Xuất ngoại "săn" ngọc thạch

Xuất ngoại "săn" ngọc thạch

(GD&TĐ) - Cách TP.HCM chưa đầy 200 km, giá vé ô tô chỉ 230.000 đồng, Phnom Pênh đang là điểm đến lý tưởng của du khách người Việt. Người ta sang thủ đô của Vương quốc Chùa Tháp để được một lần hưởng cái không khí sôi động ngày cũng như đêm tại Naga Casino – sòng bài hiện đại và lớn nhất Campuchia, để được đắm mình trong nền văn hóa khác lạ, để thỏa cái thú ẩm thực côn trùng lạ đời… Và cũng có nhiều người xuất ngoại chỉ với hi vọng “tậu” được những viên đá quý như ru bi, saphia…

Câu chuyện trên chuyến xe xuất ngoại

Trên chuyến xe xuyên quốc gia của Công ty du lịch Sapaco, bà H. – chủ một hiệu vải ở chợ Soái Kình Lâm bỏ nhỏ: “Sang bên ấy có người gặp may ‘tậu’ được những viên kim cương, đá quý chỉ với giá vài ngàn đô nhưng khi về nước có lái buôn đến ngỏ lời thu vào với giá bạc tỉ”. Năm nay 57 tuổi, đi cùng 3 bà bạn cũng là dân buôn bán vải có thâm niên ở chợ Kim Biên (quận 5) và chợ Tân Định (quận 1), bà H. cho biết chuyến đi này là lần xuất ngoại thứ 2 của bà. “Bận trước tôi sang Nam Vang (tên gọi xưa của thủ đô Phnom Pênh) để tham quan, nhưng lần này là đi vì công chuyện làm ăn – bà trò chuyện không chút giấu giếm. Tôi và mấy chị bạn đi sang tìm hiểu về thị trường đá quý bên này. Nghe một số người đi trước về kể ở Nam Vang, mà cụ thể là chợ Nga, nơi tiêu thụ, phân phối đá quý lớn nhất ở Campuchia. Do đất nước này có nhiều mỏ đá quý nên giá cả ở đây rất mềm, chứ không đắt như bên mình hay các quốc gia khác”.

Chợ Nga
Chợ Nga

Bà L., người đi cùng, tiếp lời bạn: “Tôi quen một số bạn làm ăn chuyên kinh doanh đá quý ở quận 7 nên biết họ hay sang chợ Nga nhập hàng về. Cứ mỗi chuyến đi như vậy, họ lời hàng tỉ đồng, nghe mà ham. Tìm hiểu mới biết dân mình sang bên ấy mua đá quý nhiều lắm. Có người lúc đầu mua để đeo chơi, sau thấy đá quý rẻ nên chuyển sang kinh doanh. Chỉ sau một thời gian ngắn mà nhiều người phát tài, tiền vô như nước”.

Trên chuyến xe xuất ngoại hôm ấy, khi nghe các bà chủ sạp vải nói chuyện, chừng như không cưỡng lại được sự hấp dẫn của những viên ngọc thạch và cũng như nuôi hi vọng mua được của quý với giá hời nên một số người ngồi trên xe hỏi tới rồi gợi ý được nhập nhóm với bà H. cho đông vui. Bà H. nói với hai người phụ nữ ăn vận sang trọng ngồi bên đang háo hức đến chợ Nga: “Ngọc quý các loại là kết tinh lâu năm từ dưới lòng đất mà thành. Theo các nhà chiêm tinh học, trên trời cao, vận số mỗi người ứng với một vì sao trong dải ngân hà. Còn ở dưới đất thì ứng với những viên đá quý. Khi ngọc quý với vì tinh tú hòa quyện với nhau thì người có bổn mạng ấy sẽ phát tài, phát lộc. Nhưng để được như vậy thì mỗi người phải có bên mình ít nhất một viên đá quý. Bằng không thì khó mà thành. Ví như hai cưng mơ ước được trúng số độc đắc, nhưng chẳng bao giờ mua vé số thì sao mà ước mơ có cơ hội trở thành hiện thực được”.

Nói những lời viển vông, vô lí như vậy nhưng thấy hai người phụ nữ gật gật kiểu thấu hiểu, bà H. được thể tiếp tục ba hoa: “Giờ sang bên ấy, chị ghé tìm hiểu cho biết, nếu ưng ý viên ngọc, viên đá quý nào thì mua. Trước tiên chỉ là như vậy thôi. Còn nếu có cơ hội, có nhân duyên, biết đâu chị sẽ chuyển sang kinh doanh mặt hàng này”.   

Đá quý bày bán lộ thiên
Đá quý bày bán lộ thiên

Đi chợ Nga tìm đá quý

Đến Phnom Pênh, sau khi lo xong việc riêng, chúng tôi nhờ một bác tài người Việt đậu xe tuk tuk trên đại lộ Bonivong chở thẳng đến chợ Nga với giá 3USD. Chúng tôi hỏi về chợ này, bác tài nói một lèo: “Đây là chợ bán cổ vật với các thương hiệu nổi tiếng, bán đá quý sầm uất nhất Nam Vang. Gọi là chợ Nga vì phiên chợ này thu hút đông đảo du khách phương Tây đến tham quan, mua sắm. Người Việt mình ghé chợ đông lắm. Mấy ông khoái chơi cổ vật, những bà, những chị thích đá quý, hột xoàn… ghé chợ mua hàng ầm ầm, nhất là vào cuối tuần, khách đến đông nghẹt”. Sau khoảng 15 phút lăn bánh, xe dừng tại chợ Nga. Không hổ danh là “trung tâm thu mua, phân phối đá quý lớn nhất vương quốc Campuchia” như nhiều lời đồn đại, nơi đây lúc nào cũng tấp nập kẻ bán, người mua.

Nhìn trước, nhìn sau, nhìn đâu cũng thấy người ta bày bán la liệt trong những chiếc tủ kính hàng trăm viên đá quý óng ánh sắc màu. Có quầy đá quý nhiều quá, người bán không ngần ngại để những khối đá thạch anh xanh, đỏ, tím, vàng… trong những chiếc rổ nhựa và bày lộ thiên trên tủ. Khách thích viên đá nào chỉ việc thỏa thuận giá cả với người bán. Giao dịch xong, khách có thể nhận đá thô hoặc yêu cầu nhân viên của quầy mài, cắt viên đá theo hình dáng, kích cỡ mà mình muốn hoặc theo mẫu trong catalogue chủ quầy đưa. Quan sát, chúng tôi thấy một số chủ quầy đá quý nói tiếng Việt rất sõi và nói tiếng bản địa cũng rất cừ. Hỏi ra mới biết họ là người Việt chính gốc hoặc có cha Việt – mẹ Campuchia và ngược lại.

Tại một quầy đá quý, vừa bán 2 viên đá saphia màu xanh đọt chuối cho một cặp du khách người Tây Ban Nha với giá 700 USD, bà chủ đón hai người phụ nữ Việt ở quận 1 – TP.HCM đến xem hàng. Thấy hai nữ khách nhìn chằm chằm vào viên đá saphia màu huyết dụ hình giọt nước to bằng đầu ngón trỏ người lớn ánh lên những sắc màu huyền ảo khi được ánh nắng chiếu vào, bà chủ là người Việt gật gù bật mí         với khách rằng đá saphia ở Campuchia thì rất nhiều, nhưng hiếm khi có được viên đá huyết dụ màu chuẩn và lớn như vậy. Sau khi ra giá viên đá là 2.500 USD, bà nói với khách: “Sang đây mua đá quý là đúng bài rồi. Vùng này là vương quốc của đá, của ngọc quý nên giá bán mới hữu nghị như vậy. Hai em mua về nếu không đeo thì bán lại cho người ta cũng lời khẳm”.

Khách mua đá xong, nếu có nhu cầu thì các thợ sẽ cắt tạo dáng ngay tại cho
Khách mua đá xong, nếu có nhu cầu thì các thợ sẽ cắt tạo dáng ngay tại chợ

Ở quầy đá quý khác, chúng tôi mục kích cảnh bà chủ đeo sợi dây chuyền vàng nom như sợi dây xích có kiểu thuyết phục khách rất ấn tượng: “Em có cơ sở mới dám tuyên bố với các chị vùng đất này thạch ngọc các loại nhiều vô kể. Bằng chứng là nếu các anh chị vào chùa Vàng, chùa Bạc, tên Campuchia là Wat Preah Keo, sẽ thấy trong chùa Vàng có pho tượng đúc bằng vàng nặng 90 kg, trên tượng có đính đến 9.584 viên kim cương, đá quý. Cạnh đó còn có pho tượng bằng ngọc xanh nặng mấy trăm ký. Ngọc và đá đều có nguồn gốc tại Campuchia”. Nghe bà chủ gân cổ, mấy bà khách luống tuổi gật gù và hỏi mua ngọc quý.

Thự hư đá quý

Không tin lắm vào chất lượng của những viên đá quý, ngọc quý được bán tại chợ Nga, rời chợ, chúng tôi tìm gặp một số người sống lâu năm tại Phnom Pênh hỏi thăm và nhận không ít lời cảnh báo. Anh Tuyền, hướng dẫn viên của một Công ty lữ hành có trụ sở trên đường Lý Thường Kiệt – quận Tân Bình, bật mí: “Dân buôn đá quý, cổ vật ở chợ Nga có rất nhiều chiêu để luộc con mồi. Ví như cây kiếm giả cổ giá chỉ khoảng 5 – 7 USD, nhưng khi khách hỏi, chủ quầy hét có khi 500 USD. Mấy em trả giá 400 USD nhưng nhất định không bán. Bỏ đi thấy họ không kêu lại, mấy em đinh ninh đó là hàng chất lượng nên quay lại trả thêm mươi đô nữa, vậy là dính đòn. Rồi có khi mấy em còn lưỡng lự không biết có nên mua viên đá saphia màu huyết dụ với phía bán 300 USD mà thực chất chỉ là bột đá hoặc nhựa tổng hợp, thì có vị khách ra vẻ sành điệu tới nghía hàng, hỏi giá rồi móc tiền mua ngay. Mấy em thấy vậy yên tâm nên mua theo. Chứ nào biết ông kia là dân chim mồi của chủ cửa hiệu”. Anh Hoàng Tuấn, sống tại khu Đồng Nhà Cháy thuộc quận ngoại thành Miêng Chay, cũng khuyên: “Mấy em vào xem thì được chứ mua thì đừng, nếu không rành về đá quý. Dân Nam Vang ai cũng rõ chợ Nga chủ yếu bán đồ giả cổ nhưng với giá trên trời: 10 món đồ cổ ở chợ thì có đến 8 món là đồ trời ơi”. 

Phúc Trinh – Hải Âu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ