Xử lý rơm rạ thành phân bón tại ruộng

GD&TĐ - Chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tại ruộng giúp gia tăng dinh dưỡng cho cây trồng, tăng năng suất lúa, hạn chế tình trạng đốt gây ô nhiễm môi trường.

Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tại ruộng ở Kiên Giang.
Mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tại ruộng ở Kiên Giang.

Hạn chế tác hại do đốt rơm rạ

Sàn giao dịch công nghệ, Sở KH&CN TPHCM vừa giới thiệu chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ do ThS Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Nghiên cứu ứng dụng, Công ty Cổ phần Vi sinh Ứng dụng là tác giả. Theo ThS Bùi Thị Hồng Hà, Việt Nam hiện sản xuất khoảng 40 - 44 triệu tấn lúa gạo hàng năm với lượng rơm rạ khoảng 40 - 44 triệu tấn.

Một phần rất nhỏ rơm rạ được thu gom tái sử dụng cho mục đích chăn nuôi và các mục đích khác. Còn hầu như rơm rạ được bà con nông dân đốt vệ sinh đồng ruộng hoặc để thối rữa tự nhiên trong quá trình sản xuất lúa nước.

Việc đốt rơm rạ còn gây ô nhiễm môi trường khí, tạo ra lượng lớn khí độc như CO, SO2, NO2, các hạt bụi nhơ, bồ hóng… đặc biệt là CO độc. Ngoài ra, còn tạo ra ô nhiễm bụi mịn di chuyển theo gió đến mọi nơi gây nguy cơ suy giảm sức khỏe trong cộng đồng và che chắn tầm nhìn gây cản trở giao thông đường không, đường bộ và đường thủy.

“Việc đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng còn làm tiêu diệt vi sinh vật có lợi, làm mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, lượng rơm và gốc rạ còn lại trên ruộng do thời gian chuyển vụ rất ngắn.

Trong trường hợp này, rơm rạ không kịp phân hủy để cung cấp dinh dưỡng cho cây, và sự phân hủy hữu cơ không triệt để, khi gặp nắng nóng tạo ra các chất độc H2S, CH4 làm cho cây lúa bị ngộ độc hữu cơ.

Khi cây lúa bị ngộ độc hữu cơ do quá trình phân hủy rơm rạ kéo dài sau khi vùi thường sinh trưởng và phát triển kém, năng suất thấp. Đồng thời, nguy cơ tích tụ các nguồn sâu bệnh, cỏ dại sẵn có từ vụ trước ảnh hưởng vụ mùa tiếp theo. Bên cạnh đó, rơm rạ còn làm cản trở máy làm đất và gieo sạ, tăng chi phí thuê nhân công”, ThS Bùi Thị Hồng Hà cho biết.

Đốt rơm rạ không chỉ làm mất hơn 40% carbon cần thiết, mỗi tấn rơm rạ mất đi làm thất thoát 5,5 kg N, 2,3 kg lân, 25 kg Kali và 1,2kg S tự nhiên. Việc lưu giữ toàn bộ rơm rạ trên bề mặt ruộng làm tăng lượng NO3 - trong đất lên 46%, sự hấp thụ N lên 29% và năng suất tăng 37% so với khi đốt.

Để hạn chế việc đốt bỏ, mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm vi sinh được cho là giải pháp an toàn bền vững lâu dài. Chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên đồng ruộng rất đơn giản, chỉ cần rắc hoặc phun trực tiếp lên ruộng, sau đó chạy máy vùi rơm rạ vào đất.

Sau khi phun, đất nhuyễn mịn, màu đất nâu sáng, không hôi thối. Rơm rạ còn lại trong ruộng mềm và không thối đen. Chế phẩm vi sinh giúp phân giải nhanh rơm rạ thành mùn, chống ngộ độc hữu cơ cho cây, cân bằng độ pH đất, cải thiện hệ vi sinh vật, ức chế và tiêu diệt nấm bệnh trong đất.

Hạn chế sâu bệnh, cho năng suất lúa cao hơn

ThS Bùi Thị Hồng Hà cho biết, kết quả thử nghiệm trên đồng ruộng cho thấy, chế phẩm vi sinh đã giúp trả lại nguồn dinh dưỡng rất tốt cho đất, giúp ruộng lúa tốt, ít sâu bệnh, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ. Từ đó, ruộng lúa cũng cho hạt gạo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đem lại năng suất cao hơn cho người nông dân.

Chế phẩm vi sinh xử lý nhanh rơm rạ tại ruộng sử dụng thành công tại nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang…

Kết quả áp dụng tại mô hình ở xã Vĩnh Phú, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), ruộng sử dụng chế phẩm vi sinh số lượng 2,5 kg/ha. Năng suất lúa tươi thu được là 7 tấn/ha. Trong khi mô hình đối chứng không sử dụng chế phẩm vi sinh, năng suất chỉ đạt 6 tấn/ha.

Ngoài ra, số hạt chắc bông cũng tăng và tỷ lệ lép cũng giảm 7,3% so với ruộng không sử dụng chế phẩm. Do chi phí sử dụng ở mô hình giảm, năng suất lại tăng, nên lợi nhuận người dân thu về cao hơn gần 10 triệu đồng/ha.

Nhóm nghiên cứu kết luận, chế phẩm giúp năng suất lúa tăng, chi phí đầu tư giảm hơn trước khá nhiều, nhẹ công chăm sóc vì cây lúa xanh lâu hơn ruộng đối chứng, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu lượng rơm rạ được xử lý bằng men vi sinh sẽ đem lại hiệu quả kép, cung cấp cho cây trồng một lượng lớn phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật gây tác hại tới môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ