Ngân hàng khổ vì... tiền lẻ

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp sau Tết nhiều ngân hàng lại “đau đầu” vì phải huy động 100% cán bộ, máy đếm tiền để kiểm, cũng như đếm tiền lẻ thu gom ở các nhà chùa, đền mang đến gửi...  

Ngân hàng khổ vì... tiền lẻ

Oằn lưng, mỏi mắt vì đếm tiền

Thời điểm này, nhân viên nhiều nhà băng lại phải quay cuồng với công việc kiểm đếm tiền lẻ. Chị Nguyễn Thị Lan - Nhân viên thu ngân một phòng giao dịch của Vietcombank có trụ sở đóng trên đường Láng Hạ (quận Đống Đa) - cho biết, làm việc được hơn 5 năm, nhưng năm nào cũng vậy sau Tết chi nhánh nơi chị làm việc cũng nhận nhiệm vụ cùng vài đồng nghiệp trong phòng kiểm đếm tiền lẻ từ một số đền, chùa trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận chuyển về.

Theo chị Lan kiểm đếm tiền lẻ vất vả và mất công ở chỗ, ngoài chuyện tiền đủ mọi mệnh giá, nhưng khi cho vào thùng/hòm công đức người dân còn gập lại nhiều lần, thậm chí có nhiều người còn gập tiền lại theo hình thù, gài lên tất thảy những chỗ nào có thể găm được. Do vậy, nếu nhà chùa nào tin tưởng, linh động thì cho người giám sát lúc “cân tiền” rồi cho phép ngân hàng trở về kiểm đếm, sau đó báo lại số lượng. Nhưng thường, cán bộ ngân hàng phải đến kiểm đếm tại chỗ và về hạch toán tiền gửi cho đền chùa vô cùng vất vả.

“Không ít người cho rằng chỉ có việc ngồi mà đếm tiền thì có gì vất vả đâu mà phải kêu ca, nhưng kiểm đếm tiền lẻ lại rất mất thời gian và công sức. Cứ dịp cuối năm, hay đầu năm có hôm ngồi đếm từ sáng sớm tới đêm mới xong được vài tải tiền lẻ. Lưng thì đau, mắt mỏi rã rời nhưng mọi người vẫn phải có gắng căng mắt ra để phân ra từng loại tiền, nào là loại mệnh giá 200, 500, 1.000, 2.000, 5.000 đồng... nhưng ngân hàng vẫn phải thực hiện để giữ khách. Nhiều khi tiền công kiểm đếm có khi còn hơn cả tiền lãi” - chị Lan than thở.

Cũng giống như chị Lan, anh Nguyễn Văn Quyết làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) – Chi nhánh Tây Hồ cho biết, chi nhánh anh làm việc nằm gần Phủ Tây Hồ, mà nơi đây lại thu hút rất đông người dân không chỉ khu vực Hà Nội mà cả khách thập phương tới chiêm bái những ngày cuối năm và đầu năm.

Đặc biệt, từ ngày mùng 1 Tết cho tới Rằm tháng Giêng, ngày đông nhất có gần 15.000 lượt người vào Phủ lễ bái, vì thế lượng tiền lẻ cúng tiễn tại đây cũng vô cùng lớn. “Đầu năm nào cũng vậy chi nhánh tôi cũng phải huy động 100% quân số của chi nhánh ngồi để kiểm đếm tiền. Tuy công việc chỉ rộ lên trong khoảng 20 ngày của tháng Giêng, nhưng với lượng tiền lẻ nhiều khiến ai cũng mệt mỏi” - anh Quyết cho biết.

Thói quen bao giờ thay đổi?

Từ nhiều năm nay tình trạng sử dụng tiền lẻ đi lễ đền, chùa đã trở thành thói quen của hầu hết người dân. Theo đại diện Ban Quản lý di tích Phủ Tây Hồ (Hà Nội) từ nhiều năm nay mệnh giá tiền lẻ tại Phủ Tây Hồ chiếm tới trên 70 - 80% trong tổng số tiền Phủ thu về. Bởi từ trước đến nay, như thành thói quen, nhiều người đi lễ chùa, đến cửa nhà Phật, ngoài hoa quả, nhang hương, còn muốn dâng tiền dương (tiền mặt do Nhà nước phát hành chính thức) hay vàng mã hoặc tiền “Ngân hàng địa phủ” để chứng tỏ lòng thành.

Nhiều người còn không an tâm nếu không công đức được những đồng tiền lẻ càng mới, đẹp vào các ban và lư hương thờ như một dạng tiền hương hoa, giọt dầu bày tỏ lòng thành kính thì họ cảm thấy không yên tâm thì phải.

Không riêng gì Phủ Tây Hồ, mà gần như ở tất cả các đền, chùa... cứ mỗi dịp đầu năm hoặc cuối năm đều trong tình trạng “quá tải” tiền lẻ. Đại diện Ban Quản lý lễ hội Chùa Hương cho biết, các hòm công đức ở đây hầu hết là tiền lẻ, phổ biến nhất là mệnh giá dưới 5.000 đồng.

Các loại tiền 50.000 - 100.000 đồng hay 200.000 - 500.000 đồng rất ít. Theo đại diện Ban Quản lý lễ hội Chùa Hương, tiền lẻ có mệnh giá nhỏ từ 200, 500 đồng hay 1.000 đồng thì mọi người gài, nhét, thả bất nơi đâu như: Cành hoa, cành cây, khe đá... bất kể chỗ nào, thậm chí là cả khi đi cáp treo họ cũng có thể vứt xuống. Mỗi lần chúng tôi đi gom về được hàng tải và nhét vào hòm rất mất thời gian. Với lượng tiền và đủ các loại mệnh giá thì nhân viên ngân hàng phân loại và đếm cũng phải mất hàng tuần mới xong...

Tiền lẻ để phục vụ lưu thông tiền tệ quốc gia theo yêu cầu của quy luật lưu thông tiền tệ, chứ không phải để phục vụ nhu cầu tâm linh. Thiết nghĩ, bên cạnh lệnh cấm đổi tiền lẻ dịch vụ tâm linh, cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức xã hội, để người dân tự điều chỉnh, từ bỏ thói quen không đúng với giáo giới nhà Phật, lệ chùa, bỏ cúng chùa kiểu dàn trải, nhét đều tiền nhỏ vào các khe cửa, thậm chí tận tay tượng Phật, mà chỉ nên tập trung tiền công đức vào một chỗ, vào hòm công đức chung, bằng loại tiền lớn hơn, thông dụng hơn...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ