Những ngày 20-11 đong đầy cảm xúc

GD&TĐ - Cuối thu, đầu đông, nhà giáo có một lễ hội đặc biệt - ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 - một ngày nhắc nhở xã hội về tấm gương đạo đức, những cống hiến to lớn của người thầy, nhắc nhở học trò về đạo đức tôn sư trọng đạo. 

Những ngày 20-11 đong đầy cảm xúc

Vào ngày này, những người thầy dành cả đời cho phấn trắng, bục giảng ghi lại dòng cảm xúc bồi hồi, xúc động; trong đó có cả một khoảng trời hoài niệm về cuộc đời dạy học vất vả nhưng hạnh phúc; ký ức thật đẹp, thật xúc động về ngày 20/11 - ngày đặc biệt dành riêng cho mình.

Thầy Nguyễn Quốc Hùng M.A - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội: Người thầy "Nắng bốn mùa"

Nhớ lại những ngày 20/11 xa xôi, tôi và đồng nghiệp tại Trường ĐH Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội) sau khi dự các buổi gặp mặt đáp lại ân tình của học trò, thường tập trung từng nhóm ngồi uống nước trong phòng nghỉ. Vào ngày này, phòng nghỉ giáo viên không khác gì một phòng cưới. Mấy cô giáo chọn những bông hoa đẹp nhất trong các bó hoa cắm vào một lọ hoa to để giữa phòng. Nhiều cô giáo khác còn khoe tài cắm hoa bằng các lọ hoa nhỏ hơn theo phong cách riêng của mình. Các thầy chỉ ngồi uống chè và bình phẩm.

Xa hơn nữa, năm 1959, khi tôi còn đang dạy học ở Cao Bằng, ngoài giờ hoạt động ở trường, tôi chỉ ngồi viết những bức thư xanh gửi theo gió rừng tới tấp bay về Hà Nội cho người con gái của tôi, đang ngấp nghé vào đời làm cô giáo. Và khi mùa thu đến, cũng là ngày 20-11 đầu tiên của trường tôi - trường Nà Cạn - tôi đã dành nhiều đêm yên tĩnh vẽ nên một hình tượng của sự cách xa và ước hẹn: hình ảnh một cái cây đứng giữa trời với những cành chĩa ngang còn lưa thưa vài chiếc lá, dưới gốc cây là một nệm ấm bằng đám lá vàng rơi, nổi lên dòng tâm sự: Hẹn mùa lá vàng rơi.

Một kỉ niệm đẹp cách đây 2-3 năm, gần đến 20/11, người cháu sang Anh công tác đã mang về cho tôi niềm vui đặc biệt:

- Sơn vào đây.

- Cháu mang đến cho bác một món quà từ bên Anh. Bác có nhớ ai không? Đây là món quà 20-11, bác nhé!

- Quà 20-11 thì chỉ có của học trò. Ai nhỉ?

- Chị Hồng, bác ạ. Chị Minh Hồng.

Tôi nhớ mang máng có một cô học trò Minh Hồng, nhưng hàng chục năm nay không gặp. Bây giờ ở bên Anh sao? Sơn mỉm cười:

- Chắc bác nhớ ra rồi chứ ạ. Đây quà của bác.

Tôi rưng rưng cầm lấy gói quà nho nhỏ. Mở ra là hộp chè uống buổi sáng (English Breakfast) in hình cờ Anh, cuốn sổ nhỏ cũng in hình cờ Anh. Tôi quả thật không cầm nổi mấy giọt nước mắt. Cô học trò bé nhỏ ngày nào, nay đã trở thành giáo sư trường ĐH ở Bournemouth miền Nam nước Anh, vẫn còn nhớ rằng thầy mình thích uống chè Anh và thích dùng đồ vật mang dấu tích nước Anh.

Tôi cứ bâng khuâng mãi cho đến nhiều ngày sau, và cho đến bây giờ tôi vẫn giữ nguyên hộp chè, không mở ra uống.

Hà Nội 2017, mùa 20-11 năm nay, khoa Anh Trường ĐH Hà Nội tổ chức kỷ niệm 50 năm thành lập Khoa. Khóa       sinh viên đầu tiên, A67, rộn ràng trở về. Ngày kỷ niệm đến cũng là lúc tôi hoàn thành cuốn chuyện Nắng bốn mùa, kể lại thuở ban sơ của trường. Những khuôn mặt sinh viên trẻ măng trộn với những mái đầu sinh viên tóc bạc trên hội trường lớn.

Mọi người muốn biết tại sao tôi lại lấy tên quyển chuyện là Nắng bốn mùa. Tôi lại thầm nghĩ, nắng bốn mùa của tôi chính là tấm lòng gắn bó cả đời với sự nghiệp: nắng ấm mùa thu đượm mùi hương cốm mới là tiếng trống gọi tựu trường; nắng nhạt mùa đông trùm lên bầu trời giá lạnh làm dịu đi sự căng thẳng của mùa thi học kỳ một; nắng dìu dịu của mùa xuân tràn trên thảm cỏ rộn ràng với sự chuẩn bị kết thúc năm học và nắng rực màu hoa phượng đỏ của mùa hè khép lại mùa thi cử. Đó là đời sinh viên, không bao giờ nhạt nhòa trong trái tim tôi.

Hà Nội 2017. Năm nay cũng là năm thầy tôi, thầy Đặng Chấn Liêu vừa tròn 100 tuổi. Tôi đã đến trước mộ thầy, thắp nến hương và gửi theo dòng khói hương một món quà 20-11 là gói đậu tương rang, loại snacks không bao giờ thiếu vắng trong túi thầy ngày xưa. Dòng đời của một người thầy thanh bạch nhưng lại được hưởng những nốt đàn tuy lẻ loi mà đầy tình thương yêu, có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy, nhưng luôn luôn thánh thót và vang xa mãi mãi.

Thầy Nguyễn Văn Thiều - Hiệu trưởng Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên): Chiếc xe đạp cũ và người nâng cánh ước mơ

Trong một dịp công tác ở Sở GD&ĐT Hưng Yên, trên đường về cơ quan, có đồng nghiệp trẻ hỏi tôi: Thầy có kỷ niệm nào xúc động, đáng nhớ nhất trong nghề về ngày Nhà giáo Việt Nam? Bất chợt, trong tôi dâng trào cảm xúc khó tả, khuôn mặt chất phác của những học sinh Lào (trường T1 Vĩnh Phú), khuôn mặt lanh lợi của học sinh Khơ-me (trường T719 Hải Hưng) thuở mới bước vào nghề (1980 – 1984) và hình ảnh những học sinh thân quen một thời ở trường Triệu Quang Phục, trường Văn Giang và trường Dương Quảng Hàm hôm nay.

Tôi lục lọi trong tâm thức 37 năm trên bục giảng ở 5 trường phổ thông mình đã trải nghiệm. Dọc đường trên xe từ Phố Hiến về đô thị Ecopark, hai bên triền đê là những cánh bãi chuối, nhãn, nghệ xanh rì khi tiết trời vào thu... Thế rồi, hình ảnh học sinh cũ Nguyễn Văn P (lớp 12D khóa học 1983 - 1986, Trường PTTH Yên Phú, nay là Trường THPT Triệu Quang Phục) lại hiện về.

Năm học 1985 - 1986, tôi được Đại hội Công đoàn nhà trường bầu làm chức danh thư ký (nay là chức danh Chủ tịch), được thầy Trần Xuân Mai, hiệu trưởng nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 12D, em P làm tổ trưởng tổ 4 của lớp. Hoàn cảnh kinh tế nhà P rất khó khăn. Được lên lớp 12, cha mẹ sắm cho em chiếc xe đạp thống nhất cũ; có lẽ đó cũng là phương tiện đáng giá nhất của gia đình. Buổi sáng P đi xe đến trường, buổi chiều mẹ em dùng chính xe đó chở hàng rau, cá, ốc,... đi chợ Đồng Than (Yên Mỹ). Hàng ngày, chiếc xe đạp cũ oằn mình chở rau, cá,... đến chợ giúp mẹ em thêm thu nhập, khi thì cân gạo, khi thì chai mắm, ... phần lớn giúp anh em P ăn học.

Vào một ngày đầu tháng 11 năm đó (1985), P và một số nam sinh lớp 12D được nhà trường phân công trực đêm cùng thầy giáo chủ nhiệm tham gia bảo vệ trường. Thật không may, thầy trò thức khuya, ngủ say, buổi sáng thức dậy chiếc xe đạp của P không cánh mà bay. Thầy trò hoảng hốt cầu cứu bảo vệ và thầy cô ở khu tập thể tỏa đi xung quanh trường tìm kiếm, nhưng chiếc xe đã theo kẻ gian biệt vô âm tín.

Gia đình P đã khó khăn lại chồng chất khó khăn, P lại hàng ngày đi bộ đến trường cách nhà khoảng 4 km. Là thầy giáo chủ nhiệm, tôi cảm thấy mình như người có lỗi chính trong vụ việc này. Giờ sinh hoạt lớp tuần đó tôi đã bàn bạc với học sinh tìm cách giúp P. Thế rồi thầy trò cũng chọn được giải pháp thông báo các bạn trong lớp về nhà báo cáo sự việc không may của P với cha mẹ.

Được thầy hiệu trưởng đồng ý, tôi đã cùng Ban đại diện CMHS họp bàn tổ chức Hội nghị toàn thể phụ huynh học sinh của lớp đề xuất giải pháp giúp P. Kết quả là phụ huynh học sinh và thầy giáo chủ nhiệm lớp cùng đóng góp kinh phí mua phụ tùng cũ. Sau một tuần mua sắm từ chiếc khung xe đến săm, lốp, xích, phanh, đĩa,... đã lắp ráp hoàn chỉnh chiếc xe đạp.

Vào khoảng 17, 18 tháng 11, Ban đại diện CMHS của lớp đã giao chiếc xe đạp cho giáo viên chủ nhiệm. Tôi đã cùng học sinh là cán bộ lớp đến nhà tặng xe cho P. Cha mẹ P rất xúc động không cầm nổi nước mắt, còn P thì nghẹn ngào: Thầy ơi! Em cảm nhận thầy như người cha thứ hai của em vậy... rồi P mếu máo không nên lời (tôi là giáo viên chủ nhiệm nhưng chỉ hơn P 10 tuổi).

Thầy trò tôi có cảm giác sung sướng như tìm lại được chiếc xe đã mất. Tôi cũng rất xúc động, dường như niềm vui được chia sẻ thì nhân lên gấp bội. Hai hôm sau, nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Hường là danh ca của lớp đã xúc động hát tặng thầy giáo chủ nhiệm lớp: “Ai nâng cánh ước mơ cho em/ là thầy cô không quản ngày đêm/ Ai dạy dỗ chúng em nên người / là thầy cô em ghi nhớ suốt đời”. Tôi cùng với các em học sinh trong lớp thật sự xúc động, không cầm nổi nước mắt sung sướng, hạnh phúc.

Kỷ niệm đáng nhớ ấy đã lùi vào dĩ vãng hơn 30 năm, hôm nay tôi lại có dịp được tự sự với chính mình, chia sẻ cùng đồng nghiệp. Kỷ niệm ấy cũng là bài học giúp tôi chinh phục những thành quả mới trong sự nghiệp trồng người.

Từ bài học về kỷ niệm đáng nhớ năm nào, tôi đã vận dụng thành công trong công tác quản lý Trường THPT Dương Quảng Hàm. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh dường như là việc làm tiên quyết trong mọi hoạt động giáo dục. Quỹ khuyến học, quỹ vòng tay nhân ái cùng với các hoạt động tri ân cha mẹ, thầy cô và mái trường đã làm động lực thúc đẩy phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt, quản lý tốt” trong nhà trường góp phần khẳng định thương hiệu chất lượng giáo dục Dương Quảng Hàm. Kỷ niệm xúc động, đáng nhớ năm nào trong tôi như một niềm kiêu hãnh trong những năm tháng của nghề làm thầy.

Dòng đời của một người thầy thanh bạch nhưng lại được hưởng những nốt đàn tuy lẻ loi mà đầy tình thương yêu, có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy, nhưng luôn luôn thánh thót và vang xa mãi mãi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ