Xưng hô tuỳ theo cấp học
Thạc sĩ Lê Hoàng Trung, Phó trưởng khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cửu Long, TP.HCM, cho biết: Hình thành từ văn hoá lâu đời, việc xưng hô là nét đẹp truyền thống, thể hiện cấp bậc, sự tôn trọng của người Việt trong giao tiếp. Từ trước đến nay, cách xưng hô thầy, cô - con đã phổ biến ở cấp phổ thông; đồng thời, thể hiện sự bao bọc, chở che của giáo viên dành cho học sinh của mình.
Theo quan điểm của Thạc sĩ Lê Hoàng Trung, ở cấp tiểu học, do chênh lệch độ tuổi giữa giáo viên và học sinh khá lớn, việc học sinh xưng con với thầy cô là hợp lý. Đến giai đoạn THCS, THPT, đại học hay sau đại học, khi nhận thức lớn dần lên, học sinh có thể chuyển sang xưng hô là em, tôi. Việc xưng hô cũng thể hiện sự gắn bó, tình cảm giữa thầy và trò nên không nhất thiết phải ban hành quy định về vấn đề này trong trường học.
PGS. TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng không nhất thiết phải đưa ra quy định nghiêm ngặt về cách xưng hô trong trường học. Bởi lẽ cách xưng hô không thể đánh giá hoàn toàn chất lượng giáo dục.
“Tuỳ vào tình huống giao tiếp, lứa tuổi, văn hoá địa phương, giáo viên cần mềm dẻo, linh hoạt khi xưng hô với học sinh để thể hiện mối quan hệ tích cực giữa hai bên”, GS. TS Phạm Tất Dong bày tỏ.
Cô Lê Ngọc Linh, giáo viên Trường THCS Thượng Cát, Hà Nội, có quan điểm: Các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt vốn rất phong phú, đa dạng, vừa giúp phản ánh vừa giúp xây dựng các mối quan hệ. Trong môi trường học đường, thầy cô giáo không chỉ truyền thụ kiến thức còn quan tâm, chia sẻ, động viên học sinh nên nhiều em coi giáo viên như cha mẹ của mình. Do đó, các em xưng hô là em hay con đều chấp nhận được.
"Tôi thường xưng hô là cô - em với học sinh. Nhưng nhiều em xưng là con vì các em thấy tự nhiên khi sử dụng đại từ này nên tôi hoàn toàn tôn trọng cách trò chuyện như vậy. Các giáo viên khác lại có cách xưng hô khác nhưng việc này không gây ảnh hưởng đến tình cảm cô trò hay chất lượng đào tạo", cô Linh bày tỏ.
Không nên cứng nhắc
Em Nguyễn Hữu Đạt, du học sinh Việt Nam tại Pháp, cho biết: Em theo học chương trình bằng tiếng Anh nên khi nói chuyện với thầy cô chỉ sử dụng I (tôi) và you (bạn). Cách xưng hô như vậy khá thuận tiện khi em chưa biết tuổi tác của người đối diện nhưng thiếu sự gắn bó như các đại từ tiếng Việt.
“Về câu chuyện cách xưng hô giữa thầy cô và học sinh, em nghĩ cách gọi nào cũng chấp nhận được. Ở ngoài Bắc, hồi cấp 1, em hay dùng cách xưng hô thầy, cô - con, lên cấp 2, cấp 3 thì chuyển sang thầy, cô - em. Nhưng nhiều bạn của em ở trong Nam chỉ xưng hô là thầy, cô - con. Vì đây là ngôn ngữ trò chuyện, không phải ngôn ngữ trong văn bản, em nghĩ không nên quá cứng nhắc”, Đạt cho hay.
Trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học có thể dùng cách xưng hô thầy, cô - con để tạo cảm giác gần gũi như ở nhà do các em đang làm quen với thế giới bên ngoài và muốn tìm chỗ dựa ấm áp như gia đình. Lên cấp 2, cấp 3, học sinh có thể chuyển sang xưng em, thể hiện sự chững chạc trong độ tuổi.
Chia sẻ quan điểm trên, chị Nguyễn Lan Anh, sống tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, cho biết: Học sinh có thể chọn cách xưng hô tuỳ thuộc vào độ tuổi, hoàn cảnh của giáo viên. Đơn cử, giáo viên chưa có con thì học sinh nên xưng em. Tuy nhiên, không phải lúc nào học sinh cũng nắm rõ điều này để điều chỉnh cách xưng hô.
“Nói chung, tôi thấy cách xưng hô nào cũng phù hợp. Học sinh nên lựa chọn cách xưng hô mà bản thân cảm thấy thoải mái nhưng phải thể hiện sự tôn trọng với giáo viên. Học sinh cũng nên trau dồi, thể hiện sự tôn trọng, biết ơn thầy cô giáo và phấn đấu học tập. Với giáo viên, đây là món quà lớn nhất", chị Lan Anh chia sẻ.