Xúc động những hiện vật ươm mầm 'hạt giống đỏ'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trường kỳ và toàn diện giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ươm mầm những 'hạt giống đỏ'.

Không gian trưng bày 'Những hạt giống đỏ'.
Không gian trưng bày 'Những hạt giống đỏ'.

Để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh trường kỳ và toàn diện giành độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ươm mầm những “hạt giống đỏ” - là những cán bộ đầu tiên của cách mạng.

Tận mắt thấy “Đường Kách mệnh”

Hàng trăm tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ ươm mầm hội tụ trong trưng bày chuyên đề “Những hạt giống đỏ” diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia từ ngày 19/12/2023 đến tháng 3/2024 nhân kỷ niệm 65 năm ra đời tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958 - 12/2023), hướng tới kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024).

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ ươm mầm, gieo trồng, đào tạo và những chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc.

Người xem được tìm hiểu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với việc đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua tác phẩm “Đường Kách mệnh”; các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc) và câu chuyện về đội ngũ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên.

Từ 1925 - 1927, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc đã tuyển chọn một số thanh niên Việt Nam yêu nước, thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, mở các lớp huấn luyện chính trị, đào tạo, chỉ ra cho lớp thanh niên giàu nhiệt huyết biết đâu là lối cần đi, đâu là những việc cần làm để giúp dân giúp nước.

Người đã ươm mầm, đào tạo cho cách mạng Việt Nam những “Hạt giống đỏ” - lớp cán bộ đầu tiên theo Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đây là những cán bộ chủ chốt, bộ phận quan trọng không thể thiếu trong tổ chức cốt lõi và góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Song hành với những câu chuyện lịch sử, người xem được chứng kiến những tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam - ngày 3/2/1930 gắn với vai trò quan trọng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những “Hạt giống đỏ” đầu tiên, như: Trần Phú, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Công Thu, Nguyễn Ngọc Ba, Phan Trọng Quảng, Phan Trọng Bình, Nguyễn Văn Lợi…

Nếu như nhiều người đã từng nghe hay từng xem hình ảnh bảo vật quốc gia “Đường Kách mệnh”, thì tại trưng bày “Những hạt giống đỏ” người xem sẽ tận mắt thấy tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc do Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu (Trung Quốc) năm 1927.

Khi được tận mắt thấy tác phẩm với cự ly gần, sự chân thật của từng dòng chữ, nét bút vẽ và mực in cách ngày nay tròn 96 năm, khơi gợi ở người xem sự xúc động cũng như tái hiện một quá khứ đầy gian nan nhưng vô cùng hào hùng.

Không còn là sự tuyên truyền đơn thuần, tác phẩm đã trở thành lối đi cho cả dân tộc, để ngày nay nền độc lập được đảm bảo, đất nước được vững bền, cũng là sự xứng đáng khi “Đường Kách mệnh” trở thành bảo vật quốc gia.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại lớp đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu. Tranh của Phi Hoanh.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại lớp đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam ở Quảng Châu. Tranh của Phi Hoanh.

Để người trẻ thêm yêu lịch sử

Trên bìa bảo vật quốc gia “Đường Kách mệnh”, người xem cũng thấy dòng mực đỏ Nguyễn Văn Hoan sưu tầm – 1958. Nguyễn Văn Hoan là nhà lão thành cách mạng, ông sinh năm 1907, mất năm 1991, ông cũng là một trong những “hạt giống đỏ”.

Năm 1927 ông tham dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giảng dạy tại Quảng Châu. Trở về nước hoạt động cách mạng, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án tù khổ sai, đày ra Côn Đảo năm 1930. Sau khi sưu tầm được cuốn “Đường Kách mệnh”, ông đã trao tặng lại cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Trưng bày còn mang đến cho người xem một bảo vật quốc gia khác là tác phẩm “Nhật ký trong tù” và hiểu câu chuyện xuất xứ của bảo vật này. Đó là một cuốn sổ tay nhỏ, kích thước 12,5cm x 9,5cm, gồm 64 tờ viết trên một mặt bằng mực Tàu, chủ yếu theo hàng dọc từ trên xuống, từ phải sang trái và 18 tờ để trắng.

Bảo vật quốc gia 'Đường Kách mệnh'.

Bảo vật quốc gia 'Đường Kách mệnh'.

Chiếc nồi của Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng nấu mực in tài liệu tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) năm 1939.

Chiếc nồi của Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng nấu mực in tài liệu tại huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) năm 1939.

Một phần rất quan trọng trong trưng bày là những tài liệu, hiện vật, hình ảnh, kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc.

Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”, các chiến sĩ vẫn kiên trung với cách mạng, coi gông cùm, đòn roi là ngọn lửa để tôi rèn ý chí.

Tại nơi tù ngục này, các đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng. Những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác - Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.

Thông qua trưng bày, người xem - đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu thêm về cống hiến của lớp thanh niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản ở Việt Nam. Từ đó nhận thức sâu sắc hơn vai trò của những “Hạt giống đỏ” được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ươm mầm, gieo trồng cho cách mạng Việt Nam.

Người xem cũng được ngắm những kỷ vật như đôi lọ lục bình đựng tài liệu, sách báo bí mật của Đảng, chuyển từ nước ngoài về Hải Phòng bằng đường biển trên tàu Pháp năm 1932. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhận và giao cho các cơ sở bí mật của Đảng trong nước. Bên cạnh đó là chiếc nồi của Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ dùng để nấu mực in tài liệu ở huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) năm 1939.

Theo Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trưng bày thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã cống hiến trí tuệ và mạng sống của mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước.

“Từ năm 1925 - 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên yêu nước. Lớp đầu tiên được mở vào khoảng cuối năm 1925 với 10 học viên, học trong 1,5 tháng. Đến tháng 4/1927 đã có 10 lớp học được tổ chức với 250 - 300 học viên. Đa số học viên học xong đã trở lại Việt Nam. Một số được gửi đi học tiếp tại Trường Đại học Phương Đông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gần một nửa học sinh Trường Tiểu học 2 xã Viên An đến trường bằng đò.

Lên đò theo đuổi sự học

GD&TĐ - Trường Tiểu học 2 xã Viên An, huyện Ngọc Hiển nằm cách TP Cà Mau hơn 100 km là một trong những ngôi trường khó khăn nhất tỉnh Cà Mau.