Đây được xem như đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất của công ty gọi xe và giao đồ ăn này.
Thông báo của Grab gây xôn xao trong giới công nghệ bởi trước đó, vào giữa năm, các đối thủ trong khu vực của Grab như Sea Group (công ty mẹ của Shopee) hay GoTo Group (công ty mẹ của Gojek) đã trải qua nhiều đợt cắt giảm nhân sự. Giữa làn sóng sa thải, Grab tuyên bố công ty nằm ngoài xu hướng này và chỉ giảm tuyển dụng cũng như hợp lý hóa một số chức năng.
Quan điểm không sa thải nhân viên được Tổng Giám đốc kiêm nhà đồng sáng lập Grab Anthoney Tan lặp lại trong một bức thư gửi nhân viên vào tháng 12/2022. Trong đó, ông Tan cho biết, Grab đang tạm dừng tuyển dụng những vị trí không quan trọng và tạm dừng tăng lương cho các vị trí quản lý cấp cao.
Tác động của những đợt cắt giảm công nghệ, trước là Meta, Citigroup và giờ là Grab, vượt ra ngoài những nhân viên trực tiếp bị ảnh hưởng và gây ra “hiệu ứng domino” trong toàn ngành và nền kinh tế rộng lớn hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do nhiều người mất việc làm và khiến tỷ lệ cạnh tranh cho các vị trí khác tăng lên. Ngược lại, lương và phúc lợi của người lao động có thể giảm do ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn trong môi trường cạnh tranh cao.
Một cách gián tiếp, làn sóng sa thải sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác như bán lẻ, du lịch, giải trí... do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, về mặt khách quan, thông báo sa thải mới đây là minh chứng cho làn sóng thay đổi tất yếu trong lĩnh vực công nghệ. Thế giới đang bước sang một kỷ nguyên công nghệ mới, trong đó trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò trung tâm.
Từ đầu năm 2023 đến nay, AI đã ảnh hưởng đến gần như mọi mặt đời sống với sự phổ biến của ChatGPT, do công ty công nghệ OpenAI, xây dựng. Trong đó, ChatGPT có thể giải đáp mọi thắc mắc của con người chỉ trong vài giây, thậm chí có thể làm thơ, sáng tác nhạc, lập trình... không khác gì con người.
Sự phổ biến ngày càng tăng của AI đòi hỏi các công ty công nghệ xem xét lại về việc tuyển dụng và sử dụng lực lượng lao động cũng như cơ cấu hoạt động của họ.
Quá trình này được thúc đẩy sau đại dịch Covid-19 và khi lạm phát khiến chi phí hoạt động cao, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng trưởng nhanh chóng nhưng tiết kiệm tối đa chi phí. Trong sự dịch chuyển này, việc sa thải nhân sự là điều không thể tránh khỏi.
Bối cảnh công nghệ phát triển hiện nay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, đào tạo lại và nâng cao kỹ năng công nghệ cho người lao động. Nhưng nhiệm vụ này nói dễ hơn làm. Nhiều quốc gia trên thế giới đang loay hoay tìm phương án đào tạo lại cho nhân viên.
Đào tạo lại ở đây không chỉ mang nghĩa trau dồi lại những kiến thức, kỹ năng sẵn có, mà phải làm sao để nâng cao kỹ năng cho người lao động. Trong đó, các công việc có thể tự động hóa sẽ chuyển giao cho máy móc còn con người được đào tạo để đảm nhận các vai trò đòi hỏi sự sáng tạo và tư duy mà máy móc không thể sao chép.