao sẽ được phát huy để nâng chất dạy học.

Niềm vui của các nhà giáo đã hoàn thành nhiệm vụ ở vùng cao.
Niềm vui của các nhà giáo đã hoàn thành nhiệm vụ ở vùng cao.

Một ngày vui ngập tràn với 45 giáo viên, khi UBND tỉnh Yên Bái tổ chức gặp mặt, khen thưởng và chúc mừng những nhà giáo đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được luân chuyển về các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Nhà giáo Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Yên Bái giải quyết nguyện vọng cho các giáo viên với số lượng lớn, cùng một thời điểm được chuyển nơi sông tác từ vùng cao xuống vùng thấp để hợp lý hóa gia đình và cũng tiếp thêm động lực để các nhà giáo cống hiến cho sự nghiệp.

Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc với sự phức tạp về địa hình, khí hậu, là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Toàn tỉnh hiện có gần 6.000 cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi, chiếm 45,7% số giáo viên trong toàn ngành giáo dục. Trong đó, đa số các thầy, cô giáo đều gắn bó với vùng cao ngay từ ngày mới ra trường, rất nhiều người đã tình nguyện cống hiến và dành trọn tuổi thanh xuân với giáo dục vùng cao.

Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng trao quyết định luân chuyển cho các nhà giáo
Giám đốc Sở GD&ĐT Vương Văn Bằng trao quyết định luân chuyển cho các nhà giáo

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ghi nhận, biểu dương những cống hiến của các nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh; bày tỏ sự cảm động, khâm phục các tấm gương thầy, cô giáo đã gắn bó trọn đời với sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng cao, viết nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường về hình ảnh cao đẹp của “người giáo viên nhân dân".

Việc giải quyết nguyện vọng cho giáo viên chuyển từ vùng cao xuống vùng thấp là một việc làm rất khó khăn, rất dễ xảy ra tình trạng mất cân đối về số lượng, chất lượng giáo viên giảng dạy ở vùng cao… Song nếu không thực hiện sẽ rất thiệt thòi cho những giáo viên đã dày công xung phong cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở vùng cao Yên Bái. Các thầy cô giáo được luân chuyển lần này đã vượt qua khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đã nhiều năm gắn bó, bám lớp, bám trường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của các nhà giáo ở huyện vùng cao Trạm Tấu
Một buổi sinh hoạt chuyên môn của các nhà giáo ở huyện vùng cao Trạm Tấu

Đặc biệt nhấn mạnh tính nhân văn của việc thực hiện luân chuyển giáo viên từ vùng khó khăn đến khu vực thuận lợi khi các thầy cô giáo đã cống hiến nhiều năm. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục rà soát biên chế của ngành GD&ĐT để xem xét nguyện vọng của các thầy cô giáo đã có nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng cao, đạt thành tích xuất sắc trong công tác để tiếp tục sắp xếp, điều động về công tác tại các huyện, thị xã, thành phố trong thời gian tới.

Cô giáo Hoàng Thị Tùng Bách, dạy tại xã Tà Xi Láng, huyện vùng cao Trạm Tấu hơn 10 năm gắn bó cả tuổi thanh xuân với  các học sinh người H"Mông ở đây, tâm sự: "Gắn bó với các em cùng bao kỷ niệm thân thương nên khi chia tay cũng nhiều nuối tiếc với học sinh và nhà trường. Nhưng cô cũng có mong muốn được về vùng thấp sẽ thuận lợi hơn cho việc chăm lo tổ ấm gia đình. Cô hứa sẽ không ngừng học hỏi để đáp ứng với trình độ giảng dạy ở nơi mới và đem hết kinh nghiệm, khả năng của mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Yên Bái trong những năm tiếp theo".

Khẳng định việc luân chuyển được thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đảm bảo quyền lợi để các thầy cô giáo có niềm tin, nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp chung, nhà giáo Vương Văn Bằng cho biết: Các thầy, cô giáo được đáp ứng nguyện vọng chuyển từ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn về nơi công tác mới theo nguyện vọng đợt này, người ít nhất là hơn 10 năm và nhiều nhất là trên 22 năm gắn bó với vùng cao. Các thầy, cô giáo này sẽ chuyển về công tác tại các trường học thuộc thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT

Đến với bài thơ hay: Ngọt ngào tình mẹ

GD&TĐ - Tôi thực sự ấn tượng với bài thơ “Trong lời mẹ hát” của Trương Nam Hương, như một bản nhạc du dương, êm dịu về tình mẫu tử thiêng liêng.