Bọn trẻ mân mê bộ sách mới. Chúng trang trí quyển vở, rồi ngắm nghía, rồi khoe. Đặc biệt hơn với những học trò đầu cấp nhất là lớp 1 khi lần đầu được “lớn hơn” trong môi trường mới.
Để bước chân đầu vững vàng
Bước vào mùa thu, thế là nhiều trẻ em sẽ bước vào tiểu học. Rất nhiều cha mẹ đang vất vả, lo lắng chuẩn bị cho con. Lần đầu bé đến trường để học chứ không phải là trường mẫu giáo, nơi con được chăm bẵm, được tự do.
Thực ra, không chỉ ở thành phố, ngay từ khi mùa xuân đến, các bạn 5 đến 6 tuổi đã được bố mẹ háo hức chuẩn bị tinh thần cho vào lớp 1 rồi. Tôi thấy đa số bố mẹ chọn việc học chữ, cầm bút, làm toán cho con. May là tôi đã có hai con và rất nhiều bạn nhỏ được tôi hỗ trợ đều đã qua lớp 1 một cách nhẹ nhàng và vững vàng, nên những gì tôi chia sẻ không chỉ là giáo điều, sách vở nữa. Tôi xin chia sẻ rằng, không phải học chữ trước, học tính trước sẽ giúp trẻ vững vàng vào lớp 1 đâu. Những điều sau đây mới thực sự cần:
+ Có nền nếp sinh hoạt cá nhân tốt: Thật ra, từ trước đó trẻ đã cần có điều này rồi. Vào 5 tuổi, trẻ cần có thói quen: Thức – ngủ, ăn uống điều độ, tự phục vụ được (tự ăn, tự dọn dẹp, tự đánh răng, tự rửa mặt, tự xếp đồ, tự quản…). Nếu con bạn mà chưa có nền nếp, thì khi đi học sẽ rất khổ cho bé. Bé sẽ thấy khó khăn khi hòa nhập, thấy sợ trước những yêu cầu của nhà trường, thấy ngợp trước sự trưởng thành của các bạn. Bé đã quen tự do, quen được chăm bẵm, thế là thấy chán, thấy nản khi đi học. Và đây là nguyên nhân khiến bé khó hòa nhập và không thích đến trường.
+ Bé có sức khỏe, kĩ năng vận động tốt. Bé không cần cao lớn hay béo đẹp. Bé khỏe chính là không ốm vặt, không ngại ăn đồ đa dạng, vận động tốt. Tôi từng tiếp xúc với nhiều bé ốm và còi. Không phải do thể chất của bé, mà do cha mẹ quá tập trung vào trí não, khiến bé không có cơ hội được rèn luyện. Chúng ta hãy giúp trẻ có đôi tay vững để cầm bút chứ không phải cầm bút sớm, khiến tay bé không vững. Tôi thường khuyên cha mẹ mua cho con những quả trứng (gỗ hoặc đá) để tập tay, rồi tập dùng kéo, dùng dao (an toàn)… để khiến vận động tinh xảo hơn.
+ Bé chịu khó suy nghĩ. Tập cho bé tư duy chứ không phải biết thật nhiều. Tôi thấy việc đi học trước rất sai lầm nếu chúng ta chăm chú dạy cho bé kiến thức. Hãy cho bé thói quen có hứng thú, khám phá học tập cho bản thân, chịu khó quan sát, tìm tòi, suy nghĩ chứ không phải là thuộc lòng hay làm các phép tính tốt. Vì thế, tôi chỉ muốn trao cho các bé cơ hội tư duy thôi. Hơn nữa, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, học trước kiến thức khiến bé có cảm giác chán học (giống như chán ăn nếu phải ăn lại), từ đó lười suy nghĩ.
+ Tôn trọng người khác. Vào tiểu học, bé không thể được chiều, được chăm như ở nhà hay ở trường mẫu giáo. Trẻ cần được học cách sống trong cộng đồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và tự đấu tranh. Nhiều bé cậy khỏe bắt nạt bạn. Nhiều bạn nhút nhát thì sợ bị bắt nạt. Cả hai điều đó đều gây hại cho quá trình phát triển tâm lí của trẻ. Cha mẹ cần chuẩn bị cho con hiểu biết và tập tôn trọng người khác. Không phải ý kiến của mình, đòi hỏi của mình là trên hết. Cũng không phải mình cần im lặng vì mình là kẻ yếu.
Lên lớp để được “lớn”
Con gái lớn của tôi đã học lớp 8. Con gái nhỏ đã học lớp 6. Mùa hè năm nay dài đằng đẵng vì những đứa trẻ của tôi ở trong nhà, học ở nhà, hẹn bạn qua màn hình máy tính. Nhưng để đến ngày học đầu tiên của năm mới, chúng đã đếm từ trước đó cả tháng rồi. Ngày hôm qua, Dương Cầm còn “bắt” bố Minh đi in ảnh của các bạn lớp 5. Con muốn làm album cả lớp, để mời các bạn dự khai giảng cùng. Cả tuần rồi, con tìm cách nhắn tin, gọi điện để xem từng bạn học ở lớp nào, trường nào. Cô gái bé nhỏ ít nói của tôi nói rằng: “Dù con đi học rồi, nhưng khai giảng vẫn là bắt đầu mẹ ạ. Giống như quần áo mới ấy, đợi đến Tết mặc mới vui”.
Những đứa cháu của tôi cũng đã bắt đầu vào lớp 1. Các con ngồi trước màn hình máy tính, làm quen với cô, làm quen với các bạn, các con giơ tay, ngồi nghiêm túc và ngóng chờ. Ngoài khuôn hình ấy, là mái tóc xõa, là vầng trán nhăn và cả những tiếng thở dài của bà, của mẹ. Bọn trẻ không nhìn thấy, không nghe thấy, và chúng sẽ chẳng để ý đâu. Chúng đang háo hức trước những gì sinh động, chúng bị cuốn vào lời nói của cô, của thầy. Chỉ cần được dẫn lối, các bạn nhỏ sẽ bị cuốn hút và tin theo, cùng đi một con đường mới, mà chưa bao giờ chúng từng đi. Chúng tin vào những gì ở tương lai, và chẳng bao giờ nghi ngại. Bài học đầu tiên của một năm học mới. Tiết học đầu tiên của một ngày mời. Lời nói đầu tiên của một cuộc gặp gỡ mới. Thiêng liêng và đầy niềm tin.
Thật vui, thật lạ vì chúng ta lại bắt đầu. Không, chúng ta được cùng nhau bắt đầu. Điều đó mới là sự kì diệu. Ngày mai, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường dù chúng ta biết nó không bình thường như chúng ta vẫn tưởng tượng. Các bạn nhỏ hay lắm, các bạn khác chúng ta lắm nhé. Các bạn đang mong ngóng ngày đi học, dù không được tung tăng trong sân trường, không được nô đùa cùng bạn, thì chỉ cần lời hẹn “online”, để các bạn nhìn thấy nhau, nói cùng nhau, lén lút thầy cô làm “trò quỷ”, thế là đã xứng đáng cho mong ngóng đợi chờ.
Sự bắt đầu thiêng liêng thế. Sự bắt đầu có quyền năng diệu kì đến thế. Dù bất kì điều gì xảy ra, người lớn như tôi đây cũng cảm nhận được sự tuyệt vời này, thấy trân trọng và thấy mình có trách nhiệm để duy trì, để sự bắt đầu xứng đáng.
Nhỏ bé nhưng là bài học hạnh phúc
Khi tôi đi ngang qua hoặc chỉ nghe kể về những ngày tuyển sinh vào lớp 1, tôi hình dung những vất vả, lo âu, căng thẳng ganh đua, hay cả những toan tính của người lớn.
Như sáng nay, tôi thấy những đứa trẻ tung tăng, vui vẻ, thấy niềm hạnh phúc của trẻ lan sang cả bản thân mình.
Tôi cảm nhận trái tim mình rung lên khi thấy các giáo viên ở bàn đón tiếp, xòe đôi bàn tay ra, đứa trẻ đặt vào tay cô tấm phiếu hẹn. Cô trao lại cho chúng ánh mắt nhìn ấm áp. Cái bắt tay và nâng đứa trẻ nhìn về phía trước.
Đứa trẻ tự nhiên cầm tay người bạn chưa quen để cùng vào phòng đo nghiệm. Trong quang cảnh ấy, những đứa trẻ được bộc lộ mình rồi nhanh chóng hòa nhập. Chắc rằng chúng đang có niềm tin.
Rồi lũ trẻ rời khỏi phòng đo nghiệm. Cô giáo dẫn chúng đi một vòng để đến phòng đo thể chất. Chúng như bầy chim non. Kể cho nhau nghe về bản thân, phán đoán về những gì sắp tới. Có đứa vừa nãy còn khóc nhè, nhưng giờ thì vui lắm đấy. Tất cả đều tự tin.
Thầy hiệu trưởng cùng các thầy cô khác tạm biệt chúng bằng món quà là 1 hộp kem. Đứa trẻ thích ngọt ngào. Cách chúng được nhận sự ngọt ngào cũng “ngọt ngào” không kém.
Ai ở thời khắc đấy rồi cũng cảm nhận được sự hạnh phúc. Và nhất là cách tạo ra hạnh phúc cho trẻ thơ.