Tấm lòng Bác Hồ với trẻ em qua thơ của Người

GD&TĐ - Thế giới thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng rộng lớn, phong phú. 

Bác Hồ với các thiếu nhi Việt Nam dự trại hè quốc tế ở Liên Xô. Ảnh: TTXVN
Bác Hồ với các thiếu nhi Việt Nam dự trại hè quốc tế ở Liên Xô. Ảnh: TTXVN

Trong thế giới nghệ thuật ấy, ta dễ dàng nhận ra sự quan tâm đặc biệt của Bác dành cho trẻ em. Bác không chỉ viết nhiều (cả trong thơ tiếng Việt lẫn thơ chữ Hán, về cả thiếu nhi Việt Nam lẫn thiếu nhi quốc tế) mà còn dành những tình cảm tốt đẹp dành cho thế hệ măng non yêu quý mà Người trìu mến gọi là “búp trên cành”.

Nỗi xót thương dành cho trẻ em cùng khổ

Bác Hồ vô cùng yêu quý trẻ con. Chính trong Thư trung thu năm 1952, Người khẳng định: Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh?. Bởi đó, gặp một mảnh đời con trẻ bất hạnh, Người thương cảm, xót xa. Trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, nỗi cơ hàn tủi nhục mà trẻ em phải chịu đựng khiến Người càng thêm đau đớn. Bác viết về trẻ em cùng khổ bằng tất cả tấm lòng thấu hiểu, cảm thông, thương xót.

Năm 1941, trong bài Trẻ con, Bác lên án những tội ác mà giặc Tây, Nhật đã gián tiếp gây ra đối với trẻ em Việt Nam: Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng bị bận thân cực lòng/ Học hành, giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công, cày bừa/ Sức còn yếu, tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ, lìa cha/ Đi ăn ở với người ta bên ngoài/ Vì ai đến nỗi thế này?/ Vì giặc Nhật với giặc Tây bạo tàn/ Khiến ta nước mất nhà tan/ Trẻ em cũng phải cơ hàn xót xa.

Năm 1942, Bác viết bài Trẻ chăn trâu. Một lần nữa Bác lại bày tỏ niềm xót thương trước những bất công, thiệt thòi của “con trẻ mục đồng Việt Nam” trong tình cảnh nước nhà rơi vào tay giặc: Vì ai ta chẳng ấm no?/ Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?/ Vì ai cha mẹ nghèo nàn?/ Vì ai nhà cửa, giang sang tan tành?/ Vì ai ngăn cấm học hành?/ Vì ai ta phải chịu vành dốt ngây?

Trong bài thơ này, Bác dùng hình thức lời hát của trẻ chăn trâu trên đồi. Và những câu hỏi trên là của chính các em. Nhưng độc giả vẫn cảm nhận được mỗi câu hỏi ấy như một nỗi đau nhói vào lòng Bác. Cuối bài thơ, Người viết thật cảm động: Ai nghe mà chẳng động lòng/ Khá thương con trẻ mục đồng Việt Nam.

Cùng với thiếu nhi Việt Nam, Bác Hồ kính yêu còn dành nhiều tình cảm cho thiếu nhi quốc tế. Trên những bước đường hoạt động cách mạng bôn ba nơi hải ngoại, đã không ít lần Bác chứng kiến và xót thương trước những cảnh đời trẻ em bị đối xử bất công, ngang trái.

Nằm trong nhà ngục Tân Dương (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc), một tiếng khóc “oa… oa… oa…” chưa nên lời của cháu bé mới được nửa tuổi phải theo mẹ vào tù vô cớ vì nạn bắt lính của chính quyền cũng làm Bác chạnh lòng, xót thương: Oa…! oa…! O-a a! Gia phạ đương binh cứu quốc gia/ Sở dĩ ngã niên tài bán tuế/ Yếu đáo ngục trung căn trước ma (Oa…! Oa…! Oaa…!/ Cha sợ sung quân cứu nước nhà/ Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi/ Phải theo mẹ đến ở nhà pha – Nam Trân dịch).

Trong bài thơ Bác ơi!, Tố Hữu đã viết thật sâu sắc về Người: Bác ơi tim Bác mênh mông thế/ Ôm trọn non sông, mọi kiếp người. Trong những kiếp người đau khổ trong xã hội bất công, có lẽ trẻ em bất hạnh là đối tượng khiến Bác xúc động nhất. Bởi đó, thơ Bác viết về trẻ em bất hạnh, dù để tuyên truyền cách mạnh hay để lên án kẻ thù, cũng chất chứa đầy nỗi lòng xót thương của Người và khiến độc giả không thôi ray rứt.

Bác Hồ vui múa hát với các cháu thiếu nhi tại vườn Phủ Chủ tịch nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh: TTXVN

Bác Hồ vui múa hát với các cháu thiếu nhi tại vườn Phủ Chủ tịch nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1960. Ảnh: TTXVN

Tình yêu thương bao la

Sinh thời, Bác Hồ từng bộc bạch: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả trẻ em Việt Nam đều là con của tôi”. Những lời tận sâu trong đáy lòng ấy của Bác cho chúng ta biết vì sao Người viết nhiều về trẻ, dành nhiều thời gian cho trẻ và yêu quý, nhớ thương trẻ em vô bờ đến thế.

Trong thơ, Người xưng “Bác”, “ta” và gọi trẻ em bằng những cách gọi thân thương, gần gũi và thật ấm áp: “trẻ em”, “trẻ con”, “con trẻ”, “nhi đồng”, “cháu”, “các cháu”, “cháu yêu”, “bầy con cưng”... Thơ Bác viết về/ cho trẻ em bao giờ cũng đầy yêu thương, ngọt ngào, trìu mến: Các cháu khôn lớn/ Bác rất vui lòng/ Thu này Bác gởi thơ chung/ Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa (Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng); Vở này ta tặng cháu yêu ta/ Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là (Tặng cháu Nông Thị Trưng); Bác gửi lại cháu/ Mấy chục cái hôn (Gửi cháu Lê Văn Thức); Gửi cháu cái hôn/ Và lòng thân ái (Gửi cháu Phạm Đỗ Hải).

Thơ về thiếu nhi của Bác còn chất chứa đầy nỗi nhớ thương sâu lắng của người Cha, người Ông kính yêu dành cho thiếu niên nhi đồng Việt Nam: Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng (Thư Trung thu năm 1951); Nhớ thương các cháu vô cùng (Gửi các cháu miền Nam).

Yêu quý trẻ con, Bác viết về trẻ con với những điều tốt đẹp nhất. Với Bác, trẻ em cũng như “búp trên cành”, là những gì thật non tơ, trong sáng, tươi đẹp, cần được thương yêu, trân trọng, nâng niu: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan (Trẻ con). Với Người, trẻ em cháu nào cũng đẹp xinh, ngoan ngoãn: Tính các cháu ngoan ngoãn/ Mặt các cháu xinh xinh (Thư Trung thu).

Không chỉ đối với thiếu nhi Việt Nam, với thiếu nhi thế giới, Bác cũng dành những tình cảm thương yêu, quý mến. Tháng 5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến làm việc tại Trung Quốc, được Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Đổng Tất Vũ đưa đi thăm Hoàng Sơn (tỉnh An Huy). Bác đã ở tại đây 18 ngày. Trước khi rời Hoàng Sơn, ông Vũ đã làm chùm thơ Biệt Hoàng Sơn tứ tuyệt để tặng Bác.

Để đáp lễ, Bác làm 6 bài thơ chữ Hán với nhan đề Hoàng Sơn nhật ký. Trong chùm thơ này, Bác dành riêng bài thứ 2 để nói về trẻ em ở Hoàng Sơn với những tình cảm yêu quý, trân trọng đặc biệt: Hoàng Sơn tiểu hài chân quai quai/ Kiến ngã tựu vấn “Bá bá hảo”/ Giáp như tần quả, chủy như hoa/ Đối ngã cảm tình chân nồng hậu (Hoàng Sơn các cháu thật là ngoan/ Hễ gặp tôi: “Cháu chào bác ạ!”/ Má như táo chín, miệng như hoa/ Tình cảm với tôi nồng thắm quá – Phan Văn Các dịch).

Có thể nói, Bác Hồ không phải là tác giả của văn học thiếu nhi, Bác cũng không phải là nhà thơ viết nhiều về trẻ em nhất nhưng với tấm lòng yêu thương vô hạn đối với trẻ em, Người đã viết nên nhiều vần thơ hay vào bậc nhất về trẻ em trong nền văn học nước ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch trong ngày Tết Trung thu năm 1961. Ảnh: TTXVN

Niềm tin, kỳ vọng của Bác dành cho trẻ em

Trong quan niệm của Bác Hồ, trẻ em không chỉ là búp non trên cành phải luôn được yêu thương, nâng niu mà còn là biểu tượng của tương lai dân tộc, là những anh hùng nhỏ tuổi của nước nhà, là một lực lượng quan trọng của cách mạng. Yêu quý trẻ em, Bác khẳng định vai trò, vị trí của trẻ em, đồng thời đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào các cháu.

Trước hết, Bác khẳng định truyền thống anh hùng của trẻ em Việt Nam. Qua hình tượng Thánh Gióng, người anh hùng nhỏ tuổi làng Phù Đổng, Người ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của thiếu niên nhi đồng Việt Nam: Thiếu niên ta rất vẻ vang/ Trẻ con Phù Đổng tiếng/ Tuổi tuy chưa đến chín mười/ Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương (Lịch sử nước ta). Người nhắc lại tấm gương người thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản để ca ngợi, khích lệ, động viên trẻ em nước Việt: Thật là một đấng anh hùng/ Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo (Lịch sử nước ta).

Trở về với thực tiễn quá trình hình thành và phát triển của cách mạng Việt Nam, Bác khẳng định những đóng góp đáng trân trọng của các cháu: “Nhi đồng cứu quốc” Hội ta/ Ấy là lực lượng, ấy là cứu sinh/ Ấy là bộ phận Việt Minh (Trẻ chăn trâu). Người khẳng định vai trò của trẻ em Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc: Người lớn cứu nước đã đành/ Trẻ em cũng góp phần mình một tay (Trẻ con).

Người dành sự kỳ vọng rất lớn cho trẻ em Việt Nam, nhất là trẻ em miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi (Gửi các cháu miền Nam). Và Người luôn kịp thời gửi lời khen ngợi, tuyên dương những cháu thiếu nhi đạt nhiều thành tích, chiến công trong học tập, chiến đấu. Đây là lời khen Bác dành cho cháu Phạm Đỗ Hải: Cháu làm liên lạc/ Bị giặc bắt được/ Lại trốn thoát ngay/ Mang hai lính Tây/ Về theo bộ đội/ Thế là cháu giỏi/ Biết cách tuyên truyền/ Bác gửi lời khen. Còn đây là lời tuyên dương của Bác dành cho cháu Lê Văn Thức: Cháu có can đảm/ Giơ súng dọa Tây/ Bắt nó hàng ngay/ Lấy được súng nó/ Vì thành công đó/ Bác gửi lời khen.

Dành nhiều tình yêu thương, sự quan tâm đối với trẻ em, thơ Bác luôn là những lời gửi tặng, hỏi thăm, tâm tình, sẻ chia để ân cần bảo ban, khuyên nhủ, động viên các cháu. Bác mong mỏi: Mong cháu ra công mà học tập/ Mai sau cháu giúp nước non nhà (Tặng cháu Nông Thị Trưng); Mong các cháu cố gắng/ Thi đua học và hành/ Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/ Tùy theo sức của mình (Thư Trung thu 1952). Bác khuyên bảo: Khuyên cháu gắng sức/ Học hành, công tác/ Tiến bộ luôn luôn (Gửi cháu Phạm Đỗ Hải); Khuyên cháu tập rèn/ Ngày càng tiến bộ (Gửi cháu Lê Văn Thức). Bác cổ vũ, động viên, thúc giục: Các cháu hãy xứng đáng/ Cháu Bác Hồ Chí Minh (Thư Trung thu 1952).

Bác nêu “phần thưởng” cao quý cho sự cố gắng, phấn đấu của các cháu: Bao giờ đánh đuổi Nhật, Tây/ Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng (Trẻ con). Người hòa chung niềm vui và hướng đến tương lai tươi đẹp, “trọn niềm vui” cùng trẻ em cả nước: Các cháu vui thay!/ Bác cũng vui thay!/ Thu sau so với thu này vui hơn (Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng). Có lẽ, trong nền thơ Việt Nam hiện đại, hiếm có tác giả nào dành sự quan tâm, thương yêu, tin tưởng, kỳ vọng cho trẻ em nhiều, sâu sắc như Bác Hồ.

Không chỉ chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ di sản thơ ca của Bác (2 bài thơ chữ Hán, 8 bài viết riêng cho trẻ trong tổng số 67 bài thơ tiếng Việt, chưa kể nhiều bài khác nhắc đến hình ảnh trẻ em), thơ viết về thiếu nhi của Người còn thành công trên nhiều phương diện. Trong đó, ngôn ngữ thơ giản dị, trong sáng, gần gũi; giọng thơ ấm áp, ân cần, trìu mến là những thành công nổi bật, để lại dấu ấn riêng của thơ Bác trong tiến trình phát triển của thơ viết về trẻ em trong văn học Việt Nam.

Chính tình yêu thương, nỗi nhớ mong và niềm tin tưởng lớn lao mà Bác dành cho thiếu nhi Việt Nam cũng như thiếu nhi quốc tế là mạch nguồn chủ đạo làm nên sức sống bền bỉ của những vần thơ chan chứa thương yêu dành cho trẻ em của Người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.