Nữ sinh tạo chế phẩm vi sinh làm sạch nước ô nhiễm

Chế phẩm vi sinh của cô sinh viên đam mê khoa học giúp làm sạch nguồn nước ô nhiễm, nước thải về mức tiêu chuẩn có thể dùng nuôi trồng thủy hải sản.

Nữ sinh tạo chế phẩm vi sinh làm sạch nước ô nhiễm

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, việc chứng kiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại sông Phú Lộc (TP. Đà Nẵng) đã thôi thúc sinh viên Trịnh Thị Mỹ Hạnh (khoa Hóa, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) sáng tạo nên chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus để làm sạch chất thải, mang lại hiệu quả tích cực để giảm ô nhiễm môi trường.

Trò chuyện cùng chúng tôi, Hạnh cho biết: Nhiều lần cùng bạn bè ra biển gần đường Nguyễn Tất Thành thì giật mình bởi mùi hôi thối xốc lên nồng nặc. Nước tại đây bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng xấu đến đời sống của người dân hai bên bờ sông. 

Nếu lúc trước vùng cửa sông có rất nhiều cá nước lợ sinh sống thì đến bây giờ hầu như không còn cá. Người dân sống tại đây lo ngại sẽ sinh bệnh nếu thường xuyên hít phải mùi khí hôi.

 - 1

Trịnh Thị Mỹ Hạnh (người ngoài bên trái trong ảnh) cùng bạn bè

“Có rất nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm cho sông Phú Lộc như: Nước thải sinh hoạt từ các hệ thống kênh nhánh đổ vào B12, B18, B24, Yên Thế - Bắc Sơn, mương Khe Cạn, nước thải trong các khu dân cư, chợ hải sản và đặc biệt là nước thải sau khi xử lý từ trạm xử lý Phú Lộc được đổ thẳng ra sông. 

Trạm xử lý nước thải Phú Lộc hoạt động với công suất 30.000 m3/ngày nhưng do công nghệ xử lý chưa hiệu quả nên nước chưa đạt chất lượng, thải trực tiếp vào sông”, Hạnh nói.

Xuất phát từ thực tế trên cùng hoạt động nghiên cứu khoa học được phát động tại trường, Hạnh đã có ý tưởng sáng tạo chế phẩm làm sạch môi trường nước. Sau thời gian tìm hiểu, tháng 7/2014, cô chính thức bắt đầu nghiên cứu đề tài: “Xử lý sulfat hữu cơ, khử sắt trong nước thải tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc bằng chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus” và được thầy Tiến sĩ Bùi Xuân Đông ở khoa Hóa, Đại học Bách khoa hướng dẫn.

 - 2

Hình ảnh bảo bì chế phẩm vi sinh BIO-D.OXAMICUS

Mong muốn đề tài thành công, Hạnh thường tranh thủ thời gian rảnh và học tập trên trường để nghiên cứu cùng sự giúp đỡ của bạn bè. Tháng 5 vừa qua, chế phẩm được hoàn thành, có hiệu quả xử lý chất thải triệt để khiến Hạnh vui mừng khôn xiết.

Hạnh chia sẻ: “Trong quá trình nghiên cứu, mình cùng bạn bè phải làm đi làm lại nhiều lần, thậm chí nhiều thí nghiệm không ra kết quả tối ưu khiến cả nhóm nản chí, nhưng rồi nhờ sự đam mê và quyết tâm cả nhóm đã tìm ra những lỗi sai, khắc phục để kết quả thí nghiệm tốt hơn”.

Chế phẩm vi sinh khi hoàn thành ở dạng bột, màu vàng đậm có tên gọi BIO-D.OXAMICUS. Hạnh giải thích: “Chế phẩm với mục đích xử lý sulfat hữu cơ, khử sắt trong nước thải bị ô nhiễm. Nó đảm bảo nguồn nước sau xử lý đạt TCVN 7222:2002 (loại 2) về chất lượng nước mặt hoặc vùng nước biển ven bờ, giảm đáng kể mùi hôi thối, giảm hàm lượng BOD, COD, chất rắn hữu cơ gốc sulphate, một số kim loại nặng như sắt, crom, uranium….Nước sau quá trình xử lý có thể dùng để nuôi trồng thủy hải sản”.

 - 3

Chế phẩm vi sinh BIO-D.OXAMICUS dạng bột, màu đậm xử lý nước ô nhiễm

Việc chế tạo thành công chế phẩm vi sinh BIO-D.OXAMICUS đã giúp Hạnh cùng các bạn mình lọt vào vòng thi bán kết cuộc thi HOLCIM PRIZE 2015 vừa được tổ chức.

“Nguyện vọng của mình là có thể đưa sản phẩm áp dụng vào thực tế không chỉ xử lý nước thải cho trạm Phú Lộc mà còn có thể dùng cho nhiều trạm xử lý nước thải khác trong thành phố Đà Nẵng và nhân rộng ra cả nước. 

Nhưng muốn đạt được như vậy rất cần sự đầu tư của các nhà tài trợ về nguồn kinh phí để có thể hoàn thiện sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường”, Hạnh bày tỏ.

Theo khampha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.