“Vắc xin” ý thức
Trong thời gian cả thế giới xảy ra dịch bệnh Covid-19 thì ý thức vì cộng đồng càng được coi trọng. Các trường học đều thành lập các đội phản ứng nhanh với dịch bệnh, trang bị máy đo thân nhiệt, khử trùng trường lớp, chuẩn bị nước rửa tay sẵn sàng khi học sinh đến trường.
Hàng triệu HSSV phải nghỉ học vì dịch cúm. Trong khi nhiều trường học từ phổ thông đến cao đẳng, đại học đang phải chuẩn bị tích cực cho các lớp học online, GV dồn công sức để thay đổi, coi hiểm họa Covid-19 là cơ hội để đổi mới cách tiếp cận dạy học E- Learning ngay trong mùa dịch.
Ông Kim Hồng, một nhà giáo về hưu cho biết: “Trong khi đó vẫn còn những cá nhân không coi sự cố gắng của cộng đồng. Sự bức xúc của cộng đồng đối với những hành vi không chấp hành qui định cách ly khi từ vùng dịch trở về Việt Nam là dễ hiểu bởi chúng ta, không chỉ ngành y tế, mà cả xã hội, mọi công dân Việt Nam đều đồng tâm hiệp lực chống dịch Covid-19 bằng việc cách ly những người đi từ vùng dịch trở về trong khoảng thời gian ủ bệnh”.
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, nhiều bạn trẻ đã lên tiếng về ý thức với cộng đồng của mỗi người. Hương Lan, SV Trường ĐH Kinh tế TPHCM chia sẻ: “Hàng nghìn người Việt Nam về từ vùng dịch, cả nước đang căng mình lên để cách ly, phòng chống. Làm ơn, nếu mình có nguy cơ xin hãy có trách nhiệm với người thân, gia đình và cộng đồng. Nếu bạn không cách ly, người đầu tiên có nguy cơ lây nhiễm từ bạn sẽ là người thân trong gia đình”.
Tương tự, Anh Tuấn, SV Trường ĐH Bách Khoa TPHCM cũng lên tiếng kêu gọi mọi người hãy nâng cao ý thức bảo vệ bản thân và cộng đồng: “Một người vì mọi người, vì chính bản thân và người thân hãy khai báo trung thực, hạn chế đi du lịch trong thời gian này và hãy tự động cách ly biết mình có nguy cơ. Chúng ta không ai mong muốn phải cách ly 14 ngày. Nhưng để dịch bệnh không bùng phát thì đòi hỏi mọi người phải chung tay”.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM khuyến cáo: “Tất cả những sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, trước tiên và không đâu xa chính là những người thân trong gia đình. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đừng ai suy nghĩ ‘chuyện thiên hạ mặc kệ thiên hạ lo’, sự thờ ơ của bất cứ ai cũng có thể phải trả giá bằng sự ân hận suốt đời.
Với việc khai báo chưa trung thực của một số người trong thời gian vừa qua chắc chắn là rất đáng trách. Lúc này, chúng ta cần sự trung thực của bệnh nhân cũng như người dân (có nguy cơ mắc bệnh) là đã đi những đâu, gặp những ai để cả cộng đồng cùng hành động. Bởi trong lúc này, bất cứ ai càng muốn giấu giếm những thông tin cần thiết để phòng ngừa dịch bệnh thì hậu quả sẽ càng nặng nề”.
Theo PGS.TS Đỗ Hạnh Nga (giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TPHCM), trong hoàn cảnh cả nước đang căng mình phòng chống dịch bệnh, rất cần ý thức ứng xử chuẩn mực của từng cá nhân để bảo đảm an toàn chung cho cộng đồng. Chuẩn mực ứng xử hiện nay chính là thực hiện theo các khuyến cáo về an toàn của Bộ Y tế, các chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc mỗi cá nhân tự giác khai báo khi nghi ngờ nhiễm (hoặc bị nhiễm). Những người trở về nước hoặc di chuyển trong nước từ vùng dịch hoặc vùng có nguy cơ cao hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm... cần phải tự giác khai báo sớm cho cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kiểm tra, cách ly sớm nhất...
Mỗi cá nhân cần có ý thức giữ ứng xử đúng để bảo đảm an toàn trước hết cho bản thân và gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp..., xa hơn là an toàn cho cộng đồng của mình. Đừng để vì mình mà bao nhiêu người khác phải liên lụy khi một con phố, khu vực phải bị cách ly hoặc tệ hơn là bị lây bệnh. Mỗi cá nhân hành xử đúng thì sẽ tạo ra sức mạnh phòng bệnh hiệu quả chung cho cộng đồng.
“Chiến đấu” với fake news
Tin giả (fake news) đang là vấn đề được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Nỗi lo lắng, sự bất an là có thật, nguy cơ là có thật nhưng thay vì lan tỏa những hành động tích cực để trấn an, để trang bị kiến thức nhằm bảo vệ bản thân, gia đình, xã hội thì vẫn có nhiều cá nhân gieo rắc nỗi sợ hãi cho người khác bằng những thông tin giật gân, không chính xác. Thậm chí có những kẻ còn suy diễn nguồn cơn đại dịch để vu khống chính quyền.
Dù được tuyên truyền, phổ biến nhưng trên mạng xã hội vẫn xuất hiện những status câu view, câu like về dịch bệnh để lôi kéo sự chú ý đến trang Facebook cá nhân. Có thể kể đến một số vụ việc như ngày 7/3, Phan Duy Ngọc (SN 1982, trú thôn Đại Yên, xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà) đã đăng tải video cảnh nhậu nhẹt trên Facebook cá nhân Ngọc Duy, kèm theo dòng trạng thái “Covid-19 về đến Lộc Hà rồi Tài ơi”.
Đăng tải xong, Ngọc lên giường đi ngủ. Sau gần 40 phút đăng tải, nội dung bài viết trên có đến cả trăm người tiếp cận và hàng chục lượt chia sẻ. Nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng trước thông tin này.
Trước đó, vào khoảng 23 giờ ngày 27/2, P.T.H (học sinh lớp 11, trú tại thị trấn Tiên Điền (Nghi Xuân - Hà Tĩnh) tham gia vào một nhóm chat trên mạng xã hội rồi thách đố nhau đưa thông tin người Nghi Xuân dương tính với Covid-19 lên mạng xã hội. Vì nông nổi, thiếu hiểu biết mà H nhận lời thách đố dại dột đó và đã đăng tải lên Facebook cá nhân với nội dung không có thật.
Thiếu hiểu biết, thích được nổi bật đã đành, nhiều cá nhân còn lợi dụng tâm lý hoang mang, lo lắng của đại bộ phận người dân trong tình hình dịch diễn biến phức tạp để đăng tải thông tin sai sự thật nhằm câu view, câu like cho trang bán hàng online của mình. Những hành động vi phạm pháp luật đó kịp thời được nghiêm trị, răn đe nhưng dù với lý do nào đi chăng nữa đó vẫn là một trò đùa vô trách nhiệm, là sự bỡn cợt trên nỗi đau, nỗi sợ không chỉ của một vài, một nhóm cá nhân mà là của một cộng đồng đang gồng mình chống dịch.
Những ngày đầu dịch bùng phát, trên mạng xã hội các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus Corona hay số lượng người chết về dịch bệnh này khiến cộng đồng thêm phần hoang mang, sợ hãi. Tại Hà Nội và TPHCM, vào thời điểm Chính phủ chính thức công bố dịch Covid-19, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đổ xô tới các cửa hàng y tế, các nhà thuốc để mua khẩu trang, nước sát khuẩn, thậm chí đứng xếp hàng từ 2 giờ sáng. Hệ lụy nhãn tiền là một nhóm đầu cơ đã lợi dụng tình thế để tăng giá hai mặt hàng này lên gấp nhiều lần ngày thường, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch. Còn người dân lại thêm phần hoảng loạn vì cho rằng không có 2 mặt hàng kia thì bản thân và gia đình có thể mắc bệnh và tử vong bất cứ lúc nào.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc - Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn, tin giả bao giờ cũng có đặc điểm là dựa trên một thông tin có thật. Người lan truyền tin giả sẽ sửa đổi tin thật khiến người đọc hiểu sai bản chất thông tin.
Vì thế, các đơn vị có liên quan phải có chế tài xử phạt các trường hợp tung tin giả và tạo ra tin giả. Tuy nhiên, mức độ xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tin giả. “Tôi hy vọng mỗi một cá nhân khi tham gia mạng xã hội phải có ý thức không tạo ra tin giả, có bộ lọc thật tốt để phát hiện tin giả, đặc biệt, không tự biến mình trở thành người lan truyền tin giả trong cộng đồng” – bác sĩ Trần Văn Phúc nhắn gửi.