Kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2023)

Năm ấy, Bác Hồ về Cát Tường chống hạn

GD&TĐ - Ngày 14/1/1958, Bác Hồ về Cát Tường (Bình Lục - Hà Nam) thăm và dự hội nghị bàn về công tác chống hạn.

Bác Hồ tham gia tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội).
Bác Hồ tham gia tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội).

Đã 65 năm trôi qua, mỗi người dân ở Cát Tường vẫn xúc động và tự hào về hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại về với vùng chiêm trũng, nói chuyện, động viên bà con ra sức chống hạn. Nay ở nơi ấy, không chỉ có “cây đa Bác Hồ”, mà còn có Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhân dân tưởng nhớ và báo công lên Bác sau mỗi vụ mùa bội thu.

Chống hạn phải như chống giặc

Ngày 3/5/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Cần phải tiếp tục chống hạn” động viên cuộc đấu tranh rất gian khổ của bà con nông dân miền Bắc chống hạn hán và kết luận bằng câu thơ: “Muốn cho đời sống vui tươi/ Lúa đủ nước uống thì người thừa ăn”.

Trên cương vị lãnh tụ Đảng và nhân dân Việt Nam, Bác Hồ đã nhiều lần “xuống đồng” cùng nông dân chống hạn. Ngày 15/3/1959, Hồ Chủ tịch đã về thăm Nam Định và Ninh Bình nói chuyện về tình hình chống hạn và đẩy mạnh vụ chiêm. Bác căn dặn: Muốn chống hạn tốt, phải tùy từng địa phương mà làm việc đào mương, đào giếng, tát nước, giữ nước.

Mỗi xã phải có kế hoạch nhỏ của xã mình, và huyện, tỉnh phải có kế hoạch chung để điều hòa phối hợp. Trong khi chống hạn, phải đồng thời có kế hoạch phòng hạn, phòng úng. Cán bộ và nhân dân phải chống những tư tưởng bảo thủ, sợ khó, sợ khổ, ỷ lại.

8 giờ sáng 12/1/1958, có 4 chiếc xe màu đen chở phái đoàn Chính phủ về đỗ ngay tại trạm bơm Tả Thanh Oai (Thanh Trì - Hà Nội). Bà con đang tát nước gần cánh đồng Quai Chảo, biết Bác về thăm đã reo mừng chạy đến chào đón, nhưng Bác ôn tồn động viên mọi người trở về vị trí tiếp tục làm việc.

Bác Hồ thăm bà con nông dân đang đắp đập Cát Tường ngày 14/1/1958.

Bác Hồ thăm bà con nông dân đang đắp đập Cát Tường ngày 14/1/1958.

Nghe lời Bác, tất cả người dân ai về ruộng nhà nấy, tập trung tát nước. Sau đó, Bác Hồ lội qua sông Lán để trở ra xe, đến Đàn Thượng Lão, Bác dừng lại căn dặn cán bộ và bà con nông dân có mặt tại đó: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác”.

Những năm 1962 - 1963, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ gặp hạn hán, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Để động viên nhân dân chống hạn, Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện tại nhiều nơi, trong đó có làng Cống Xuyên, xã Quyết Tiến (nay là xã Nghiêm Xuyên, Thường Tín - Hà Nội).

Bác đã căn dặn rằng: “Bây giờ chống hạn là công việc quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh, chống hạn cũng như chống giặc, bởi vì giặc nó đốt, nó phá, còn hạn nó không đốt không phá nhưng kết quả là dân không có ăn, dân đói. Vì vậy, chống hạn phải như chống giặc, phải hết sức cố gắng, phải đồng tâm hiệp lực chống hạn cho kỳ được”.

Chiếc gầu tát nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng tát nước chống hạn tại cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, Thường Tín, tỉnh Hà Đông năm 1958.

Chiếc gầu tát nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng tát nước chống hạn tại cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, Thường Tín, tỉnh Hà Đông năm 1958.

Nơi “chống hạn khá nhất”

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Nam, đầu năm 1958, do thời tiết thất thường, địa phương nằm trong vùng bị hạn nặng, thiếu nước sản xuất trầm trọng. Nạn hạn hán đã kéo dài 4 - 5 tháng làm hàng vạn mẫu lúa mới cấy có nguy cơ héo cháy. Những nơi trũng nhất như Vụ Bản, An Nội, khu C (huyện Bình Lục) đều bị khô nẻ. Vụ sản xuất Đông Xuân đã muộn lại không có nước để cày cấy.

Trước tình thế cấp bách, Đảng bộ huyện Bình Lục hạ quyết tâm thắng hạn cứu lúa. Hàng vạn lao động được huy động nạo vét kênh, đắp đập qua sông Sắt để đưa nước từ cống Liên Mạc về tưới cho lúa (gọi là đập Cát Tường).

Ngày 14/1/1958, trong lúc nhân dân Hà Nam đang thi đua chống hạn thì được Bác Hồ về thăm. Tại Hội nghị sơ kết chống hạn được tổ chức tại hội trường Ủy ban hành chính tỉnh Hà Nam, Người đã khen ngợi nhân dân tỉnh Hà Nam trước kia vừa kháng chiến, vừa sản xuất rất anh dũng, mấy năm gần đây lại có nhiều thành tích chống hạn.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Cát Tường trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thôn Cát Tường trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Sau khi chỉ rõ nhiệm vụ chống hạn của tỉnh, Hồ Chủ tịch đã trao cờ luân lưu “Chống hạn khá nhất” cho Huyện ủy Bình Lục và 9 huy hiệu của Người làm phần thưởng cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.

Đến thăm bà con đang đắp đập Cát Tường, trước đông đảo nhân dân, Người nói: “Tỉnh bảo đắp 7 ngày, các chú phải rút thời gian sớm có nước cấy”. Thực hiện lời dạy của Bác, nhân dân Bình Lục đã hoàn thành việc đắp đập Cát Tường trong thời gian chưa đến 5 ngày.

Con đập dài 120m, bề mặt rộng hơn 2m, cao bằng mặt đê, chắn ngang sông Sắt, ngăn không cho nước đổ vào sông Ninh, tạo điều kiện giữ nước cứu hàng ngàn mẫu lúa chiêm đang bị khô hạn.

Trong năm 1958, nhân dân Hà Nam đã góp 434.721 ngày công để đào 486 con ngòi, đắp 57 con đường dài 414.982m và hoàn thành những công trình lớn như: Đập Cát Tường, mương Mạc Thượng, kênh Ben để dẫn nước vào đồng. Do vậy, diện tích cấy lúa chiêm năm 1958 đã đảm bảo 97,35% kế hoạch.

Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về dự Hội nghị sơ kết chống hạn và thăm đắp đập Cát Tường đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn thể nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh phong trào làm thủy lợi, chống hạn và đã đạt được kết quả tích cực.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng tại chính nơi Người đứng nói chuyện với bà con thôn Cát Tường (Bình Lục - Hà Nam).

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được dựng tại chính nơi Người đứng nói chuyện với bà con thôn Cát Tường (Bình Lục - Hà Nam).

Nhớ Bác, dân lập đền thờ

Kỷ niệm sự kiện ngày Bác Hồ về thăm, nhân dân địa phương đã trồng một cây đa ngay tại nơi Bác đứng nói chuyện cùng cán bộ và nhân dân đang đắp đập. Đến nay, tán đa đã sum suê tỏa bóng và được gọi với cái tên mộc mạc, bình dị: “Cây đa Bác Hồ”.

Con đập khi xưa tuy không còn nữa, bởi được khai thông ngay sau vụ chiêm năm 1958, trả lại dòng chảy cho sông Sắt. Dấu vết còn lại giờ đây chỉ là một phần ngắn ở hai đầu sát triền đê. Tại vị trí con đập xưa, nhân dân đã làm một cây cầu gỗ nối 2 thôn Cát Tường và Phú Đa.

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được người dân thôn Cát Tường và các xã xung quanh quy hoạch trên khu đất Bác từng đứng nói chuyện với bà con nơi đây. Nhằm đáp ứng mong mỏi của đông đảo nhân dân cũng như tri ân vị Cha già kính yêu của dân tộc, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nam đã tôn tạo lại cảnh quan, xây dựng đền thờ Người.

Đây cũng là địa điểm được UBND tỉnh Hà Nam thường xuyên tổ chức kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước, cũng như của tỉnh nhằm báo công lên Bác. Công trình tọa lạc trên khu đất rộng, được chia làm hai khu chính quay ra hướng sông Sắt. Khu A với diện tích 1.445 m2 gồm nhà bia, hồ nước, sân vườn hoa, bến sông ôm lấy cây đa. Khu B, diện tích 5.400 m2 bao gồm nhà tưởng niệm, sân vườn, bồn hoa, hồ nước.

Nhà bia được xây dựng theo kiểu phương đình, bố cục mặt bằng hình vuông, kiến trúc hai tầng, tám mái cong. Chính giữa nhà bia đặt tấm bia ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm cán bộ và nhân dân nơi đây khi đang đắp đập Cát Tường. Đền thờ Bác được xây dựng trên khuôn viên 5.400 m2 với nhiều hạng mục công trình. Công trình ngoài cùng là nghi môn đá.

Nghi môn được tạo bởi 10 cột trụ sắp đặt cân xứng. Chính giữa sau nghi môn khoảng 3m là bức bình phong đá cao 3m, dài 9m, mặt trước chạm phù điêu tái hiện lại không khí náo nhiệt của công trường đắp đập Cát Tường với hình ảnh trung tâm là Bác Hồ đứng giữa nói chuyện với bà con.

Phía sau bức bình phong là hồ nước thả sen, sân đền. Công trình chính là ngôi đền 7 gian 2 chái, hai tầng mái cong. Các bộ vì nóc đều được tạo tác bằng gỗ lim theo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị. Gánh đỡ các bộ vì là hệ thống cột bê tông giả gỗ. Toàn bộ công trình cao hơn mặt sân 1m, hiên rộng 2,1m được bó vỉa và bao bằng hàng rào đá xanh.

Theo ông Lã Quốc Toản - nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Lục, công trình đắp đập dẫn nước tại thôn Cát Tường là chứng nhân lịch sử cho một giai đoạn đầy khó khăn trong những ngày đầu tái thiết đất nước. Sự kiện Bác Hồ về thăm minh chứng cho tấm lòng vì dân vì nước, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần to lớn.

Địa điểm này còn có ý nghĩa như một nơi lưu dấu sự kiện và nhân vật lịch sử, minh chứng cho quyết tâm kiến thiết đất nước, ổn định đời sống của người dân dưới sự dẫn dắt của Đảng, của Bác Hồ. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống địa phương cho thế hệ trẻ ngày nay.

Xuất phát từ việc nhận thức những giá trị to lớn cũng như tầm ảnh hưởng của di tích đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, năm 2009 UBND tỉnh Hà Nam đã ra quyết định xếp hạng Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là di tích lịch sử cấp tỉnh. Sau đó, được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Ngày 12/1/1958, Bác Hồ cùng một cán bộ Trung ương đến xã Đại Thanh, Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Thanh Trì, Hà Nội) nhưng không báo trước. Đến nơi, nông dân cùng bộ đội đang chống hạn bằng nhiều công cụ lao động khác nhau như guồng nước, gầu sòng, gầu dai… Người tự tay xách dép, xắn quần lội xuống đồng. Các chiến sĩ đang chống hạn đề nghị lấy đất khô rải xuống đường cho Bác đi đỡ trơn, nhưng Người không đồng ý. Bác Hồ đã chỉ đích danh đồng chí Vũ Quý - Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông cùng tát nước đôi với mình. Thấy đồng chí Bí thư còn lóng ngóng so dây gầu, Bác vừa tát nước vừa dạy cách tát: “Phải kéo bằng dây trên, đổ bằng dây dưới”. Cũng từ đó, phong trào “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” được phát động, nhân rộng và lan tỏa hiệu quả đến các địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ