Người quay những thước phim cuối đời của Bác Hồ

GD&TĐ - Nhà quay phim, Trung tá Nguyễn Thanh Xuân là người vinh dự nhiều lần được gặp và ghi lại những hình ảnh thiêng liêng về Bác Hồ.

Trung tá Nguyễn Thanh Xuân (bên phải) tham gia quay phim tài liệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân.
Trung tá Nguyễn Thanh Xuân (bên phải) tham gia quay phim tài liệu về anh hùng Nguyễn Viết Xuân.

Những kỷ niệm khó quên

Năm 1952, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang bước sang giai đoạn khó khăn, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Xuân (SN 1931), trú tại xóm Liên Sơn, xã Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An), với lòng yêu nước nồng nàn đã xung phong lên đường nhập ngũ. Vào đơn vị Công binh 151 thuộc Sư đoàn pháo binh 351, Nguyễn Thanh Xuân tham gia vào nhiều trận đánh lịch sử như chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ…

Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, ông Xuân tiếp tục cuộc đời binh nghiệp với nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Năm 1961, nhờ khả năng tổ chức văn nghệ, lại nhanh nhẹn và có năng khiếu nên Nguyễn Thanh Xuân được chuyển về công tác tại Xưởng phim Quân đội nhân dân (Tổng cục Chính trị).

Thời gian đầu, ông Xuân chỉ được phân công phụ trách khói lửa cho những cảnh quay về chiến trường. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, ông lại mày mò chiếc máy quay phim của Liên Xô, tìm hiểu về thước ngắm, góc ảnh, tiêu cự, lấy nét… Về sau, thấy ông có năng khiếu lại ham học hỏi nên cấp trên cử ông đi học lớp nghiệp vụ về quay phim.

Trong cuộc đời làm phim của mình, điều mà ông Xuân hãnh diện là được bấm máy những thước phim về Bác Hồ. Mỗi lần nhắc lại, ký ức trong ông lại ùa về. Ấn tượng sâu đậm nhất với ông là lần Bác đến thăm trận địa pháo cao xạ tại đầu cầu Long Biên năm 1967.

Ảnh chụp Trung tá Nguyễn Thanh Xuân tác nghiệp cùng chiếc máy quay phim.

Ảnh chụp Trung tá Nguyễn Thanh Xuân tác nghiệp cùng chiếc máy quay phim.

Ông Xuân nhớ lại, khi Bác Hồ đến thăm trận địa, các chiến sĩ bộ đội ai cũng vui mừng. Bác vẫy tay chào mọi người rồi bước lên mâm pháo, lấy chiếc mũ sắt đội lên đầu.

Đây là mũ sắt của Nga sản xuất nên rất nặng. Bác hỏi: “Các cháu đội mũ này suốt ngày có đau đầu không?”. Bộ đội xúc động trả lời: “Chúng cháu không thấy nặng, lúc chiến đấu phải luôn luôn có mũ sắt ạ”.

Lúc bấy giờ, để biểu dương tinh thần các chiến sĩ, Bác rút hộp thuốc trong túi áo ra, phát cho mỗi người một điếu. Bác căn dặn, hút thuốc nhưng phải sẵn sàng chiến đấu, cố gắng bắn rơi thật nhiều máy bay địch.

“Điều đặc biệt, hộp đựng thuốc này được làm từ xác máy bay, bộ đội làm tặng cho Bác. Trước khi rời trận địa, Bác vẫy tay chào và không quên gửi lời chúc sức khỏe đến các chiến sĩ”, Trung tá Xuân kể lại.

Về sau này, trong quá trình công tác, Trung tá Xuân còn là người tham gia quay nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như: Chiến thắng Hàm Rồng, Nhằm thẳng quân thù mà bắn, Dưới cờ quyết thắng...

Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Xuân vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.

Mặc dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Xuân vẫn còn khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn.

Những thước phim vô giá

Trung tá Xuân kể, tối 29/8/1969, tổ của ông nhận lệnh vào Phủ Chủ tịch quay phim. Chưa bao giờ ông Xuân có tâm trạng hồi hộp như vậy bởi những lần trước, cả ê-kíp đều biết trước nhiệm vụ của chuyến đi. Còn chuyến này thì không, tất cả đều đến một cách bất ngờ.

Trước khi xuất phát, ông Xuân cẩn thận lau chùi 2 chiếc máy quay, chuẩn bị phim nhựa rồi lên xe. Đi cùng ông còn có nhà quay phim Trần Anh Trà và lái xe Hoàng Hè.

Khi đến Phủ Chủ tịch, biết Bác Hồ ốm nặng, ông Xuân không giấu được sự buồn rầu, hụt hẫng. Tuy vậy, đến chiều 1/9, niềm hy vọng của ông lại được nhen nhóm bởi có thể Bác Hồ sẽ xuất hiện trước toàn dân trong buổi lễ mít tinh mừng Quốc khánh 2/9. Cũng đúng lúc này, tổ quay phim của ông Xuân được vào quay phim Bác nhưng yêu cầu phải giữ khoảng cách, chỉ đứng từ xa quay.

“Khoảng 9 giờ 30 phút trưa ngày 2/9, thư ký Vũ Kỳ thông báo Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, chúng tôi được lệnh mang theo máy vào phòng bệnh quay phim. Lúc này, các bác sĩ, lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư… đứng gần Bác, không ai nén được nước mắt. Bản thân tôi cũng khóc, nhìn Bác qua ống ngắm mà nước mắt cứ chảy giàn giụa”, ông Xuân bùi ngùi nhớ lại.

Xác định nhiệm vụ quan trọng, ông Xuân kìm nén đau thương, sử dụng 2 máy quay liên tục, cố gắng quay lại thật nhiều hình ảnh quan trọng, thiêng liêng nhất về Bác. Đến trưa, khi xe cứu thương chở thi hài Bác về Viện Quân y 108, tổ quay phim lại được phân công ghi lại hình ảnh các chuyên gia Liên Xô tìm cách bảo vệ thi hài của Người.

Sau này, nghĩ về hoàn cảnh đặc biệt đó, ông Xuân cảm giác lo sợ khi chất lượng của những thước phim không đạt được như ý muốn. Tuy nhiên, vì mục đích ban đầu là quay phim “tư liệu” nên toàn bộ phim quay trong những ngày cuối cùng của Bác và trong lễ tang đều được thu lại, giấu kín.

Mãi 20 năm sau, đến năm 1989, bộ phim “Những giây phút cuối đời Bác Hồ” mới ra mắt. Bộ phim do đạo diễn Phạm Quốc Vinh của Xưởng phim Quân đội nhân dân thực hiện. Hôm công chiếu, ông Xuân rất bất ngờ và xúc động khi được xưởng phim mời ra Hà Nội để xem lại những thước phim do chính mình quay.

Ngồi trong khán phòng, nhìn những hình ảnh thân thương về Bác, nhìn lại nếp nhà sàn cũ, đôi dép cao su, chiếc ba toong, nhìn dòng người đứng lặng trong suốt quãng đường dài từ Nhà hát Lớn Hà Nội đến ngã 3 Tràng Tiền khi linh cữu Bác đi qua… ông Xuân không cầm được nước mắt.

“Ngày xưa, được gặp Bác Hồ là một mơ ước và vinh dự đối với tất cả người dân Việt Nam. Tôi có lẽ là người may mắn và hạnh phúc bởi được gặp Bác, được ghi lại những thước phim về người cha già của dân tộc”, ông Xuân hãnh diện.

Ông Xuân nghỉ hưu khi mang quân hàm Trung tá. Cứ đến những dịp kỷ niệm của dân tộc, ông lại đi một vòng làng Sen, làng Hoàng Trù để dâng hương hoa và tưởng niệm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cho đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 92, khi chân đã mỏi, đầu gối đã đau nhưng ông Xuân vẫn luôn nhớ và tôn thờ Người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ