Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu

GD&TĐ - Bộ LĐ-TBXH đặt mục tiêu từ 2021 - 2025 đưa được 500 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có khoảng 80 - 90% lao động đã qua đào tạo. Tuy nhiên, nguồn tuyển lao động có chất lượng không nhiều.

Cần nâng cao kỹ năng, tay nghề của lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa
Cần nâng cao kỹ năng, tay nghề của lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Ảnh minh họa

Gắn kết bằng các hợp đồng kinh tế

Từ đầu năm 2018, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các đơn vị chức năng trực thuộc là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm và Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp tổ chức tạo sự kết nối trong công tác đào tạo nghề gắn với việc làm. Cùng với đó là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời thành lập tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững.

Theo thông tin của các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, hiện nay việc tuyển nguồn lao động, đặc biệt là lao động có trình độ rất khó khăn.

Doanh nghiệp phải trả chi phí rất lớn cho các đầu mối để có nguồn lao động giới thiệu cho đối tác nước ngoài tuyển chọn. Trong khi đó, việc gắn kết với các trường nghề, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc giới thiệu, tuyển chọn người lao động vẫn còn những hạn chế nhất định.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra giải pháp nâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Đó là tập trung đưa lao động qua đào tạo, lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề đi làm việc ở nước ngoài bằng việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, quy định tại luật theo hợp đồng.

Cần thiết phải quy định rõ việc nâng cao chất lượng nguồn lao động và đưa lao đi làm việc ở nước ngoài là yêu cầu, không chỉ là khuyến khích, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, ban ngành, chính quyền, doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời ban hành cơ chế phối hợp, gắn kết trong công tác tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài tại địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ.

Cần triển khai thực hiện mô hình gắn kết đào tạo, giáo dục nghề nghiệp với đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Theo đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với các cơ quan chuyên môn của các bộ, ngành và địa phương.

Cần tạo sự kết nối giữa các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp dịch vụ trong việc cung cấp thông tin, tư vấn, giáo dục định hướng, ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên. Đồng thời ký kết hợp đồng đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp dịch vụ đối với một số ngành, nghề, trình độ theo yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.

Việc gắn kết doanh nghiệp với trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài phải được thể hiện bằng các hợp đồng kinh tế. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của các bên để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng đào tạo, kinh phí thực hiện, cũng như chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc tận dụng các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng nguồn lao động cũng cần được các doanh nghiệp thực hiện triệt để hơn.

Ngoài ra, cần tập trung vào các dự án đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, dự án phát triển thị trường lao động và việc làm và đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Đồng thời hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác. 

Nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao động trẻ

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, các đơn vị cần chú trọng nâng cao chất lượng, tăng số lượng lao động trẻ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, trong đó có chương trình việc làm ngoài nước.

Nâng cao năng lực dự báo nhu cầu lao động theo ngành, nghề làm cơ sở định hướng đào tạo cho thanh niên. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, cập nhật và phổ biến thông tin thị trường lao động.

Đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm. Chú trọng xã hội hóa công tác dạy nghề, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Đồng thời đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiếp nhận lao động.

Hơn nữa, cần tăng cường hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng, đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức quốc tế khai thác và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động có trình độ chuyên môn, tay nghề hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ thực hiện. Đồng thời, tổ chức tốt việc thống kê, đánh giá về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo ngành, nghề, công việc cũng như thu thập thông tin về xu hướng nhu cầu của các thị trường lao động ngoài nước. Mục đích để xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn lao động phù hợp.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về nhu cầu thị trường lao động ngoài nước.

Cùng với đó là các điều kiện, tiêu chuẩn đối với người lao động về trình độ, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, sức khỏe, về tiền lương, thu nhập, chi phí đi làm việc ở nước ngoài. Điều này để định hướng cho người lao động chủ động tìm hiểu, nâng cao năng lực, khả năng đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước.

Đồng thời qua đó nâng cao nhận thức của người dân và người lao động về đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả. Tránh tình trạng bị lừa đảo, bóc lột, cưỡng bức lao động và mua bán người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ