Xử lý thế nào khi học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực?

GD&TĐ - Với học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực, cần tìm hiểu kỹ để có giải pháp phù hợp, trong đó sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực là rất quan trọng.

PGS Trần Thành Nam chia sẻ về kỷ luật tích cực.
PGS Trần Thành Nam chia sẻ về kỷ luật tích cực.

Giáo viên cần kỹ năng kiểm soát cảm xúc

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, trong tình huống cả học sinh và giáo viên mất kiểm soát thì giải pháp tốt nhất là hai bên tách ra để có không gian riêng nhằm kiểm soát cảm xúc của mình.

Giáo viên cần là người nhận định được tình huống và chủ động tách mình ra khỏi không gian lớp học. Nếu bản thân bùng nổ cảm xúc, có thể cắn chặt môi lại, cảm giác đau sẽ khiến ta xao lãng khỏi cảm xúc tức giận, sau đó hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh.

Trong lớp học, trách nhiệm quản lý học trò là của giáo viên. Nhưng trong một số trường hợp, việc cô giáo tạm rời lớp học và tìm kiếm sự giúp đỡ, can thiệp của đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường là cần thiết.

Nếu nhà trường có nhân sự làm công tác tư vấn học đường thì nên nhờ sự hỗ trợ kịp thời. Ví dụ, cho những học sinh có ảnh hưởng lớn nhất trong sự việc xuống chia sẻ với giáo viên làm công tác tư vấn học đường, hoặc ban giám hiệu. Ở không gian dịu hơn, không bị tác động bởi đám đông, vấn đề sẽ dễ dàng giải quyết hơn.

“Cũng phải nói thêm rằng, kỹ năng kiểm soát cảm xúc tiêu cực là vô cùng quan trọng đối với giáo viên. Cần hiểu đằng sau mỗi hành vi luôn có lý do: trả đũa, phản ánh sự ấm ức, thiếu kỹ năng; cũng có thể các em bị xúi giục, áp lực để được bạn bè chấp nhận, không bị cô lập nên phải theo… Để đưa ra giải pháp hiệu quả thì buộc phải tìm hiểu nguyên nhân thực sự sau mỗi hành vi của học sinh là gì”, PGS Trần Thành Nam cho hay.

Cô và trò Trường THPT Bạch Đằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Thiên Thanh
Cô và trò Trường THPT Bạch Đằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Ảnh: Thiên Thanh

Phòng luôn hơn chống

Dư luận rất quan tâm đến việc sẽ xử lý kỷ luật thế nào để vừa bảo đảm tính răn đe, vừa bảo đảm tính giáo dục, giúp học sinh tốt hơn lên.

Về điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, chúng ta đã có quy định về xử lý kỷ luật học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý cần tìm hiểu nguyên nhân, gốc rễ.

Nếu các hành vi vi phạm được chứng minh do có đối tượng xúi giục, hậu thuẫn về mặt tâm lý thì xử lý phải là người đứng sau đó. Còn trong trường hợp các em tự làm ra hành động này thì cũng cần làm rõ mức độ.

Thường trong vụ việc sẽ có em đứng đầu; có học sinh/nhóm học sinh ủng hộ tích cực; học sinh/nhóm học sinh ủng hộ nhưng thụ động, chỉ đứng xem; có em biết hành vi sai nhưng không dám phản đối…

Cần tìm hiểu thấu đáo để có mức xử lý tương ứng, phù hợp với từng mức độ. Sử dụng các phương pháp kỷ luật tích cực là rất quan trọng để giúp học sinh tốt lên; trong đó không thể thiếu sự phối hợp với cha mẹ, gia đình học sinh.

Cũng theo PGS Trần Thành Nam, trên thực tế, Bộ GD&ĐT đã có rất đầy đủ các văn bản, chính sách, hướng dẫn: ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; quy trình an toàn trường học; phòng chống bạo lực học đường; xây dựng trường học hạnh phúc; triển khai mô hình tham vấn học đường; tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên về kỹ năng, quản lý hành vi trong lớp học…

Mọi thứ đều có đủ, nhưng vấn đề là chúng ta triển khai trong thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục như thế nào; đã thực sự thực chất, nghiêm túc, tận tâm hay chưa?...

Với 4 bước Plan - Do - Check - Act (lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra, điều chỉnh), dường như chúng ta chủ yếu chỉ dừng lại ở bước lên kế hoạch và thực hiện (khâu này nhiều khi còn hình thức, chưa hiệu quả). Còn lại khâu kiểm tra, điều chỉnh chưa thực sự được chú trọng thực hiện.

Từ đó, PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh: bối cảnh hiện nay càng thấy vai trò quan trọng của giáo dục học sinh toàn diện, dạy văn hóa song hành với dạy người. Học sinh không chỉ tự tin về kiến thức, năng lực xã hội mà còn biết hành xử một cách phù hợp; có năng lực định hướng, phân biệt đúng sai; biết tỏ thái độ với cái sai và bảo vệ cái đúng…

Hoạt động tư vấn trường học, vị trí chuyên trách tư vấn tâm lý học sinh nhất thiết cần triển khai bài bản vì đây chính là sợi dây kết nối giáo viên, học sinh, giúp phát hiện sớm, phòng ngừa để không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.