Xuất khẩu lao động: Người có trình độ vẫn chưa được quan tâm

GD&TĐ - Theo nhiều chuyên gia, cần tăng tỉ lệ người có trình độ cao đi làm việc tại nước ngoài. Thậm chí, cần “đón lõng” sinh viên từ các trường đại học, cao đẳng để họ nâng cao năng lực ngoại ngữ, tiếp cận trình độ kỹ thuật quốc tế.

Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh minh họa
Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh minh họa

Thị trường lao động mở rộng

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ những năm 1980. Đến nay, mỗi năm đưa hơn 100 nghìn người đi làm việc ngoài nước. Lao động Việt Nam hiện có mặt tại 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề, mỗi năm gửi về hơn 3 tỷ USD.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan, thời gian qua, công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gia tăng đáng kể.

Nhiều thị trường xuất khẩu lao động mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, CHLB Đức, CH Séc, Slovakia, Rumani… Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100 nghìn người/năm.

Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết thêm: “Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, số lượng lao động đi nước ngoài lên tới 152.000/năm. Năm 2021, số lượng lao động tuy có sụt giảm, nhưng 8 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã đưa được 81.000 lao động đi nước ngoài, tập trung chủ yếu vào 2 thị trường chính là Nhật Bản, Đài Loan. Lao động đi làm việc ở nước ngoài đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích luỹ và cải thiện đời sống người lao động và gia đình”.

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ, xuất khẩu lao động cũng tồn tại những vấn đề hạn chế như. Đó là lao động cư trú bất hợp pháp, chi phí tuyển dụng cao, trình độ tay nghề của người lao động thấp… Tình trạng lao động ở lại, bỏ trốn, đến nhập cảnh nhưng không đến nơi làm việc hiện hữu ở nhiều nơi.

Một số lao động bị lôi kéo, lợi dụng, lừa gạt. Công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, mối quan hệ giữa người lao động với thân nhân ở trong nước, mối quan hệ giữa doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài và doanh nghiệp sử dụng lao động ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, công tác quản lý người lao động sau khi kết thúc hợp đồng về nước cũng làm chưa chặt chẽ. Vấn đề đào tạo nghề, giáo dục định hướng, phí tuyển dụng, tình trạng cò mồi… vẫn cần phải khắc phục trong thời gian tới.

Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động

Ông Nguyễn Xuân Lanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, đánh giá, xuất khẩu lao động mang về cho đất nước nhiều thành quả. Những năm 1990, Việt Nam có khoảng 15 doanh nghiệp đưa 15.000 người đi làm việc, nay đã lên hơn 500 công ty và mỗi năm đưa hơn 100.000 lao động đi. Việt Nam đã chọn lọc được một số thị trường chiến lược, như Nhật Bản thu hút lao động với mức thu nhập 1.200 - 1.400 USD mỗi tháng.

Ông Lanh cũng chỉ ra thực tế tới 90% người đi làm việc ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. Xuất khẩu lao động nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài. Cụ thể như sinh viên, học viên trường nghề.

Ông phân tích, nhận thức của người lao động và một phần xã hội coi đi làm việc ngoài nước chỉ dành cho người nghèo, thất nghiệp. Khoảng 80% lao động mang tâm lý kiếm tiền mà không có kế hoạch tiếp thu, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm để phát triển nghề nghiệp tương lai. Họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi về nước khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp. Các cơ quan quản lý một lần nữa đau đầu giải bài toán việc làm sau xuất khẩu.

Theo ông Lanh, thay vì đưa lao động không có trình độ, tay nghề đi xuất khẩu, tới đây nên hướng tới đưa lao động, nhất là các bạn trẻ tốt nghiệp CĐ, ĐH đi nước ngoài. Mục đích để nâng cao năng lực ngoại ngữ, tiếp cận trình độ kỹ thuật quốc tế. Hàng năm phân luồng tỷ lệ nhất định để đào tạo đưa đi nước ngoài để họ đi học hỏi và trở về đủ điều kiện để trở thành nguồn nhân lực hội nhập quốc tế.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, thông tin: “Lượng kiều hối lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gửi về 3 tỷ USD/năm. Song đến nay, chúng ta vẫn chưa có một chiến lược dài hạn hay trung hạn về xuất khẩu lao động. Cần phải có giải pháp tổng thể, chương trình xuất khẩu lao động năm 2022 – 2030 như các nước trong khu vực, nếu không sẽ tụt hậu. Không có nguồn nhân lực chất lượng cao thì chỉ loay hoay trong bài toán lao động phổ thông đi nước ngoài”.

TS Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia TPHCM, cũng chỉ ra những vấn đề nhức nhối của hoạt động xuất khẩu lao động hiện nay. Đó là lừa đảo của công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng. Cùng với đó là biến tướng của hoạt động buôn người công nghệ cao và tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam.

Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài để hạn chế tình trạng trên. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần đóng vai trò then chốt, yêu cầu các công ty đưa người đi và doanh nghiệp của nước ngoài xây dựng kho dữ liệu về lao động. Đồng thời liên thông với hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, lao động đi làm việc cần có mã định danh, thể hiện những thay đổi trong quá trình làm việc và cập nhật liên tục nếu có thay đổi. - TS Nguyễn Đình Quốc Cường, Đại học Quốc gia TPHCM

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.