Ý thức cá nhân và quyết tâm của nhà quản lý quyết định sự thành công

Ý thức cá nhân và quyết tâm của nhà quản lý quyết định sự thành công

(GD&TĐ) - Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của nghiên cứu khoa học? Để trả lời câu hỏi này thì không khó, nhưng cái khó là làm gì để nâng cao CLĐT và hiệu quả NCKH. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của từng cá nhân và quyết tâm của nhà quản lý, cần tránh đi vào vận động hình thức.

Đây là quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện đổi mới quản lý nhằm nâng cao CLĐT và hiệu quả NCKH ở Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Dưới đây là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế về vấn đề này.

* Trường Đại học Kinh tế đã làm gì để hưởng ứng Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý GDĐH nhằm nâng cao CLĐT và hiệu quả NCKH, thưa ông.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Trước tiên, BGH nhà trường xác định rõ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT là hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng được yêu cầu đổi mới hệ thống GDĐH hiện nay với điểm nhấn là đổi mới về quản lý nhằm nâng cao CLĐT. Chủ trương này không những hoàn toàn phù hợp với những gì mà trường đang thực hiện trên thực tế mà còn là cơ hội để trường hoàn thành được sứ mạng của mình là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao và sáng tạo, chuyển giao các kết quả nghiên cứu cho các doanh nghiệp và cơ quan của Chính phủ. Để những hoạt động này đi vào cuộc sống, Ban Giám hiệu nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Hiệu trưởng và hướng dẫn các đơn vị tổ chức thảo luận, quán triệt Chỉ thị số 296 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 05 của Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, trong đó phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị. Đồng thời, trường cũng đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt thảo luận trên các ý kiến tổng hợp được để thống nhất về các lý do cần thiết phải nâng cao CLĐT, những đánh giá về thực trạng hiện nay của ngành và nhà trường và thông qua cam kết CLĐT, Chương trình hành động về đổi mới quản lý GDĐH giai đoạn 2010-2012 của nhà trường.

Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo? Để trả lời câu hỏi này thì không khó, nhưng cái khó là làm gì để nâng cao CLĐT, tránh đi vào hình thức. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình rằng: Nâng cao CLĐT là hoàn toàn cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế và xã hội; Nâng cao CLĐT sẽ tránh được lãng phí cho xã hội và cho cả người học. Đào tạo kém hiệu quả sẽ làm cho người học có năng lực chuyên môn thấp, không có khả năng tự đào tạo và đào tạo lại, chất lượng làm việc kém với những hậu quả tiêu cực không chỉ đối với người học mà còn đối với cả xã hội; Đào tạo không đảm bảo chất lượng sẽ khiến cho cơ sở đào tạo mất tín nhiệm, mất dần người học, mất dần thương hiệu và tính cạnh tranh. Do đó, nâng cao CLĐT luôn là nhiệm vụ hàng đầu quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường.

Tự học ở thư viện
Tự học ở thư viện

* Đúng là nếu chỉ mở các cuộc vận động, hội nghị mà không có những biện pháp triển khai sâu rộng tới đông đảo cán bộ, giảng viên và SV thì chắc chắn rơi vào hình thức, vậy Đại học Kinh tế - ĐHQGHN làm gì để tránh tình trạng này?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Tôi chưa nói tới hiệu quả thế nào, nhưng đúng là có quyết tâm thực hiện hay không, điều này phù thuộc hoàn toàn vào ý thức của từng cá nhân và quyết tâm của nhà quản lý từng trường. Vì những lý do khác nhau, các cơ quan quản lý có thể không thể kiểm tra hết được trường nào thực hiện tốt hay không, nhưng người học biết, giảng viên biết và xã hội biết vì cuộc vận động này với mục đích nâng cao CLĐT, nếu không làm tốt thì sẽ rơi vào vận động hình thức. Như tôi đã trình bày ở trên, rất nhiều hoạt động, trong đó có cả những hoạt động đổi mới quản lý trường đã và đang thực hiện trên thực tế nhằm nâng cao CLĐT và hiệu quả NCKH. Cuộc vận động này không chỉ là cơ hội tốt mà còn là cú hích mạnh mẽ để Trường ĐHKT - ĐHQGHN đạt được các mục tiêu đã đặt ra.

Quan điểm của ĐHKT là đổi mới quản lý nhằm đẩy mạnh đào tạo gắn liền với thực tiễn, các sản phẩm đào tạo phải đáp ứng được nhu cầu xã hội, đó cũng chính là một trong những tiêu chí hàng đầu đánh giá CLĐT của nhà trường. Trong thời gian qua, chúng tôi đã triển khai tích cực các hoạt động hợp tác với hơn 30 doanh nghiệp, các viện nghiên cứu và cơ quan của Chính phủ trong việc: Nghiên cứu và phân tích nhu cầu đào tạo, rà soát và đổi mới chương trình đào tạo; Tổ chức thực hiện các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn cung cấp kỹ năng mềm, xúc tiến việc làm cho SV, học viên…; Mời lãnh đạo một số doanh nghiệp và chuyên gia đầu ngành từ các viện nghiên cứu, các bộ ngành của Chính phủ làm cán bộ kiêm nhiệm, thỉnh giảng cũng như tư vấn cho nhà trường trong việc dự báo nhu cầu thị trường, xác định các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất nghề nghiệp của sản phẩm đào tạo cũng như số lượng, qui mô cần đào tạo và thiết kế nội dung chương trình, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên. Trường đã tổ chức nhiều Hội nghị đào tạo theo nhu cầu xã hội với sự tham gia đông đảo của các đối tác là các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các cơ quan trực thuộc Chính phủ... Bên cạnh đó, trường còn đổi mới phương pháp đào tạo, thực hiện đào tạo theo tín chỉ và đặc biệt là trường đang nghiên cứu để áp dụng việc xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO; Thực hiện việc học sinh đánh giá giảng viên…

* Cụ thể các hoạt động đào tạo và NCKH đang được triển khai thế nào, thưa ông?

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Hiện nay, Trường ĐHKT đang triển khai đào tạo bậc ĐH theo 6 chuyên ngành. Phát huy thế mạnh và lợi thế đa ngành, đa lĩnh vực, liên thông liên kết chia sẻ nguồn lực của các đơn vị thành viên ĐHQGHN, Trường ĐHKT đã tập trung nguồn lực để phát triển các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế (chương trình 16+23 ngành QTKD) và chất lượng cao ngành KTĐN. Chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế (16+23) ngành QTKD được xây dựng trên cơ sở các chương trình đào tạo của các ĐH tiên tiến trên thế giới. Chương trình đào tạo CLC ngành KTĐN đã đáp ứng được yêu cầu của người học và nhu cầu của xã hội, có đủ kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh (TOEFL từ 500 điểm trở lên). Đối với đào tạo ở bậc sau ĐH, Trường ĐHKT đang triển khai đào tạo 5 chương trình thạc sỹ và 3 chương trình tiến sĩ. Các chương trình đào tạo trong nước của Trường thường xuyên được rà soát và cải tiến theo hướng tiếp cận chuẩn đầu ra. Về liên kết đào tạo quốc tế, Trường ĐHKT đang triển khai một số chương trình đào tạo với các đối tác quốc tế như: chương trình Cử nhân và Thạc sĩ QTKD với ĐH Troy (Hoa Kỳ), một trong 70 trường công lập tốt nhất Hoa Kỳ; chương trình Cử nhân 2+2 Kinh tế - Tài chính với ĐH Massey (New Zealand), trường ĐH luôn có mặt trong Top 500 trường đại học hàng đầu thế giới và đặc biệt là Chương trình Thạc sĩ Quản lý công liên kết với ĐH Uppsala (Thụy Điển), một trường ĐH luôn được xếp ở thứ cao trên thế giới với 8 giải Nobel trong lịch sử phát triển. Chương trình này hiện đang được Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng đặt hàng đào tạo các cán bộ được quy hoạch của Việt Nam. Thông qua các chương trình liên kết đào tạo quốc tế này, thương hiệu của Trường ĐHKT cũng như trình độ, năng lực giảng dạy và nghiên cứu của đội ngũ giảng viên của nhà trường sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần vào việc nâng cao chất lượng và quốc tế hóa các chương trình đào tạo trong nước. 

Với mục tiêu trở thành một ĐH nghiên cứu trong đó, nghiên cứu là hoạt động dẫn dắt đào tạo, nghiên cứu là nền tảng của đào tạo và quá trình đào tạo cũng đồng thời là quá trình nghiên cứu. Sản phẩm nghiên cứu khoa học phải có tính thực tiễn cao, có địa chỉ ứng dụng hoặc/và phải được đăng tải trên các tạp chí nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước. Để thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý hoạt động NCKH, nhà trường đã ban hành các văn bản quản lý nhấn mạnh vào khuyến khích, hỗ trợ cho nghiên cứu như các Quy định về tổ chức và quản lý hoạt động NCKH; Quy định về khen thưởng các CBGV có bài nghiên cứu đăng trên tạp chí nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế, có đóng góp xuất sắc cho hoạt động NCKH... Trường cũng đang xây dựng các nhóm nghiên cứu, làm hạt nhân cho các hoạt động nghiên cứu trong toàn trường. Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách thuộc Trường đã nghiên cứu và công bố thành công “Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam”, đây một trong những hoạt động trọng tâm của chương trình nghiên cứu “Lý thuyết và chính sách kinh tế vĩ mô trong điều điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam”. Các báo cáo được công bố liên tục trong các năm 2008, 2009 được các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và dư luận quan tâm, được yêu cầu chiết xuất các kiến nghị chủ yếu gửi tới các cơ quan Nhà nước có liên quan. NCKH trong SV cũng là một trong những những hoạt động được trường quan tâm, chú trọng và coi đó như một trong những phương thức hiệu quả nhằm nâng cao CLĐT cũng như gắn kết giữa NCKH với giảng dạy. Trường đã có những quy định cụ thể khuyến khích về mặt tinh thần cũng như vật chất đối với hoạt động này. Chính vì vậy mà hoạt động NCKH của trường đã thu hút được nhiều SV, học viên và nghiên cứu sinh tham gia. Nhiều công trình NCKH của SV đã đạt được giải thưởng các cấp, giải thưởng VIFOTECH... Ngoài ra, trường đã tổ chức được nhiều Hội nghị/Hội thảo khoa học với các nhà khoa học, các học giả nổi tiếng quốc tế như GS. Tom Cannon - nhà hoạch định chính sách hàng đầu thế giới, GS. Susan Schwab - nguyên Đại sứ Thương mại Hoa Kỳ; đặc biệt trường đã phối hợp với Hội đồng LLTW, Viện KHXH Việt Nam và một số cơ quan khác… tổ chức thành công Hội thảo quốc gia “Các lý thuyết kinh tế chính trong bối cảnh phát triển mới của thế giới và những vấn đề rút ra cho Việt Nam”...

Theo tôi, muốn nâng cao CLĐT và hiệu quả của NCKH, điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của từng cá nhân và quyết tâm của nhà quản lý, cần tránh đi vào vận động hình thức.

- Xin cám ơn ông!

Bạch Ngọc Dư

(thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.