Xuất khẩu lao động: Khó tuyển nhân lực có trình độ cao

GD&TĐ - Theo thống kê, lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm. Tuy nhiên, nhiều lao động còn những hạn chế nhất định về trình độ, kỹ năng và yếu về ý thức.

Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa
Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nhiều bất cập. Ảnh minh họa

Hơn 80 nghìn người đang chờ xuất cảnh

Theo số liệu ước tính, hiện có khoảng 580 nghìn lao động Việt Nam làm việc ở gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với nhiều loại hình ngành nghề công việc khác nhau, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo chiếm 80% như cơ khí, dệt may, giầy da, lắp ráp điện tử... Còn lại trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ như chăm sóc người già, người bệnh, giúp việc trong gia đình.

Lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc được bảo đảm. Nhìn chung, người lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài được người sử dụng lao động đánh giá tích cực về sự cần cù, chăm chỉ, khéo tay. Cùng với khả năng nắm bắt công việc nhanh, ham học hỏi, sáng tạo và làm việc năng suất, chất lượng. Vì vậy, các chủ sử dụng nước ngoài muốn tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hơn so với các nước khác.

Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm đạt từ 3 - 4 tỷ đô la Mỹ.

Nhiều gia đình có người thân đi làm việc ở nước ngoài đã thoát nghèo, có điều kiện đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt ở những địa phương có nhiều người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã làm thay đổi bộ mặt thôn, xóm với nhiều nhà cửa khang trang mọc lên, góp phần ổn định an sinh xã hội ở địa phương.

Ngoài ra người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn nâng cao được trình độ kỹ năng nghề, tiếp thu được kiến thức, ngoại ngữ và tác phong làm việc tiên tiến từ nước ngoài. Họ trở thành nguồn nhân lực quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Năm 2020 - 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động kinh tế - xã hội của toàn cầu. Đặc biệt khó khăn đối với lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ việc tuyển chọn, đào tạo lao động trước khi đi.

Việc các quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng các chính sách phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 đã hạn chế xuất nhập cảnh, dừng các chuyến bay thương mại đã khiến cho việc đưa người lao động ra nước ngoài làm việc và về nước gặp nhiều trở ngại.

Mặc dù, dịch bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ sử dụng lao động ở nước ngoài, nhưng theo báo cáo của các doanh nghiệp, nhu cầu đối với người lao động Việt Nam vẫn rất lớn.

Theo số liệu thống kê từ các doanh nghiệp, số lao động các doanh nghiệp đã tuyển và đang chờ xuất cảnh hơn 80.000 người. Ngoài ra, mặc dù nhiều đối tác nước ngoài có nhu cầu lao động Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng ký hợp đồng và tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài do dịch bệnh phức tạp.

Một bộ phận người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật

Bên cạnh những kết quả đạt được trong hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vẫn còn có những vấn đề tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa qua đào tạo nghề nghiệp một cách chính quy, bài bản. Vì vậy, họ thường làm những công việc giản đơn, mức tiền công không cao so với mặt bằng ở nước tiếp nhận.

Hơn nữa, vị thế của người lao động chưa cao nên dễ bị tổn thương khi xảy ra khủng hoảng. Một bộ phận người lao động thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, vi phạm hợp đồng lao động và quy định pháp luật ở nước đến làm việc. Tự ý ở lại cư trú và làm việc không hợp pháp khi kết thúc hợp đồng lao động.

Hiện, nhiều thị trường lao động ngoài nước vẫn tiếp nhận lao động phổ thông nhằm bù đắp sự thiếu hụt nhân lực làm các công việc giản đơn, độc hại, nguy hiểm, công việc mà người dân nước sở tại không muốn làm. Nhưng về xu hướng, phần lớn người sử dụng lao động đều muốn nhận lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề, ngoại ngữ. Bởi những lao động này có khả năng tiếp thu công việc nhanh, làm việc có năng suất và hiệu quả, thêm vào đó là ý thức tổ chức kỷ luật lao động và sinh hoạt tốt hơn.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn lao động, cũng như tiêu chuẩn trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ đối với lao động của đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp dịch vụ cũng gặp không ít khó khăn trong việc tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã phải bỏ lỡ các đơn hàng tốt, do không có nguồn lao động đáp ứng yêu cầu.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, lao động ta đi làm việc ở nước ngoài vẫn còn những tồn tại và hạn chế nhất định.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là do tâm lý người lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài nhanh. Họ không quan tâm đến việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, chưa nhận thức đầy đủ về vị thế của bản thân.

Do đó, lao động của ta còn yếu cả về trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ. Họ chưa phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động quốc tế, cả về ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong làm việc công nghiệp, sinh hoạt tại các nước phát triển.

Hơn nữa, các doanh nghiệp dịch vụ chưa chú trọng đến công tác chuẩn bị và tạo nguồn nhân lực có chất lượng đưa đi làm việc ở nước ngoài một cách bài bản. Họ thường chỉ tuyển chọn lao động nhằm đáp ứng từng đơn hàng cụ thể. Vì thế, việc tổ chức đào tạo người lao động chỉ mang tính hình thức, không thực chất. Thậm chí, thông qua các tổ chức trung gian, cò mồi tuyển chọn và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống văn bản pháp luật về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có những quy định về việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, nhưng mới chỉ quy định bắt buộc giáo dục định hướng. Đó là về pháp luật, phong tục tập quán, điều kiện làm việc, sinh hoạt và các hướng dẫn khác cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Còn những quy định về chất lượng trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề lại mang tính chủ trương, khuyến khích mà chưa có quy định chi tiết, bắt buộc. Điều này gây khó khăn trong việc thực hiện nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ