Cô giáo chảy nước mắt nhận túi khoai trò tặng ngày 20/11
Là giáo viên trẻ cắm bản tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ, nhiều năm gắn bó với học trò vùng khó, cô Tạ Thị Sơn Minh Thu - Giáo viên trường tiểu học xã Tân Minh (huyện Thanh Sơn) – chia sẻ rất thật: Ngày 20/11 sắp đến, tôi không mong nhận được những món quà đắt tiền, bởi học trò còn không đủ quần áo đến trường, bố mẹ chúng không đủ cơm ăn, áo mặc thì việc cho các con đi học đã là quá sức rồi.
Đối với tôi, món quà mong mỏi nhất, đơn giản chỉ là các em đừng bỏ lớp, bỏ trường mà thôi...
Vô giáo Tạ Sơn Minh Thu |
Kỷ niệm đẹp nhất của cô Thu trong ngày đặc biệt của nhà giáo là cách đây 5 năm, khi được phân công dạy tại điểm trường khu B (cách trung tâm xã gần 4 km).
“Hôm đó, trong cái lạnh đầu mùa đông kèm theo mưa phùn lất phất, một nhóm học sinh ăn mặc phong phanh, nhiều em môi thâm tím, tay xách túi khoai đến tặng các cô giáo trong trường.
Tiếng những đứa trẻ lí nhí trong cổ họng, thẹn thùng nói lời chúc mừng khiến tôi trào nước mắt vì hạnh phúc. Tôi dang rộng vòng tay ôm các học trò vào long, nghẹn ngào nói trong dòng nước mắt: Cô cảm ơn các con! Các con ngoan là món quà quí giá nhất trong ngày nhà giáo Việt Nam của cô rồi!
Cuốn sách học trò và lời nhắn cùng cố gắng!
Cô giáo Tô Thị Thắm (Trường THPT Tam Nông, Phú Thọ) thì nhớ mãi những năm đầu được điều động về công tác tại trường THPT Tam Nông sau gần 4 năm giảng dạy tại Trường THPT Trung Nghĩa.
Cô kết: Vừa về trường mới, tôi đã được phân công bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi lớp 12. Gần 2 tháng sau thì đến ngày 20/11, lúc đó tôi rất bất ngờ có một học sinh trong đội tuyển tới thăm và tặng cho tôi cuốn sách: Chicken soup for the soul và nói với tôi rằng: Chúng ta cùng cố gắng cô ạ!
Chính cuốn sách và lời động viên đã tiếp cho tôi một sức mạnh, giúp tôi cảm thấy tự tin mình có thể làm được tất cả.
“Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay, điều khiến tôi vui nhất là được nghe từ chính những học sinh của mình, những em đã ra trường nói rằng mình đã ổn, đã làm quen được với môi trường mới và cảm nhận được lựa chọn của các em là đúng đắn” – cô Tô Thị Thắm chia sẻ.
Thầy Dương Văn Bảo và các thầy cô giáo Trường THPT Tam Nông |
Cũng công tác tại Trường THPT Tam Nông, nhiều năm gắn bó với nghề giáo, thầy Dương Văn Bảo nhớ mãi 20/11 đầu tiên khi ra trường.
Thầy kể: Nhà xa, hôm nào tôi cũng phải đạp xe 17 km đến trường và lội qua một đoạn đường ngập đến cổ gần 1 km. Một lần, trên đường từ trường về nhà, tôi và một cô học trò lớp chủ nhiệm cứ nhường nhau và cuối cùng thầy trò đã che chung một mảnh áo mưa và hai thầy trò đều ướt. Cô học trò hiện nay cũng là cô giáo dạy một trường tiểu học ở huyện Thanh Thủy. Đã 33 năm trôi qua nhưng khi nhớ lại ngày đầu tiên đó, tôi vẫn cảm thấy nó như vừa mới hôm qua.
Làm công tác quản lý, mong mỏi trong ngày nhà giáo thì nhiều, nhưng có lẽ điều trăn trở nhất hiện nay của thầy là các nhà giáo sống được bằng nghề để dành thời gian, tâm huyết cho các thế hệ học sinh.
“Trường THPT Tam Nông lọt vào tốp 200 trường dẫn đầu về chất lượng trong toàn quốc. Mong xã hội hiểu và chia sẻ nhiều hơn với những khó khăn của nhà trường nói riêng và sự nghiệp giáo dục cả nước nói chung” – thầy Bảo mong mỏi.
Thành công của học trò luôn là món quà tuyệt vời nhất
Nhiều năm liền đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử tỉnh Phú Thọ do cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trường THPT chuyên Hùng Vương) trực tiếp phụ trách đạt 100% giải. Dạy học các học sinh có tố chất, tài năng là may mắn cũng là áp lực với người thầy. Cũng giống như nhiều đồng nghiệp, món quà ý nghĩa nhất với cô Thủy không gì quý giá hơn sự trưởng thành, tiến bộ của học trò.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy và học trò |
“Cứ mỗi dịp 20/11, mong lắm nhận được những lời tri ân của từng lớp học sinh thành đạt trở lại thăm trường, thăm cô. Hay vào dịp này, các cô cậu học sinh nổi tiếng khó bảo, ngang bướng bỗng tặng cô một "bông hoa" điểm tốt hay một việc làm ý nghĩa thì đó là điều vô cùng hạnh phúc” – cô Thủy tâm sự.
Trải lòng về nghề dạy học, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy cho rằng, trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Do vậy để triển khai thành công đổi mới căn bản và toàn diện về GD&ĐT, cần chọn giải pháp đột phá là tập trung đầu tư cho đội ngũ nhà giáo.
Nhà nước có chế độ chính sách để tạo động lực và hiệu quả làm việc. Bản thân giáo viên cũng phải tự đổi mới, tích cực tự học, tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, lối sống, tác phong.
Đặc biệt, mỗi giáo viên phải luôn năng động, sáng tạo trong cách tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cũng phải khuyến khích học sinh tư duy phản biện và tư duy sáng tạo. “Muốn vậy, mỗi giáo viên phải có sự thay đổi tư duy, đổi mới cách dạy học” – cô Thủy nhấn mạnh.