(GD&TĐ) - Nếu chỉ nhìn vào kết quả xử lý tham nhũng của cơ quan chức năng trong những năm gần đây, dễ có cảm tưởng những kết quả đạt được là rất lớn, những vụ việc, bị phát hiện đều được xử lý nghiêm. Nhưng thực tế, chính những người có trách nhiệm ở các cơ quan chức năng cũng phải thừa nhận vẫn có những bất cập lớn trong công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), mà những vụ việc được phát hiện, xử lý chỉ mới là phần nổi của tảng băng…
Bất cập sau những con số thống kê
Theo các số liệu Thanh tra Chính phủ gửi đến ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp giải trình “Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng thuộc trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước” (diễn ra tại Hà Nội sáng 18/7), 6 tháng đầu năm 2013, qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỷ đồng và 401 ha đất (đã thu hồi 2.306 tỷ đồng), xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.109 tỷ đồng, 44,5 ha đất. Ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập thể, 819 cá nhân.
Lùi lại thời điểm năm 2012, ngành Thanh tra đã phát hiện 89 vụ, 107 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với tổng số tài sản 104 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 2 tập đoàn, 56 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 24 vụ, 42 người, xử lý trách nhiệm 20 người đứng đầu. Từ các vụ việc được phát hiện, trong năm này lực lượng cảnh sát điều tra đã thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 410 tỷ đồng (từ số tiền và tài sản, đất đai thất thoát do tham nhũng gây ra). Con số tương tự được thu hồi trong năm 2011 là trên 300 tỷ đồng. Năm 2010 phát hiện 193 tỷ đồng, 516 ha đất, thu hồi 56 tỷ đồng, 432 ha đất. Năm 2009 tổng số tiền tham nhũng bị phát hiện trên 700 tỷ đồng, thu hồi 350 tỷ đồng.
Các kết luận phát hiện và có thể coi là ấn tượng (dù các con số không thu hồi được không thấy được đề cập đến). Tuy nhiên, theo đánh giá của Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ T.Ư về PCTN (trong phiên họp thứ ba của BCĐ T.Ư về PCTN, diễn ra tại tại Trụ sở Trung ương Đảng ngày 17/7), thực tế công tác PCTN vẫn còn những hạn chế. Có thể kể đến như việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn mang tính hình thức; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn ít so với tình hình tham nhũng xảy ra...
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Minh bạch hoạt động thanh tra là một trong những giải pháp cần thiết để phòng, chống tham nhũng. Ảnh: K.S |
Cần nhiều hơn sự quyết liệt thực sự
Một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là thực trạng một số vụ việc cơ quan thanh tra không phát hiện ra tham nhũng, sau đó cơ quan điều tra, báo chí và nhân dân tố cáo lại phát hiện ra tham nhũng. Thực tế, số liệu tổng kết hàng năm cũng cho thấy kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra còn hạn chế như Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã chỉ ra trong cuộc họp ngày 17/7 của BCĐ T.Ư về PCTN. Nguyên nhân được Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ ra chủ yếu là do trình độ, năng lực của cán bộ thanh tra còn hạn chế, chưa được đào tạo chuyên sâu như cán bộ điều tra, quá trình thanh tra phải thực hiện nhiều mục đích nhưng thời gian thanh tra có hạn, hành vi tham nhũng lại tinh vi nên rất khó phát hiện.
Từ lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng vốn, tài sản trong doanh nghiệp nhà nước và các giải pháp khắc phục, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết: Hành vi tham nhũng chủ yếu là lập hợp đồng khống để chiếm đoạt, nâng khống giá hoặc “gửi giá” khi mua bán vật tư, tài sản, dịch vụ để trục lợi, chuyển giá hay chuyển lợi nhuận cho các công ty khác, công ty là “sân sau” để trục lợi…
Theo ông Phạm Sỹ Danh, sở dĩ có tình trạng này là do một số cơ quan và người đứng đầu chưa quyết liệt, thể chế chính sách trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa minh bạch trong các hoạt động có liên quan đến người dân, doanh nghiệp, quản lý tài chính, tài sản nhà nước còn nhiều hạn chế.
Từ đó có thể thấy, ở mỗi bộ ngành, mỗi lĩnh vực đều có cách làm khác nhau trong một quyết tâm chung là PCTN. Nhưng chung quy lại, yêu cầu đặt ra để giải quyết những bất cập trong công tác này vẫn là yếu tố con người. Sự quyết tâm đã rất rõ ràng từ Đảng, Chính phủ cho đến các cơ quan ban ngành. Điều quan trọng là quyết tâm của những người có trách nhiệm đến đâu mà thôi…
Lưu Nguyễn