Không nên khắt khe trong cách xưng hô với học sinh

GD&TĐ - Cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh phù hợp với từng cấp học, với văn hóa vùng miền và tùy thuộc vào bối cảnh lớp học. Không nên khắt khe hay có quy định cụ thể trong việc xưng hô với học sinh.

Cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh phù hợp với từng cấp học, với văn hóa vùng miền và tùy thuộc vào bối cảnh lớp học.
Cách xưng hô giữa giáo viên và học sinh phù hợp với từng cấp học, với văn hóa vùng miền và tùy thuộc vào bối cảnh lớp học.

Đó là chia sẻ của nhà giáo Lê Xuân Bột, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ).

Xưng hô trong nhà trường gắn với văn hóa, lịch sử

Theo nhà giáo Lê Xuân Bột, cách xưng hô trong môi trường học đường được hình thành theo suốt chiều dài văn hóa và lịch sử của đất nước. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, cách xưng hô trong trường, lớp dù có khác nhau nhưng chung quy lại đều thể hiện sự tôn trọng của học sinh đối với giáo viên và cũng thể hiện sự tôn trọng, thương yêu của giáo viên đối với học trò.

Do đó, cách xưng hô như thế nào để thầy trò cảm thấy thoải mái nhất, lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc là được. Không nên có quy định nào cho việc xưng hô trong lớp học.

Thầy Lê Xuân Bột chia sẻ, thầy sinh ra ở tỉnh Thanh Hóa, ở lứa tuổi học sinh, việc xưng hô giữa giáo viên và học sinh thường là “thầy, cô - con” hoặc “thầy, cô - trò”; “thầy, cô - em”. Khi tốt nghiệp ra trường, vào học cao đẳng, đại học thì cách xưng hô có chút thay đổi “thầy, cô - anh, chị” hoặc thầy cô lớn tuổi cũng xưng hô với sinh viên “thầy, cô - con” hoặc “thầy, cô - em, các em”.

Khi thầy vào Nam công tác, việc xưng hô có nét đặc thù riêng của vùng miền, đa phần giáo viên xưng hô với học sinh là “thầy, cô - con”, nhất là ở cấp mầm non, tiểu học. Ở cấp THCS, THPT việc xưng hô giữa thầy - trò như “thầy, cô - em” hoặc “thầy, cô - trò, các trò”…

Thầy Lê Xuân Bột cho rằng, xưng hô trong học đường hiện đã vào khuôn khổ, được nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh quen thuộc và áp dụng như một thói quen. Từng vùng miền cách xưng hô trong nhà trường có khác nhau nhưng nhìn chung đều rất tốt.

Ở lứa tuổi mầm non, tiểu học, cách xưng hô phù hợp nhất vẫn là “thầy, cô - con” để thấy được sự yêu thương con trẻ ở lứa tuổi cần được yêu thương, chăm sóc.

Đến cấp THCS, THPT cách xưng hô “thầy, cô - trò” hoặc “thầy, cô - em” là phù hợp nhất. Nếu giáo viên lớn tuổi, việc xưng hô “thầy, cô - trò” hoặc “thầy, cô - con, các con” đều phù hợp. Cách xưng “con”, xưng “em” với thầy cô giáo chỉ thể hiện tình cảm, sự trân trọng của người học sinh dành cho những ai dưỡng dục mình.

Việc các thầy cô gọi học sinh là “con” sẽ chẳng thể tác động hay ảnh hưởng xấu gì đến đạo đức của nhà giáo. Đặc biệt, người Việt có truyền thống trọng nghĩa, trọng tình và trọng tuổi. Với giáo dục, từ nhiều thế hệ trước, chúng ta đã có câu, “Tôn sư trọng đạo”, “Tiên học lễ hậu học văn”...

Ở bối cảnh nhà trường, cách thức xưng hô không thể ảnh hưởng đến giáo dục, hay chất lượng giáo dục. Cách xưng hô giữa thầy cô và học trò đã trụ vững qua thời gian, gắn bó mật thiết với tinh thần “tôn sư trọng đạo” của người Việt.

Khéo léo xưng hô một cách phù hợp

“Từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt của chúng ta rất đa dạng và phong phú. Chính vì thế mà cách xưng hô cũng rất đa dạng, nhiều khi là theo thói quen, theo cảm xúc của những người giao tiếp.

Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục thì mối quan hệ thầy - trò có những nét rất riêng mà mỗi thầy, cô giáo cũng cần chú ý để xưng hô với học trò một cách phù hợp nhất trong bất kỳ hoàn cảnh nào. 

Nhà giáo Lê Xuân Bột.
Nhà giáo Lê Xuân Bột.

Một khi thầy cô dùng từ ngữ xưng hô phù hợp sẽ tạo cho học trò bắt chước, học hỏi và tạo nên văn hóa ứng xử học đường được tốt đẹp hơn. Điều này, cũng góp phần làm cho môi trường giáo dục thêm hạnh phúc và nhân ái với nhau hơn”, thầy Lê Xuân Bột nhấn mạnh.

Thầy Lê Xuân Bột chia sẻ, đối với việc thầy, cô giáo gọi học trò là “em” hay “con” đều phù hợp và tất nhiên không thể nói gọi “con” là tình cảm hơn mà gọi là “em” thì ít tình cảm hơn mà đó cách xưng hô thông thường giữa thầy, cô giáo với học trò của mình theo từng khu vực nhất định.

Ngôn ngữ tiếng Việt đa dạng, xưng như thế nào, hô như thế nào cũng có thể đạt được mục đích giao tiếp. Môi trường học đường thì ngôn phong của thầy cô giáo, học trò cần nhẹ nhàng, tình cảm, tôn trọng nhau và ứng xử phù hợp.

Xưng hô trong học đường không chỉ là một hoạt động giao tiếp. Trong nó còn thể hiện sự chuẩn mực, văn hóa và sư phạm. Đặc biệt với nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục học sinh trưởng thành theo từng bậc học, thì ngoài việc xưng hô thể hiện sự đùm bọc, thương yêu, còn hàm nghĩa định danh đối với học sinh, đánh giá mức độ trưởng thành của các em.

Ở các bậc học thấp thì giáo viên dùng từ “cháu, con”; lớn hơn thì dùng từ “em”; cao hơn thì dùng “anh, chị”. Trong mọi trường hợp, từ phổ quát nhất là “em”. Để làm được điều đó, hơn ai hết, tự bản thân của mỗi nhà giáo cần một chút tinh ý, khéo léo khi giao tiếp...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.