Dạy xử lý tình huống sư phạm: Không bó hẹp trong “lớp học giả định”

GD&TĐ - PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm khoa Khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) – cho rằng, các chương trình đào tạo sư phạm hiện nay cần tăng cường thời gian để giáo sinh “hội nhập nghề nghiệp” với môi trường thực. Chương trình dạy về xử lý các tình huống sư phạm trong nhà trường không nên chỉ là những tình huống trong điều kiện “phòng thí nghiệm”, “lớp học giả định”.

Việc tu dưỡng và rèn luyện kỹ năng nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp là việc làm thường xuyên mà mỗi nhà giáo phải thực sự chú tâm. Ảnh: NT
Việc tu dưỡng và rèn luyện kỹ năng nghề cũng như đạo đức nghề nghiệp là việc làm thường xuyên mà mỗi nhà giáo phải thực sự chú tâm. Ảnh: NT

Tăng thời gian để giáo sinh “hội nhập nghề nghiệp”

Trước thực tế ngành Giáo dục trong những năm trở lại đây xuất hiện hành vi trái với đạo lý, vi phạm pháp luật của một số thầy cô giáo, theo lý giải của PGS.TS Trần Thành Nam, nguyên nhân gốc rễ là kĩ năng quản lý cảm xúc của người giáo viên (GV) trong những tình huống thực tiễn.

Dù các thầy cô đều biết rõ về các quy định; biết mình cần làm gì, làm thế nào trong các tình huống ứng xử với HS; tuy nhiên, ở trong những điều kiện tình huống cụ thể, khi hành vi của HS cũng “leo thang”, làm GV không đủ bình tĩnh để đưa ra những quyết định một cách chính xác. Mỗi người đều có những “điểm sôi” cảm xúc và trong một số tình huống, GV không thể dừng lại ở “điểm sôi” cảm xúc dẫn đến việc đáng tiếc xảy ra.

Nguyên nhân thứ 2, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, có thể những chương trình dạy về xử lý các tình huống sư phạm trong nhà trường vẫn là những tình huống trong điều kiện “phòng thí nghiệm”, “lớp học giả định” được kiểm soát chặt chẽ, nên không giống với thực tế. Khi va vấp với tình huống thực tế, giáo sinh sẽ hoang mang, lúng túng trong xử lý.

Tuy nhiên, nhiều cái sai nhỏ sẽ trở thành cái sai lớn. Việc xấu không được sửa, không được chú ý điều chỉnh sẽ trở thành thói quen, rất tiếc đó lại là thói quen xấu. Dù nhỏ vẫn ảnh hưởng đến đạo đức nhà giáo và làm cho hình ảnh của các thầy cô trong mắt học trò, cha mẹ HS và xã hội xấu đi so với mong ước của HS và của xã hội. 
Ông Nguyễn Quý Xuân

Ngoài ra, có những nguyên nhân khác như áp lực cuộc sống, nghề nghiệp; áp lực bởi kì vọng của cha mẹ HS, xã hội, với công việc của mình. Vai trò, vị thế của GV hiện nay bị giảm sút; họ không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất mà là người tổ chức hoạt động học tập, giúp HS khám phá, tìm kiếm tri thức cho mình; dẫn đến các đối tượng có liên quan đôi khi có cách hành xử tạo thêm áp lực cho GV.

Cũng nói về nguyên nhân dẫn đến vi phạm đạo đức nhà giáo, ông Nguyễn Quý Xuân – Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Hà Nội) – đề cập đến việc tự rèn giũa tư cách đạo đức từ chính các nhà giáo. “Khi lơi lỏng việc rèn luyện chính mình tức là chúng ta quên mất phần tự phê. Có những lúc, chúng ta tưởng đó là việc nhỏ và bỏ qua, không chỉnh lý, không rèn giũa tiếp.

Tâm huyết và yêu nghề là đức tính giúp nhà giáo xây dựng riêng cho mình đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: Hữu Cường
 Tâm huyết và yêu nghề là đức tính giúp nhà giáo xây dựng riêng cho mình đạo đức nghề nghiệp. Ảnh: Hữu Cường

Đạo đức nghề nghiệp -nội dung xuyên suốt trong đào tạo sư phạm

PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, hiện nay các trường đào tạo sư phạm vẫn chưa có chuyên đề về đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, nội dung này không thể trở thành một môn mà phải là một hoạt động xuyên suốt trong quá trình sinh viên học tập tại trường.

“Ở Trường ĐH Giáo dục, bắt đầu từ năm học này, học phần đạo đức nhà giáo sẽ được dạy theo hình thức “lớp học đảo ngược”, chỉ dành khoảng 5 - 10 tiết cung cấp kiến thức cho những người làm nghề giáo dục. Sau đó, sinh viên sẽ sưu tầm, tìm những video, tình huống điển hình liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, để sinh viên tự tham khảo và giải quyết các tình huống. Dựa trên tình huống đó sẽ thảo luận và đề xuất giải pháp.

Sinh viên cũng được tìm các bộ phim truyền cảm hứng liên quan đến các giá trị đạo đức cốt lõi của nghề nghiệp và viết bản thu hoạch cá nhân dựa trên các clip đó. Sinh viên còn được yêu cầu làm dự án liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp và khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động công ích hoặc hoạt động tình nguyện như một tiêu chí để đánh giá” – PGS Trần Thành Nam cho hay.

Giảng viên dạy ở chuyên đề này chính là những trưởng khoa. Họ sẽ truyền đạt các tinh thần nghề nghiệp và làm gương trong các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống. Việc đánh giá đạt hay không đạt chuyên đề này phải dựa trên các kết quả định tính, và đánh giá “360 độ” từ bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô trong nhà trường và thầy cô ở cơ sở giáo dục nơi sinh viên thực tập.

Đề xuất xây dựng Bộ quy điều đạo đức hành nghề cho nhà giáo

Ở vai trò nhà quản lý, ông Nguyễn Quý Xuân cho rằng, các nhà quản lý giáo dục đôi khi hay phạm phải sai lầm, đó là mình chỉ tuyên truyền, nói, thuyết giảng và nghĩ như thế là đội ngũ cán bộ GV của mình đã tốt. Thực tế, nếu làm như vậy, chỉ là sự tuyên truyền sáo rỗng và nhiều thầy cô khi thực hiện tuyên truyền như thế còn hay hơn các nhà quản lý rất nhiều.

“Vậy, các nhà quản lý cần làm gì? Ngoài tuyên truyền, điều quan trọng nhất phải gương mẫu thực hiện để cán bộ GV, nhân viên trong nhà trường nhìn vào noi theo. Ngoài ra, trong bất kỳ công việc gì cũng cần kiểm tra giám sát việc rèn luyện đạo đức của cán bộ GV, nhân viên trong nhà trường để kịp thời nắm bắt, chỉnh sửa làm thế nào để chính mình và các thầy cô tránh được những sai sót để ngày càng thực hiện nghề nghiệp một cách chuẩn mực nhất” – ông Xuân chia sẻ.

“Việc rèn ý thức đạo đức nghề nghiệp trong tập thể cán bộ GV, nhân viên phải luôn được các nhà trường coi trọng. Tập thể nhà trường đoàn kết hỗ trợ, GV cố gắng nỗ lực vươn lên và phải luôn lắng nghe những phản hồi từ HS, cha mẹ HS, xã hội để rút ra những bài học tự điều chỉnh hành vi của mình đáp ứng được các tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo” – ông Nguyễn Quý Xuân trao đổi.

Cũng nói về giải pháp, PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất xây dựng Bộ quy điều đạo đức hành nghề nói chung cho nhà giáo. “Khi tham khảo các bộ quy điều đạo đức của bác sĩ, luật sư, hoặc các nhà tâm lý, chúng ta thấy nó đều xuất phát từ những giá trị căn cốt. Những giá trị đó là: Thiện tâm và không gây hại, Tin cậy và trách nhiệm, Chính trực, Công bằng, Tôn trọng con người và phẩm giá của họ, Tự chăm sóc bản thân”.

Nói kĩ hơn về nội dung “tự chăm sóc bản thân”, theo PGS Trần Thành Nam, nhà giáo cần đặc biệt chú ý việc cân bằng và kiểm soát cảm xúc, tránh kiệt sức hoặc tổn thương sức khỏe tinh thần. Có lẽ đây là nguyên tắc quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Bản thân nhà giáo cũng cần xem việc tự cân bằng là một nguyên tắc đạo đức để họ có thể phục vụ tốt cộng đồng, vì thực tế nhiều việc xảy ra là do họ không biết cách tự chăm sóc, không cân bằng, kiểm soát được tốt cảm xúc bản thân mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.