Quy định cách xưng hô với học sinh: Khiên cưỡng?

GD&TĐ - Từ một bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội với dòng chữ “Chào mừng các con học sinh trở lại trường học”, cuộc tranh luận về cách xưng hô của thầy cô với học sinh một lần nữa được xới lại.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Nhiều quan điểm về xưng hô trong trường học

Trên trang cá nhân, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ quan điểm: Yêu cầu giáo viên và cán bộ giáo dục không gọi học sinh là “con”.

Ông cũng mong Bộ GD&ĐT sớm có quy chế về xưng hô trong nhà trường nói chung mà trước hết là nhà trường phổ thông, trong đó điều thiết yếu là giáo viên không gọi (xưng hô) học trò là "con", "các con"; phải gọi là "trò", "các trò", "các em", "các bạn". Yêu cầu các phương tiện truyền thông không gọi học trò mọi cấp (từ mẫu giáo đến đại học) là "các con", "con", khuyến gọi học sinh là "các bạn".

Cũng theo ông Lại Nguyên Ân: Các viên chức tại các giao tiếp sự vụ và công cộng, phải gọi người dạy học là "giáo viên", "giảng viên", không gọi là "thầy", "cô"; dành riêng cho học trò, người đang đi học cách gọi "thầy giáo", "cô giáo". Khuyến khích học trò các cấp, nhất là sinh viên đại học, xưng "tôi" trước giáo viên, ngay cả trong không gian trường học.

Quan điểm của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của học sinh, giáo viên, phụ huynh. Những người tán thành quan điểm này cho rằng, cần thay đổi cách xưng hô "thầy/cô-con" để tránh nhầm lẫn với con, cháu trong gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, không nên quá quan tâm, quan trọng hoá vấn đề xưng hô vốn đáng quen thuộc trong các nhà trường.

Luật Giáo dục Việt Nam không có quy định cụ thể phải xưng hô như thế nào, bằng các từ ngữ gì, với từng đối tượng trong trường học. Song luật có quy định người dạy học phải tôn trọng nhân cách người học. Sự tôn trọng ấy thể hiện cả trong việc xưng hô, trong việc giao tiếp. Như thế bản thân mỗi giáo viên phải tự tìm cách giao tiếp cho thật sự sư phạm, cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Xưng hô trong học đường không chỉ là một hoạt động giao tiếp đơn thuần, nó đòi hỏi có sự giao tiếp chuẩn mực, trong sáng, thể hiện sự chuẩn mực, văn hóa và sư phạm.

Đặc biệt, với nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục học sinh trưởng thành theo từng bậc học, thì ngoài việc xưng hô thể hiện sự đùm bọc, thương yêu, còn hàm nghĩa “định danh” đối tượng học sinh, đánh giá mức độ “trưởng thành” của các em. Nếu học sinh còn quá nhỏ tuổi mà xưng hô từ “anh”, từ “chị” thì không ổn. Tuy nhiên, học sinh đã lớn tuổi như ở bậc THPT mà xưng “con”, xưng “cháu” thì cũng không ổn bởi nhiều thầy cô mới ra trường cũng chỉ hơn học sinh khoảng 5 – 6 tuổi.

Ảnh minh hoạ/INT.
Ảnh minh hoạ/INT.

Quy định cách xưng hô là khiên cưỡng

Nêu quan điểm về cách xưng hô trong trường học, TS. Vũ Thu Hương – nguyên giảng viên Trường dại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Thực tế, việc xưng hô với học sinh trong nhà trường là "con" hay "em",... không có văn bản nào quy định cả, hoàn toàn tùy thuộc vào từng giáo viên và các học sinh. Chủ yếu là từ giáo viên. Khi tôi còn giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi thường xưng hô "tôi/các em" với sinh viên chính quy (đi học đúng tuổi nên tuổi tầm 18 - 22) và "tôi/anh, chị" với các học viên tại chức, cao học, từ xa... (những học viên vừa làm vừa học). Đôi khi, có vài sinh viên, theo thói quen từ cấp phổ thông cũng xưng "con" khi trao đổi với tôi. Nhưng sau khi thấy cách xưng hô của tôi, các bạn ấy đã tự động điều chỉnh lại.

Trong cơ quan tôi, cũng có nhiều các giáo viên/giảng viên xưng hô khác nhau. Như vậy, cùng 1 sinh viên, việc xưng hô với từng giảng viên cũng khác nhau. Do đó, nếu quy kết cách xưng hô ảnh hưởng đến người học là hoàn toàn không đúng. Trong quá trình học, các bạn trẻ sẽ thay đổi cách xưng hô theo phong cách riêng của từng giáo viên trực tiếp giảng dạy họ. Nghĩa là một người học có thể xưng hô nhiều cách khác nhau, tùy từng thời điểm với từng giáo viên khác nhau.

Bản thân tôi, trong quá trình đi học, chúng tôi cũng xưng hô thay đổi tùy theo thầy cô giáo. Hiện giờ, khi làm công việc trợ giúp các phụ huynh và bọn nhỏ, tôi vẫn xưng "bác/con" với học sinh mầm non. Đây là cách xưng hô tôi lựa chọn với đám học sinh nhỏ tuổi (nhỏ tuổi hơn con gái tôi nhiều lần). Bọn nhỏ cũng ngay lập tức hiểu điều này và gọi tôi là bác Hương, thay cho cô giáo hay bà giáo. Sau khi ngừng học, đến ngày lễ Tết, qua chơi với tôi, bọn nhóc vẫn gọi "bác Hương", xưng là con hoặc cháu. Rõ ràng, cách xưng hô tùy thuộc vào nhà giáo và chẳng ảnh hưởng gì đến các học sinh.

Việc này vốn dĩ là chuyện nhỏ và theo thói quen của từng giáo viên. Tôi nghĩ, đây là đặc thù và lựa chọn của từng nhà giáo, vậy nên không ảnh hưởng gì nhiều đến trẻ. Do vậy, chúng ta cũng nên tôn trọng và để nhà giáo được tự do lựa chọn cách xưng hô. Họ rất cần những sự tôn trọng như thế.

Còn cô Nguyễn Thị Thuý Minh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ - Hà Nội) chia sẻ: Theo tôi, đối với bậc mầm non, tiểu học xưng hô “thầy/cô – con” thể hiện được tình cảm, gần gũi hơn. Bậc THCS, THPT thì nên thay đổi cách xưng hô cho phù hợp vì học sinh lớn rồi. Có thể xưng hô “thầy/cô – các em/các bạn”,…

Cô Thuý Minh cũng nhất trí quan điểm cho rằng, không nên quy định bắt buộc cách xưng hô của giáo viên với học sinh. Có thể tuỳ thuộc văn hoá vùng/miền, ngữ cảnh để giáo viên thay đổi cách xưng hô với học sinh cho phù hợp. Điều chúng ta nên quan tâm đó là thái độ thân thiện, gần gũi và tôn trọng người học, phù hợp văn hoá và có tính sư phạm cao.

Hiên nay, ngoài cách xưng hô “thầy/cô – con” phổ biến ở bậc học từ mầm non đến THCS, trong các bậc học nói chung, cách xưng hô phổ quát, trung hoà nhất là “thầy/cô - em”. Để giao tiếp thể hiện sự tôn trọng học sinh và văn hoá sư phạm, hơn ai hết, tự bản thân của mỗi giáo viên cần luôn tinh tế, cân nhắc khi giao tiếp với học trò, hướng tới một môi trường hoạt động giao tiếp trong sáng, lành mạnh nơi trường học...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...