Giữ lại sự háo hức của ngày khai trường

GD&TĐ - Đà Nẵng đã chuẩn bị phương án để tổ chức khai giảng năm học 2021 – 2022 vào đúng 7 giờ sáng 5/9 cùng với cả nước.

Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) theo dõi chương trình Khai giảng trực tuyến qua máy tính. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) theo dõi chương trình Khai giảng trực tuyến qua máy tính. Ảnh: TG

Dù được thực hiện theo hình thức trực tuyến, nhưng thầy cô giáo đang nỗ lực để học sinh có một khởi đầu năm học đầy háo hức và hứng khởi trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho mùa khai giảng trực tuyến lần thứ 2 ở vùng dịch.

Phát huy kinh nghiệm

- Đà Nẵng đang trong những ngày thực hiện biện pháp chống dịch “ai ở đâu, ở yên đấy”. Xin ông cho biết, học sinh sẽ tựu trường và khai giảng như thế nào?

- Học sinh toàn TP Đà Nẵng vẫn khai giảng vào ngày 5/9 cùng với cả nước theo hình thức trực tuyến. Theo đó, 7 giờ ngày 5/9 sẽ là chương trình Chào năm học mới trên sóng DanangTV; 7 giờ 30 phút bắt đầu chương trình Khai giảng trực tuyến do các trường thực hiện; 8 giờ là chương trình trực tuyến giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh các lớp.

Chương trình tọa đàm “Đà Nẵng – Chào năm học mới” sẽ chia sẻ đến giáo viên và học sinh thông điệp đầu năm học cũng như công tác triển khai năm học mới 2021 – 2022 tại các trường học. Đây là năm thứ 2 Đà Nẵng buộc phải tổ chức tựu trường và khai giảng trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thầy cô giáo các trường học đều nỗ lực để có thể giữ cho học sinh sự háo hức, vui tươi và ý nghĩa của ngày khai giảng, dù là theo hình thức trực tuyến.

Năm học 2020 – 2021, các trường học ở Đà Nẵng đã tổ chức rất tốt lễ khai giảng trực tuyến. Bằng nhiều hình thức, tận dụng các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, nhóm chat hỗ trợ học trực tuyến… nhà trường đã chuyển tải hình ảnh cũng như thông điệp của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường - Khai giảng năm học mới đến toàn thể học sinh, phụ huynh.

VNPT Đà Nẵng đã hoàn thiện và ra mắt chức năng khai giảng trực tuyến trên Hệ sinh thái Giáo dục vnEdu mà các trường đang sử dụng. Chức năng này cho phép nhà trường chia sẻ các đường link phát trực tuyến khai giảng để phụ huynh, học sinh có thể tham dự kỳ khai giảng “đặc biệt” qua các thiết bị có kết nối Internet.

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng.
Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng. 

Chúng tôi kỳ vọng và tin tưởng tinh thần ấy sẽ vẫn được phát huy tại lễ khai giảng trực tuyến của năm học này trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

- Khai giảng là ngày vô cùng ý nghĩa, đặc biệt với học sinh đầu cấp. Vậy, địa phương có hướng dẫn, chỉ đạo các trường tổ chức tựu trường online cho học sinh khối lớp này như thế nào để tạo điểm nhấn, thưa ông?

- Năm học 2020 – 2021, vì “tựu trường” online nên ở bậc tiểu học và các lớp đầu cấp của THCS, THPT, giáo viên đã thành lập nhóm chat để gửi thông tin nhờ phụ huynh hỗ trợ. Giáo viên giới thiệu, giúp học sinh làm quen với chương trình học tập và giáo dục; phương pháp học tập và rèn luyện ở trường mới, lớp mới, môn học mới…

Có một số trường đã tự quay và dựng đoạn phim ngắn giới thiệu cơ sở vật chất của trường để giới thiệu đến học sinh. Một số trường tiểu học có clip giới thiệu kỹ về thầy cô giáo bộ môn, riêng giáo viên chủ nhiệm các lớp sẽ tự giới thiệu trên group của lớp để làm quen với học sinh.

Tùy theo điều kiện cụ thể, các trường sẽ chủ động và có phương án, hình thức tổ chức phù hợp để giúp học sinh bớt đi những bỡ ngỡ của giai đoạn chuyển cấp học. Khi dịch bệnh được khống chế, học sinh đến trường học trực tiếp, nhà trường sẽ có hình thức tổ chức đón phù hợp, giúp các em có khởi đầu tốt đẹp cho một năm học.

Với học sinh lớp 6 và 10, các trường có thể tạo tài khoản học tập mới từ danh sách các em đăng ký, nhập lên phần mềm vnEdu. Giáo viên chủ nhiệm sẽ liên hệ với số điện thoại trong hồ sơ đăng ký nhập học, yêu cầu học sinh tạo tài khoản Zalo để hình thành nên group của lớp. Các thông tin về tài khoản học trực tuyến, thời khóa biểu… được gửi trong group này.

Tạo dấu ấn khó phai

- Khai giảng trực tuyến năm học 2020 – 2021, Đà Nẵng có nhiều trường đầu tư làm rất tốt nhưng cũng có một số trường tổ chức đơn giản, sơ sài. Năm nay, Sở GD&ĐT có định hướng gì cho các trường trong khâu tổ chức?

- Ngoài Chương trình tọa đàm “Đà Nẵng – Chào năm học mới” do Sở GD&ĐT Đà Nẵng phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng thực hiện, nội dung khai giảng trực tuyến sẽ do các trường đảm nhiệm. Sở hướng dẫn các đơn vị, trường học xây dựng kế hoạch triển khai phương án tổ chức khai giảng năm học mới bằng hình thức trực tuyến như chuẩn bị đường truyền, mạng, thiết bị, phần mềm (Zoom, vnEdu, Microsoft Team…), tập huấn sử dụng phần mềm cho giáo viên, thành lập đội ngũ hỗ trợ kĩ thuật tại các đơn vị.

Quan điểm của Sở GD&ĐT Đà Nẵng là dù được tổ chức với hình thức trực tiếp hay “trực tuyến” thì ngày khai trường 5/9 vẫn phải là một ngày có nhiều dấn ấn khó phai trong ký ức của mỗi học sinh. Ngoài ra, cảm xúc từ ngày khai trường cũng sẽ truyền cảm hứng cho cả giáo viên và phụ huynh để bắt đầu một năm học mới. Chính vì vậy, sở động viên các đơn vị, trường học nên có sự chuẩn bị chu đáo. Dù được tổ chức trực tuyến vẫn cố gắng chuyển tải được không khí của Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.

Khai giảng năm học 2020 – 2021, dù được tổ chức theo hình thức trực tuyến, nhưng một số trường vẫn có clip Hiệu trưởng đánh trống khai trường, các tiết mục văn nghệ chào mừng năm học mới. Trường nào lưu trữ dữ liệu, hình ảnh tốt hoàn toàn có thể xử lý được nếu thành phố vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách ở mức độ cao.

- Xin ông cho biết, “Tuần lễ làm quen” của học sinh lớp 1 sẽ được tổ chức như thế nào trong điều kiện dịch bệnh, các em phải tựu trường và khai giảng trực tuyến?

- Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã có hướng dẫn về tổ chức “Tuần lễ làm quen” trong điều kiện học sinh vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp.

Theo đó, nhà trường chỉ đạo giáo viên lựa chọn những nội dung kiến thức, kĩ năng cốt lõi, cần thiết, hướng dẫn phụ huynh tổ chức giáo dục học sinh ở nhà phù hợp với điều kiện của gia đình, giúp trẻ sẵn sàng vào học lớp 1. Học sinh được hướng dẫn các nội dung như tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt bút, nối nét, cách cầm sách đọc; làm quen với các loại sách giáo khoa, vở, đồ dùng học tập... Các em được đọc các âm trong bảng chữ cái, đọc các số từ 0 đến 10... Ngoài ra, các em được hướng dẫn học kĩ năng giao tiếp, cách diễn đạt, trình bày với thầy cô, bạn bè, cha mẹ...

Sau tuần làm quen, khi vào chương trình nhưng học sinh chưa đến trường, các trường hướng dẫn giáo viên điều chỉnh kế hoạch, nội dung, soạn bài dạy học qua Internet phù hợp với thực tế, chú trọng đến đọc, viết và tính toán cho học sinh.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.