Xuyên đêm tuyên truyền phòng chống mua bán người ở vùng cao

GD&TĐ - Tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa bán vẫn diễn ra tại Điện Biên. Đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Các buổi tuyên truyền phòng chống mua bán người thường diễn ra vào buổi tối.
Các buổi tuyên truyền phòng chống mua bán người thường diễn ra vào buổi tối.

Để phòng chống hiệu quả với thực trạng này, hiện nay Điện Biên xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác của người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Trong đó, phát huy vai trò hạt nhân ở cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp địa phương đã tích cực vào cuộc.

Gà lên chuồng, cán bộ lên đường

Mỗi tháng 2 lần, chị em bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình (huyện Tuần Giáo) lại tổ chức họp định kỳ (đầu tháng và cuối tháng). Buổi họp giữa tháng 5 vừa qua có thêm khách mời là Chủ tịch Hội LHPN và Công an xã. Mục đích là nhằm phối hợp tuyên truyền về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng và phòng, chống mua bán người.

Bà Vàng Thị Súa, Chủ tịch Hội LHPN xã Tỏa Tình cho biết, để đạt hiệu quả thì thời gian tuyên truyền phải thay đổi phù hợp với đặc thù vùng miền. “Khác với các địa bàn thuận lợi, ở đây hễ mặt trời xuống núi, nhà nhà sáng đèn thì cán bộ phụ nữ mới “cắp” tài liệu lên đường. Lý do là bà con vùng cao thường đi nương cả ngày, chỉ có buổi tối mới có mặt tại nhà đầy đủ”, bà Súa nói.

Tại buổi tuyên truyền, chị em được trực tiếp xem video về một vụ án buôn bán người cụ thể. Trong đó, thể hiện rõ chiêu thức, thủ đoạn và hành vi của đối tượng lừa đảo sử dụng để lừa gạt phụ nữ, trẻ em. Sau khi dụ dỗ được nạn nhân, chúng sẽ bán sang nước ngoài để kiếm tiền bất chính.

Tuyên truyền phòng chống mua bán người tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.

Tuyên truyền phòng chống mua bán người tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.

Để chị em hiểu sâu và nhớ lâu, sau mỗi hình ảnh, video, cán bộ tuyên truyền đều phiên dịch và nhấn mạnh những điều cần chú ý. Đồng thời, lắng nghe chia sẻ, ý kiến thắc mắc của từng người để giải đáp và tháo gỡ.

Cũng theo bà Súa, mặc dù địa bàn chưa ghi nhận trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua, bán người. Song trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do 100% hội viên là đồng bào dân tộc Mông. Phần đa chị em có nhận thức, hiểu biết xã hội hạn chế, nhẹ dạ, cả tin.

Trong khi mạng xã hội ngày càng phát triển. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng lừa đảo dễ dàng tiếp cận, thực hiện hành vi phạm pháp. Trong đó, chủ yếu là phương thức làm quen, rồi dụ dỗ, rủ rê đưa người ra khỏi địa bàn.

Do vậy, thời gian qua Hội LHPN đã đẩy mạnh phối hợp với Công an xã tổ chức đi từng bản để tuyên truyền lồng ghép. Trong đó nhấn mạnh về chiêu thức, thủ đoạn lừa đảo, nhằm giúp bà con nhận diện và nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. “Bằng phương pháp kể các câu chuyện, ví dụ cụ thể từ những vụ án thực tế, đa phần bà con đều chia sẻ là rất dễ hiểu, dễ nhớ. Buổi tuyên truyền cũng thu hút đông đảo người tham gia hơn”, bà Súa cho hay.

Đa dạng cách làm

Không phải thường xuyên, song những cuộc trò chuyện, tuyên truyền lồng ghép phòng chống mua bán người vẫn diễn ra ở các địa bàn khác nhau. Đặc biệt là đối với các cấp hội phụ nữ. Công tác tuyên truyền được thực hiện khắp các địa bàn, trọng tâm là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, biên giới.

Bên cạnh truyền thông chủ trương, đường lối và các văn bản chỉ đạo liên quan của các cấp, thì hội cũng chủ động cung cấp, phổ biến thông tin về các kênh tiếp nhận thông tin phụ nữ, trẻ em. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh Điện Biên xây dựng kênh độc lập để tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình tư tưởng phụ nữ và dư luận xã hội.

Công an xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo tuyên truyền thông qua các hình ảnh về vụ việc mua bán người thực tế.

Công an xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo tuyên truyền thông qua các hình ảnh về vụ việc mua bán người thực tế.

Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên cho biết: Hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Công an tỉnh triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng, chống mua bán người. Để truyền thông hiệu quả, các bên đã phối hợp biên tập tài liệu, video, đổi mới nội dung tuyên truyền.

“Tài liệu tuyên truyền được chúng tôi cung cấp rộng rãi trên mạng xã hội, fanpage facebook của hội phụ nữ các cấp để lan tỏa rộng rãi hơn. Ngoài mục đích cảnh tỉnh thì việc nêu rõ một số dấu hiệu nhận diện nguy cơ và hành vi phạm tội mua, bán người cũng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc tham gia phát hiện, đề phòng”, bà My cho hay.

Bên cạnh những hoạt động trên, các cấp hội phụ nữ địa phương này cũng liên tiếp thành lập mới, duy trì, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả các câu lạc bộ, mô hình về phòng, chống mua bán người. Hiện toàn tỉnh có 31 mô hình, câu lạc bộ, với gần 1.300 thành viên. Tập trung tại huyện vùng cao hoặc có biên giới, như: Mường Chà, Nậm Pồ, Điện Biên Đông, Tủa Chùa...

“Những câu lạc bộ sẽ là môi trường thường xuyên hơn để chị em trao đổi, chia sẻ về cuộc sống. Từ đó chủ động xác định đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân để kịp thời ngăn chặn”, bà My thông tin thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ