Xuất huyết não diễn viên Thúy Anh mắc phải nguy hiểm thế nào?

GD&TĐ - Hai tuần trước khi sinh con gái, diễn viên Thúy Anh đột nhiên đau đầu, gáy tê dần. Bác sĩ nói cô bị xuất huyết não. Căn bệnh này hiện đang trẻ hóa.  

Diễn viên Thúy Anh trước khi mắc bệnh.
Diễn viên Thúy Anh trước khi mắc bệnh.

Căn bệnh nguy hiểm

Theo chia sẻ của diễn viên Thúy Anh: Tháng 10/2018, khi đang mang bầu ở tháng cuối, cô đột nhiên thấy đau đầu dữ dội. Thúy Anh được gia đình đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ yêu cầu mổ cấp cứu để cứu em bé và cả mẹ.

Sau sinh con, cô phát hiện bị liệt nửa người bên trái. “Các bác sĩ nói tôi bị xuất huyết não, dị dạng mạch máu não nên dẫn đến di chứng này. Tỷ lệ thai phụ mắc bệnh chỉ là rất nhỏ nhưng tôi không may lại nằm trong số đó. 6 tháng qua, tôi không thể làm được gì. Gần đây, tôi mới có thể tự ngồi dậy nhưng vẫn phải nhờ đến vật lý trị liệu”, cô chia sẻ.

Hiện não của diễn viên Thúy Anh có hiện tượng ứ nước, phù não. Trong trường hợp trở nặng, các bác sĩ buộc phải can thiệp phẫu thuật ở não để giải quyết tình trạng ứ nước.

Nữ diễn viên cho biết: “Khả năng phải can thiệp bằng phẫu thuật là rất cao dù tôi hy vọng uống thuốc và vật lý trị liệu có thể cải thiện tình hình. Bác sĩ còn dặn tôi cần phải giữ gìn, kiêng khem do lo ngại di chứng vào tim”, cô nói.

Được biết diễn viên Thúy Anh sinh năm 1991, từng tham gia một số phim như Kén mẹ chồng, Tình hoa muống biển, Những mảnh đời giông bão. Ngoài đóng phim, cô còn hoạt động như một người mẫu quảng cáo.

Vì sức khỏe không đảm bảo nên việc chăm sóc con cái của Thúy Anh đều do mẹ cô đỡ đần. Thúy Anh là mẹ đơn thân, cô từng đổ vỡ hôn nhân. Nhiều nghệ sĩ hiện đã kêu gọi đồng nghiệp giúp đỡ Thúy Anh trong lúc khó khăn.

Căn bệnh đang trẻ hóa

Theo các bác sĩ, xuất huyết não không chỉ là bệnh "dành riêng" cho người lớn tuổi mà đang dần trẻ hoá, một phần do chính những thói quen của người trẻ hiện nay.

Cách đây không lâu, bệnh nhân P.T.T (25 tuổi, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện đau đầu không rõ nguyên nhân, đã uống thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Khi nhập viện trong tình trạng đau đầu đột ngột, lơ mơ, nôn nhiều, sau đó ý thức chậm dần, rơi vào tiền hôn mê, anh T được chụp CT sọ não thấy hình ảnh xuất huyết não hố sau.

Tháng 3/2019, anh L.H.N (28 tuổi, ở quận Bình Tân, TP.HCM) khi đang đi ăn cùng vợ thì bất ngờ thấy đau đầu, nôn. Nghĩ chồng bị ngộ độc thực phẩm, vợ anh đưa anh N đi cấp cứu. Kết quả, anh được bác sĩ chẩn đoán xuất huyết não thái dương trái – não thất nghi do vỡ dị dạng mạch máu não.

Khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi nhập viện, anh N đã phải đối mặt với nhiều căng thẳng, áp lực trong công việc. Dù anh không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia.

Chảy máu não (xuất huyết não) chiếm 10% - 15% trong tổng số khoảng 2 triệu trường hợp đột quỵ mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó biến chứng chảy máu não thất chiếm khoảng 40% và làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh, TPHCM: Lý do chính khiến người trẻ bị xuất huyết não là do dị dạng mạch máu. Ngoài ra, tăng huyết áp, tiền sử béo phì, ít vận động, cholesterol trong máu cao, áp lực cuộc sống cũng dẫn đến thực trạng dễ bị xuất huyết não ở người trẻ tuổi.

Cũng theo TS Chí Cường, vỡ dị dạng mạch máu (AVM) là tình trạng rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sự chi phối của não bộ lên hoạt động cơ thể, nếu phát hiện và điều trị muộn người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ tử vong.

Khi bị xuất huyết não, biểu hiện lâm sàng là đột qụy như: Đang đi hoặc đang làm gì đó bỗng nhiên nhức đầu dữ dội, thường lấy tay ôm đầu, bủn rủn chân tay và ngã chúi xuống một bên.

Bệnh khởi phát rất đột ngột và dữ dội, có thể ngay sau lúc gắng sức về tâm lý và thể lực hoặc trong lúc đang làm việc, sinh hoạt bình thường mà đột ngột ngã gục xuống, hôn mê, liệt nửa người; thậm chí căn bệnh bộc phát ngay trong giấc ngủ hay khi vừa thức dậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ