Xử lý hành vi đổi tiền lẻ trái luật: Khó đến thế sao?

GD&TĐ - Cứ “đến hẹn lại lên”, đến dịp lễ tết, nhất là dịp giáp tết Nguyên đán là dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại trở nên sôi động. Mặc dù, hành vi đổi tiền lẻ, tiền mới vì mục đích vụ lợi, kiếm lời là vi phạm pháp luật và bị cấm, nhưng những người thực hiện hành vi này chẳng mấy bận tâm, thậm chí hoạt động này diễn ra gần như công khai ngay mà không hề lo sợ cơ quan chức năng xử lý.

Việc nhận đổi tiền mới, tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị cấm. Ảnh; An ninh Thủ đô
Việc nhận đổi tiền mới, tiền lẻ ăn chênh lệch là hoạt động bị cấm. Ảnh; An ninh Thủ đô

Việc đổi tiền lẻ diễn ra công khai ngay các cơ sở thờ tự, chùa chiền, lễ hội... muốn bao nhiêu cũng có! Ở nhà muốn đổi tiền lẻ chỉ cần lên mạng gõ từ khóa là có hẳn địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Chỉ cần cho địa điểm sẽ có người mang tiền đến tận nơi, với số tiền cần đổi không hạn chế.

Mức thu “phí” đổi tiền lẻ có những giao dịch được quảng cáo lên đến 300 - 400%. Vậy, vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật cấm nhưng một việc đổi tiền lẻ vẫn công khai hoạt động mà không bị xử lý?

Hành vi đổi tiền lẻ là việc làm trái quy định của pháp luật. Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP, việc làm này có thể bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng, nếu tổ chức vi phạm sẽ bị phạt gấp 02 lần số tiền trên. Liên quan đến vấn đề này, hàng năm người đứng đầu Chính phủ đều có chỉ đạo yêu cầu phát hiện, xử lý nghiêm hành vi đổi tiền lẻ trái phép, cụ thể như năm 2018 việc làm này được nêu rõ trong Chỉ thị 48/CT-TTg.

Có thể nói, hoạt động đổi tiền lẻ diễn ra ngày càng phức tạp, chủ yếu là do các cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, nhất là chưa xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mặt khác, việc các tổ chức tín dụng chưa quản lý tốt số tiền có mệnh giá nhỏ được phân phối, phát hành cũng là nguyên nhân số tiền lẻ này “chảy” vào tay một số cá nhân, tổ chức hoạt động đổi tiền trái phép.  

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần ra quân quyết liệt, triệt phá tận gốc các tổ chức, cá nhân hoạt động vi phạm pháp luật này. Cùng với đó các cơ sở thờ tự, di tích, đền, chùa, địa điểm tâm linh, lễ hội cần tuyên truyền, vận động người dân không dùng tiền lẻ để rải, ném, cúng. Bởi việc làm này vừa phản cảm, vừa vô tình tiếp tay cho hoạt động đổi tiền lẻ có cơ hội để tồn tại, phát triển.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần quản lý chặt chẽ, có sự phân phối hợp lý số tiền lẻ phát hành cho các tổ chức tín dụng. Trường hợp phát hiện tình trạng tiêu cực, “tuồn” tiền lẻ ra ngoài trái quy định, tiếp tay cho tổ chức, cá nhân vi phạm phải được xác minh, xử lý nghiêm.

Việc xử lý nghiêm tình trạng trục lợi, vi phạm pháp luật trong việc đổi tiền lẻ sẽ góp phần hạn chế tình trạng rải tiền, ném tiền, cài cắm tiền lẻ diễn ra hết sức phản cảm, thiếu văn hóa ở chốn thờ tự mà dư luận bấy lâu nay vẫn bức xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.