Xưng hô phù hợp với cấp học
Thời gian qua, đã có những ý kiến trái chiều về cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh. Có những người cho rằng, giáo viên và học sinh nên sử dụng từ ngữ xưng hô phù hợp như thầy, cô – em, chứ không nên gọi là thầy, cô và con. Tuy nhiên, ý kiến khác lại cho rằng xưng hô thầy, cô – con phù hợp với các cấp học nhỏ và tạo sự gần gũi, thân thiết hơn giữa giáo viên và học sinh.
Theo ông Phan Đức Luận, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá – Thông tin – Thể thao tỉnh Kon Tum, cách xưng hô thầy, cô – con và thầy, cô – em đều phù hợp với văn hoá Việt Nam.
Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh mà mỗi người sẽ có những cách gọi khác nhau. Như trường hợp ở trong một gia đình sẽ có những cách xưng hô khác nhau như ông - cháu và ông – con. Không chỉ trong gia đình, ở môi trường học tập cũng sẽ có cách xưng hô khác nhau như cô – em, cô – trò.
Theo ông Luận, với tư cách người mẹ ẩn bên trong cô giáo thì giáo viên có thể gọi học sinh là cô – con. Bởi trong xã hội hiện nay thì vấn đề rất phong phú và đa dạng. Chính vì vậy, khi xem xét một vấn đề nào đó mỗi người phải phải đặt mình vào những vị trí khác nhau.
Do đó, đối với cấp Mầm non và Tiểu học khi học sinh còn nhỏ thì giáo viên càng phải gần gũi hơn với học trò. Chính vì vậy, giáo viên thường xưng hô cô – con với học sinh, vì mẹ và con thường gần gũi hơn cô – con. Còn ở cấp THCS và THPT khi học sinh đã lớn thì giáo viên xưng hô cô – em để có thể dễ dàng truyền dạy kiến thức giúp các em tiếp thu và ứng dụng vào cuộc sống.
“Đối với những cấp học nhỏ, khi các em còn lạ lẫm với thầy cô, trường lớp thì việc xưng hô cô – con sẽ tạo cho học sinh cảm giác như đang ở với mẹ mình. Khi đó, giáo viên và học sinh sẽ gần gũi, thân thiện hơn với nhau. Bên cạnh đó, đối với các em nhỏ thì giáo viên như người mẹ thứ 2, mỗi ngày bồng bế, dỗ dành như con mình”, ông Luận chia sẻ.
Tương tự, cô Phạm Thị Luân, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei, Kon Tum) cho rằng, giáo viên xưng hô cô – con với học trò sẽ tạo nên một cảm giác thân thiện, gần gũi, tình cảm.
Theo cô Luân, đặc biệt với cấp Mầm non thì đa số giáo viên sẽ chọn cách xưng hô cô – con để học sinh cảm giác thân thuộc như đang ở với mẹ mình. Còn cách xưng hô cô – em thì sẽ phù hợp ở những cấp học cao hơn.
“Đối với cấp Mầm non thì xưng hô cô – em không có gì là sai. Tuy nhiên, giáo viên thường sẽ chọn cô – con hơn để tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc, bởi cô giáo như mẹ hiền. Khi đó các em học sinh sẽ thích thú và chăm chỉ hơn khi đến trường”, cô Luân tâm sự.
Tôn sư trọng đạo không chỉ thể hiện qua cách xưng hô
Em Nguyễn Ngọc Mai Hoa, học sinh lớp 9 (Kon Tum) nghĩ rằng, cách xưng hô thầy, cô – em và thầy, cô – con đều rất phù hợp. Không chỉ có 2 cách xưng hô này, khi Mai Hoa còn nhỏ có giáo viên còn gọi học trò là các bạn…
“Em nghĩ cách gọi nào cũng phù hợp và thể hiện sự tôn trọng, tình cảm giữa giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, em thích cách xưng hô thầy, cô – con hơn, bởi tạo cảm giác gần gũi, thân thuộc như người thân trong gia đình. Khi đó, chúng em có thể thoải mái chia sẻ tâm tư, tình cảm của bản thân với giáo viên”, em Mai Hoa chia sẻ.
Khác ý kiến với Mai Hoa, em Trần Hoàng Bảo (học sinh lớp 10, tỉnh Gia Lai) cho hay, trong quá trình học trên trường lớp em và các bạn vẫn xưng hô với giáo viên là thầy, cô – em.
“Trước đây khi còn nhỏ thì em xưng hô con – thầy, cô. Tuy nhiên, khi học THCS em đổi cách xưng hô thành thầy, cô – em. Với em cách xưng hô nào cũng phù hợp, bởi là học sinh phải biết tôn trọng không chỉ thầy cô mà những người xung quanh. Em nghĩ, học sinh đền đáp công ơn thầy cô không chỉ qua cách xưng hô mà thông qua điểm số, cách cư xử văn hoá đối với mọi người, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau và trở thành một người có ích cho xã hội”, em Hoàng Bảo nói.