Giám ngục người Pháp giữ tượng Bác Hồ
Mới đây, tại trưng bày chuyên đề "Hồ Chí Minh - Những phác họa chân dung", Bảo tàng Hồ Chí Minh đã giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu, tư liệu ảnh, hiện vật và tranh cổ động đặc sắc được lựa chọn từ kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng.
Đặc biệt trong số đó là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo lần đầu tiên ra mắt chứa đựng cả một câu chuyện dài xuyên suốt lịch sử.
Bức tượng tái hiện gương mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh với vầng trán cao, chòm râu bạc được các chiến sĩ nhà tù Côn Đảo cất giấu trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù. Qua nhiều tầng kiểm soát gắt gao của chính quyền thực dân Pháp nhưng bức tượng vẫn không bị phát hiện.
Có thể nói, trong bối cảnh bị giam cầm nơi "địa ngục trần gian'", bức tượng Bác Hồ đã trở thành vầng sáng, là nguồn động viên to lớn đối với những chiến sĩ cách mạng. Tuy nhiên, làm thế nào có thẻ cất giấu được bức tượng bán thân của Bác trong hoàn cảnh các chiến sĩ đang bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo là điều khiến nhiều người vẫn đặt câu hỏi. Đặc biệt hơn, khi bị phát hiện, bức tượng vẫn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến hôm nay.
Theo câu chuyện, ông Paul Atoine Miniconi – một giám ngục người Pháp là người phát hiện ra bức tượng này. Năm 1920 đến 1952, ông được cử sang Việt Nam làm việc tại Nhà tù Côn Đảo. Ông được giao giữ chìa khóa các khám, banh, canh gác, đi tuần và quản lý tù nhân tại một số banh của Nhà tù Côn Đảo.
Thời gian này, ông đã thu được bức tượng, tuy nhiên thay vì phá bỏ, ông giữ lại làm kỉ vật.
Hiểu và khâm phục tình cảm, sự kiên cường cũng như lòng trung thành của các chiến sĩ cộng sản khi giữ bức tượng nên sau khi hết thời hạn làm việc ở Việt Nam, quay trở về Pháp, Giám ngục Paul Atoine Miniconi vẫn giữ gìn bức tượng này và đặt trang trọng trong gia đình.
Trước khi qua đời, ông giao lại cho con trai - cũng là người đã sống ở nhà tù Côn Đảo khi ông làm việc ở đây.
Mối duyên “trở về”!
Hiểu được di nguyện của cha, mới đây con trai Giám ngục Paul Atoine Miniconi cùng Nhà sử học Pháp Frank Senateur xúc động trao lại bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp, để chuyển về bàn giao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ.
Như một cơ duyên, chính cha của ông Nguyễn Thiệp lại là người tù cộng sản từng bị giam giữ tại nhà tù Côn Đảo trong giai đoạn ông Paul Antoine Miniconi làm giám ngục. Bức tượng Bác Hồ đã được trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh và trưng bày trong năm 2020 – đúng dịp kỷ niệm sinh nhật 130 năm ngày mất của Bác.
Cô giáo Trần Thị Lan Anh – Giáo viên Lịch sử trường THCS Vàm Rẫy (Kiên Giang) chia sẻ: “Câu chuyện khiến tôi vô cùng xúc động, bởi ngay cả một người nước ngoài, một giám ngục còn bị khuất phục bởi ý chí và tinh thần của các chiến sĩ cộng sản, đặc biệt hơn là sự tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày mất của Bác, tôi sẽ kể lại câu chuyện về bức tượng Bác Hồ cho học sinh của mình, để các em hiểu rằng tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt Nam là yếu tố quyết định thắng lợi”.
Năm nay cũng tròn 50 năm thành lập Bảo tàng Hồ Chí Minh. Gian lưu niệm về Bác Hồ được đặt trang trọng ngay tầng 1 của bảo tàng với những sản phẩm lưu niệm gắn liền với những câu chuyện về Bác Hồ.
Mỗi câu chuyện đều khiến du khách đến tham quan xúc động và học hỏi được nhiều điều từ vị cha già đáng kính.
Ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là bức tượng quý, có giá trị lịch sử to lớn. Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là kỷ vật quý giá của các chiến sĩ nhà tù Côn Đảo, thể hiện tình cảm thiêng liêng và sự kính trọng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Ông Hà cho biết thêm, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ bảo quản và phát huy tốt hiện vật được trao tặng là các trưng bày trong năm 2020 - kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.
Trong định hướng phát triển của bảo tàng thời gian tới, Bảo tàng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát triển các ý tưởng, xây dựng nhiều sản phẩm lưu niệm ấn tượng, đa dạng về chủng loại gắn với hình ảnh đặc trưng của bảo tàng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách tham quan.
Đồng thời, tích cực nghiên cứu, củng cố hồ sơ về hiện vật một cách đầy đủ nhất để phục vụ công chúng cũng như bảo quản và phát huy tốt hiện vật được trao tặng tại các trưng bày trong năm 2020 - kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Người.