Đa chiều ý kiến giáo viên
Nhiều người cho rằng, việc xưng "con" dù mang ý nghĩa rất tình cảm nhưng lại phân chia vị thế cao thấp rõ ràng, tác động sâu vào ý thức, định hình một lối suy nghĩ thiếu sự tự tin, lúc nào cũng khúm núm, luôn nghĩ mình nhỏ bé, không dám đưa ra quan điểm hay đấu tranh cho chính kiến của cá nhân.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nhiều người lại cho rằng cách gọi này lại hết sức bình thường, lại thể hiện tình cảm, gần gũi, không nên có sự can thiệp. Một số người khi bé đi học thì xưng "con" với thầy cô nhưng khi lớn lên cũng tự đổi thành "em". Mọi việc rất tự nhiên, đâu cần bàn cãi hay đòi hỏi đưa ra quy định.
Cô Thanh Hồng (giáo viên tại quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Mình là giáo viên tiểu học, dạy học sinh từ cấp 1 nhưng học sinh đến lớp 12 vẫn giữ cách xưng hô xưa kia với cô. Mình sẽ vẫn cách xưng hô "cô-con", vì nghe thân mật, gần gũi, mình sẽ không thay đổi. Các con học sinh ở Hà Nội quen như thế rồi và mình luôn cảm nhận sự thân thương trong mối quan hệ cô – trò với cách xưng hô như vậy.
Cô Minh Hương (giáo viên tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Thực ra tùy vào tuổi của thầy, cô mà xưng hô cho phù hợp. Giáo viên giờ 60 tuổi mới được nghỉ hưu. Vậy gọi học sinh tiểu học và THCS là con vừa thân mật lại tình cảm nhất.
Trái với những ý kiến phản biện trên, một bộ phận thầy cô ủng hộ thống nhất cách xưng hô trong trường học.
Cô Hứa Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vũ Xuân Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: Tôi thích cách xưng hô “thầy/cô – em” và cho rằng đây là cách xưng hô chuẩn mực. Vì xưng hô “thầy/cô – con”, nhiều giáo viên trẻ mới ra trường, chưa có gia đình xưng hô như vậy không phù hợp, giáo viên cũng không được tự nhiên. Bản thân tôi vẫn xưng hô “cô – em” với học sinh và mong có thống nhất chung về cách xưng hô trong môi trường sư phạm. Ngoài trường lớp, giáo viên và học sinh ở vai khác, có thể xưng hô theo quan hệ và tình cảm.
Phụ huynh và học sinh tâm tư
Cuộc tranh luận có nhiều ý kiến nhưng phần lớn trong số đó là người ngoài cuộc. Với những người trong cuộc - các học sinh, liệu các em muốn được nghe cách xưng hô nào khi đến trường, đến lớp?
Em Hồng Nhung, học sinh lớp 8 (Hà Nội) chia sẻ: Em có biết một chút về những tranh luận liên quan việc thầy cô có nên gọi học sinh là “con” không, qua mạng xã hội và đọc báo. Em và bạn bè em đều thích được thầy cô gọi là “con” vì nghe rất thân thương gần gũi. Chúng em cũng dễ chia sẻ với các thầy cô gọi mình là “con” hơn. Trong trường vẫn có một số thầy cô chọn cách xưng hô là “thầy/cô - em”. Chúng em nghĩ, điều này rất bình thường. Tuỳ thuộc phong cách mà mỗi thầy cô có cách xưng hô riêng. Điều này không ảnh hưởng đến tình cảm của chúng em đối với thầy cô giáo cũng như quá trình học tập tại lớp.
Chị Lê Ngọc Anh (quận 11, TP. HCM) chia sẻ: Tôi là người ngoài Bắc chuyển vào TP. HCM sinh sống. Cá nhân tôi vẫn thích thầy cô gọi con mình bằng con. Chẳng sao cả. Ai cướp công nuôi dạy của mình đâu mà lo. Trên hành trình phát triển và trở thành người có ích của con, không thể vắng bóng của người thầy/người cô. Tuy không sinh, nhưng cũng có công dạy, công dưỡng tri thức, tính cách.
Tất nhiên, nhân vô thập toàn. Thầy cô thì cũng có người này người kia cũng như cha mẹ ruột cũng không ít kẻ đối xử tệ với con đẻ của mình, nhưng so với số đông xã hội cũng vẫn là thiểu số. Còn lại thì thầy cô, cha mẹ cũng đều yêu thương con, quý mến học trò.
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Câu so sánh "Cô giáo như mẹ hiền" không phải tự nhiên mà có. Vậy nên, xưng hô thế nào không quan trọng, miễn là thể hiện sự tôn trọng và văn hoá. Cứ thoải mái tư tưởng, trân trọng trong tâm là được.
Cô giáo Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần (Thanh Sơn, Phú Thọ) chia sẻ: Về câu chuyện nên hay không gọi học sinh là “con”, đã có rất nhiều ý kiến trong vài ngày qua. Cá nhân tôi thấy, không cần thiết nâng cao quan điểm về cách xưng hô, theo hướng phải ra quy định hay “luật hoá” một việc đơn giản như cách sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong trường học.
Tôi thường xưng hô “cô – các bạn” với học sinh của mình. Đối tượng của tôi là các học sinh bậc THPT nên tôi chủ động xưng hô như vậy để thể hiện vai trò ngang bằng trong cách nói, coi học sinh là những người bạn đồng hành.
Trường tôi, các giáo viên có cách xưng hô khác nhau với học sinh của mình. Song tất cả đều cảm thấy thoải mái, coi đó là phong cách riêng của từng thầy cô. Điều này không làm ảnh hưởng đến quan hệ thầy – trò hay chất lượng giảng dạy.